TCTM – Thang máy – một biểu tượng của sự hiện đại và phát triển đã trở thành một phần thiết yếu trong việc tạo dựng không gian sống an toàn và tiện nghi.
Với trẻ thơ, thang máy không chỉ là một phương tiện di chuyển, đó còn là một thế giới đầy màu sắc kỳ diệu và những cảm xúc thú vị đến từ những trải nghiệm mới mẻ và cả những bài học quý giá.
Ở khu vực nông thôn và miền núi, thang máy không xuất hiện phổ biến. Dường như chúng chỉ có ở các cơ sở giáo dục hoặc trung tâm cộng đồng, mỗi lần được bước vào thang máy là cả một trải nghiệm mới mẻ đối với trẻ thơ. Ở thành thị thì khác, thang máy đã trở thành phương tiện di chuyển thông dụng hàng ngày, trẻ có nhiều cơ hội để tìm hiểu, thực hành và hình thành các kỹ năng sử dụng thang máy an toàn.
Ly là cô bé sinh ra và lớn lên ở thành thị, gia đình em sống trong khu chung cư cao cấp thuộc Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mùa hè năm 2024, bà ngoại đưa 2 người chị họ của Ly ra chơi. Ngày đầu tiên đón bà và các em ở sảnh, khi bước chân vào thang máy để lên nhà, 2 người chị của Ly vô cùng ngạc nhiên, hồi hộp, xen chút tò mò. Ánh đèn lung linh phản chiếu qua những chiếc gương làm cho không gian như rộng hơn. Khi đó, màn hình nhỏ gắn trong thang đang phát tiết mục “Em là hoa hồng nhỏ” mà Ly cùng các bạn trong tòa nhà múa hát trong chương trình kỷ niệm ngày quốc tế thiếu nhi.
Trong tiết mục đó, Ly mặc chiếc váy công chúa màu trắng với chiếc vương miện nhỏ nhắn gắn trên đầu, chân mang đôi giày búp bê có thắt nơ hình cánh bướm, nhìn em như một nàng công chúa nhỏ khiến các chị của em không khỏi xuýt xoa. Với các chị, lần đầu tiên sử dụng thang máy là một trải nghiệm kỳ diệu. Cảm giác di chuyển lên cao, sự thay đổi không gian từ tầng này sang tầng khác mang đến những cảm xúc hồi hộp, phấn khích khi cánh cửa thang máy mở ra ở mỗi tầng để mọi người di chuyển. Thang máy trở thành một phần trong những kỷ niệm đáng nhớ của trẻ thơ.
Dịp đó, Ly có cơ hội trở thành một hướng dẫn viên thực thụ dẫn các chị đi chơi tại các trung tâm thương mại, các điểm di tích, văn hóa của thủ đô trong những ngày các chị ra thăm Hà Nội. Điểm đến đầu tiên là Quảng Trường Ba Đình lịch sử – Quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Tiếp đến là quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám – ngôi trường Đại học đầu tiên ở nước ta, nơi lưu giữ những dấu ấn về văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ly dẫn các chị đến Hoàng Thành Thăng Long, đi ăn kem Tràng Tiền, dạo quanh Hồ Gươm, thăm quan phố cổ – nơi từng được du khách Tây ví như thành Venice cổ kính.
Giữa nhịp sống đô thị nấp nập, phố cổ Hà Nội vẫn lưu giữ những ngôi nhà truyền thống, những món ăn dân dã đặc sản, các công trình văn hóa độc đáo của Hà Nội xưa, người Hà Nội thân thiện và mến khách…, tất cả tạo nên bản sắc riêng với sức sống trường tồn thu hút du khách mỗi lần ghé thăm thủ đô. Về đêm, Hà Nội hiện lên lung linh, sống động và đầy màu sắc qua những ánh đèn. Mảnh đất ngàn năm văn hiến này còn là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện cổ tích, như câu chuyện về Ô Quan Chưởng, truyền thuyết Hồ Gươm…
Tất cả tạo nên một Hà Nội vừa lung linh, huyền thoại, vừa sôi động, náo nhiệt, trở thành ấn tượng đặc biệt trong hành trình lớn lên của nhiều đứa trẻ.
Trong không gian nhỏ bé của thang máy, Ly giới thiệu với các chị về những nút bấm trên bảng điều khiển, hướng dẫn cách gọi thang, chọn tầng cần đến, nút gọi cứu hộ khi cần giúp đỡ, chia sẻ trải nghiệm thang máy với những bài học về quy tắc an toàn mà mẹ đã hướng dẫn cho em. Những bài học đó không chỉ giúp em có kỹ năng sống mà còn hình thành thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày. Thang máy trở thành một không gian gắn kết, nơi chia sẻ những câu chuyện thú vị với người thân sau mỗi buổi đến trường hoặc những câu chuyện trong cuộc sống thường nhật. Mỗi lần bước vào thang máy, trẻ không chỉ di chuyển giữa các tầng mà còn bước vào một hành trình mới, nơi trí tưởng tượng bay xa và những kỷ niệm đẹp được hình thành.
Thang máy trong đôi mắt trẻ thơ là một thế giới đầy màu sắc và sự trải nghiệm. Từ những câu chuyện thú vị cho đến những bài học quý giá về an toàn, thang máy không đơn thuần là một công cụ di chuyển, một điểm nhấn kiến trúc độc đáo cho không gian sống mà còn là một phần của hành trình khám phá cuộc sống, kết nối những ước mơ.
Lâm Anh
Sinh năm 2011, Học sinh trường Trung học Cơ sở Việt Nam – AlGiêri
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật