TCTM – Giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và vươn đến các tiêu chuẩn quốc tế chính là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam: Cạnh tranh là hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi quan hệ cung – cầu, nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất.
Có nhiều phương thức cạnh tranh khác nhau giữa các doanh nghiệp, được định hình bởi các yếu tố chủ đạo như công nghệ, giá cả, quy mô hay lợi thế đặc thù,… Khi nhu cầu thị trường lớn hơn khả năng cung ứng, việc tiêu thụ hàng hóa khá dễ dàng, các doanh nghiệp cạnh tranh chủ yếu xoay quanh việc đẩy mạnh quy mô, năng lực sản xuất.
Ngược lại, khi năng lực sản xuất gia tăng, nguồn cung hàng hóa dồi dào tới mức dư thừa so với nhu cầu thực, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại hạ giá sản phẩm xuống thấp hơn mức giá thị trường với hy vọng thu hút người mua. Chiến lược này mang lại hiệu quả ngắn hạn, song về lâu dài sẽ khiến lợi nhuận giảm dần, khiến doanh nghiệp đối diện với nguy cơ phá sản.
Nếu như cạnh tranh về giá là “trò chơi có tổng bằng không”, thì nâng cao năng lực bằng định chuẩn lại là “trò chơi tổng không bằng không” – nơi các chủ thể cùng nhau phát triển.
Thực tế, để đạt được giá cạnh tranh tối đa, các doanh nghiệp không ngần ngại cắt xén nguyên liệu hoặc thay thế bằng các loại nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng, độ tương thích, độ an toàn,… Còn dịch vụ thì cắt bước, giảm thao tác, thậm chí quá trình bảo trì, bảo dưỡng chỉ còn mang tính chất hình thức.
Kết quả cuối cùng là doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, sau khi trải qua nhiều phiền toái với dịch vụ, sản phẩm giá rẻ, người tiêu dùng ngày càng thông thái hơn trong quyết định mua sắm. Yếu tố giá rẻ dần được thay thế bằng những thước đo về chất lượng rõ ràng: đó chính là tiêu chuẩn.
Định chuẩn để thoát khỏi cuộc chiến giá
Nhỏ như một cây kim, lớn như máy bay Boeing cũng cần được tiêu chuẩn hoá. Với hoạt động giao thương ngày càng sâu rộng cùng mức độ cạnh tranh lớn, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã trở thành xu thế tất yếu và là yếu tố quan trọng, giúp đảm bảo chất lượng, an toàn và tính nhất quán trong sản phẩm, quy trình, dịch vụ.
Tiêu chuẩn hóa là yếu tố giúp doanh nghiệp thoát khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá và xây dựng giá trị bền vững dựa trên chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bởi khi sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm đáng tin cậy.
Chẳng hạn như, một doanh nghiệp thang máy cung cấp dịch vụ lắp đặt, sửa chữa có hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ. Mỗi kỹ thuật viên đều được đào tạo bài bản và có chứng chỉ hành nghề. Thông tin của từng kỹ thuật viên được quản lý một cách minh bạch qua mã QR, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu và kiểm tra. Mỗi chiếc thang máy đều được gắn mã QR để khách hàng có thể truy cập thông tin chi tiết về sản phẩm, lịch sử bảo trì và các thông số kỹ thuật.
Khi mọi yếu tố đều được chuẩn hóa, từ con người đến sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tạo ra một dấu ấn thương hiệu khác biệt giữa thị trường đang “loạn lạc” về giá.
Không ít doanh nghiệp trong nước bị cuốn vào cuộc đua giảm giá bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất đến mức vi phạm yếu tố an toàn. Tại sao không phải là nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tăng tính cạnh tranh?
Về con số cụ thể, nghiên cứu Chỉ số trải nghiệm khách hàng – Customer Experience Index (CEI) cho thấy 86% khách hàng sẵn lòng chi trả nhiều hơn để có trải nghiệm tốt hơn, và 40% sẽ mua sắm nhiều hơn từ các doanh nghiệp mang đến trải nghiệm khách hàng xuất sắc.
Tiêu chuẩn hóa không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi áp lực giảm giá mà còn bảo vệ họ trước những biến động của thị trường. Sản phẩm đạt chuẩn không chỉ giữ vững được thị phần, tăng biên lợi nhuận mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng “khớp lệnh” khi tham gia vào thị trường quốc tế.
Định chuẩn để hội nhập quốc tế
Việc mang hàng hóa ra thế giới hiện đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) liên tục mở rộng để gỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng rào địa lý giữa các quốc gia… Song, cùng với đó các biện pháp phi thuế quan ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Trong đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn – hay được gọi là hàng rào kỹ thuật trong thương mại, ngày càng được các nước nâng cao, siết chặt. Nó giống như một bức tường vô hình, đòi hỏi hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu về chất lượng, an toàn, môi trường… mới được phép lưu hành vào thị trường các quốc gia, khu vực.
Trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng sẽ bị loại bỏ, còn các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn sẽ tận dụng được cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.
Doanh nghiệp sớm tham gia vào định chuẩn sản phẩm sẽ có nhiều lợi thế để thúc đẩy hoạt động bán hàng và tăng biên lợi nhuận so với các đối thủ cùng ngành khác.
Các hàng rào kỹ thuật của các quốc gia, khu vực ngày càng gia tăng, không chỉ là vấn đề về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn liên quan tới tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn môi trường.
Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng nhưng đang khó tính hơn khi thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh. Nếu như trước đây, giới đầu tư chỉ quan tâm đến bottom line (doanh thu, lợi nhuận) thì bây giờ quan tâm nhiều hơn đến triple bottom line hay ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).
Các tiêu chuẩn xanh của châu Âu đang được áp dụng ngày càng rộng và sâu hơn, như Chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, Thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình: Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM); Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR),…
Có thể nói rằng, các tiêu chuẩn về môi trường, khí thải, công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại đang định hình lại cách mà các doanh nghiệp tham gia vào thị trường.
Đây không phải là cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp với nhau. Doanh nghiệp nào đáp ứng được những định chuẩn mà quốc gia, khu vực đề ra hay các tiêu chí ESG hướng tới kinh tế xanh thì có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng và thị trường.
Trong khi đó, những doanh nghiệp nào chậm thích ứng với các yêu cầu ngày càng khó của thị trường thì sẽ bị đào thải.
Tiến tới định chuẩn cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ nói chung thực chất không phải là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, mà chính là động lực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực, đánh thắng trên sân nhà và mở rộng ra sân chơi thế giới.
Chậm tiêu chuẩn hóa là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia mở cửa kinh tế rộng nhất thế giới với 19 FTA đã ký kết, thực thi và đang đàm phán; đồng thời, là đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia trên thế giới.
Thay vì nghĩ nó là cuộc đua của doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau thì các doanh nghiệp cần có chiến lược và hành động cụ thể để thay đổi chính mình.
Định mức lao động ngành thang máy – Căn cứ then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ
Giới thiệu Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy phần 2 về định mức lao động
Hiệp hội Thang máy Việt Nam công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật