TCTM – Nhân dịp đón xuân Ất Tỵ 2025, đoàn công tác Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã có chuyến thăm, chúc Tết một số doanh nghiệp thang máy khu vực phía Bắc. Chuyến thăm không chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần mà còn lắng nghe những chia sẻ, khó khăn và mong muốn của các doanh nghiệp.
Ngày 21/1/2025, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Huy Tiến cùng ông Phạm Đại Nghĩa, Trưởng Ban Phát triển Hội viên và ông Phùng Tuấn Anh đã đến thăm, chúc Tết một số doanh nghiệp thang máy tại khu vực phía Bắc.
Tại các doanh nghiệp, Tổng Thư ký Nguyễn Huy Tiến đã trực tiếp gửi lời chúc mừng đến các đơn vị vì những nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những tăng trưởng đáng kể trong năm 2024.
Các doanh nghiệp phân phối thang máy lớn tại mỗi địa phương đều đã khẳng định được vị thế nhất định trên thị trường. Điều này thể hiện qua cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư bài bản, quy mô nhân sự ổn định, thị phần khách hàng rộng lớn và tầm ảnh hưởng nhất định trong khu vực.
Đoàn công tác Hiệp hội Thang máy Việt Nam thăm và chúc Tết một số doanh nghiệp thang máy khu vực phía Bắc
Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 đạt nhiều thành công và hiệu quả, thậm chí vượt kế hoạch doanh số năm lên đến 30%. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và phát triển của ngành thang máy.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn chia sẻ những thách thức và khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Trong đó, nổi cộm là vấn đề nhân lực trong dịp cuối năm.
Mặc dù có rất nhiều công trình cần thi công lắp đặt thang máy để kịp vận hành trước Tết Nguyên đán nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do thiếu hụt nhân viên kỹ thuật lắp đặt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nghiệm thu công trình.
Đoàn công tác Hiệp hội Thang máy Việt Nam thăm và chúc Tết một số doanh nghiệp thang máy khu vực phía Bắc
Bên cạnh đó, cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp trên thị trường vẫn là một bài toán khó trong năm 2024 vừa qua, gây áp lực lên biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là xu hướng khách hàng địa phương ngày càng chú trọng đến uy tín của doanh nghiệp hơn là chỉ quan tâm đến giá thành sản phẩm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng và củng cố thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Ngoài ra, tình trạng chậm thanh toán hợp đồng vẫn tiếp diễn, gây khó khăn cho dòng tiền của doanh nghiệp. Đây là một vấn đề tồn tại dai dẳng và đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những biện pháp quản lý tài chính linh hoạt và hiệu quả để thích ứng.
Để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thang máy Việt trong giai đoạn mới, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã đưa ra một số nội dung chính cần phải thực hiện. Cụ thể:
1. Chuẩn hóa nhân lực: Các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa công tác chuẩn hóa chất lượng nhân lực kỹ thuật viên ngành thang máy. Để xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên thang máy chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, VNEA đã phối hợp với Đại học Thang máy Hàn Quốc (KLC) cùng các cơ sở đào tạo triển khai Chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ cho kỹ thuật viên thang máy.
2. Số hóa trong quản trị dịch vụ: Các doanh nghiệp cẩn đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số trong quản trị dữ liệu thang máy để nâng cao an toàn, chất lượng dịch vụ ngành thang máy. Hiện VNEA đã hoàn thiện hệ thống quản lý dữ liệu thang máy thông qua mã định danh; đồng thời đang tập trung phát triển số hóa dịch vụ thang máy thông qua ứng dụng ESA – Ứng dụng an toàn thang máy.
3. Tiêu chuẩn hóa kỹ thuật, dịch vụ: VNEA cũng đã công bố tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy TCCS 01:2023/VNEA về Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy; TCCS 02:2024/VNEA về Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy.
Ngoài ra, trong năm 2025, VNEA sẽ tiếp tục công bố TCCS 03:2025/VNEA về Định mức thiết bị phục vụ công tác bảo trì. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo trì thang máy trên toàn quốc.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật