TCTM – Ngày 28/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
Nêu ý kiến về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Bình, cho hay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi nhóm này chiếm khoảng 97% trên gần 1 triệu doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Về thuế suất, dự Luật quy định áp dụng mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng, quy định chưa giải quyết được những khó khăn trong thực tiễn. Bởi với mức doanh thu 3 tỷ đồng/tháng thì mỗi ngày doanh thu chỉ 10 triệu đồng – tương đương với các hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ lại phải tốn chi phí để quyết toán thuế.
Vì vậy, đại biểu Thân đề nghị nên quy định việc áp thuế phù hợp, nên quy định mức doanh thu bao nhiêu thì mỗi năm nộp thuế bao nhiêu,…
“Không nên quy định việc áp thuế cứng 15%. Nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia vào sản xuất, kinh doanh”, ông Thân cho biết.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng đề xuất miễn thuế đối với đối tượng cơ quan báo chí. Theo đại biểu, hiện nay báo chí chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính trị, việc làm thêm rất nhỏ. Đa số các báo không có doanh thu, sẽ không nộp thuế được.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ – Đoàn ĐBQH TP.HCM. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP.HCM) cho hay mức thuế suất chung là 20% vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19%, tạo điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển, phục hồi sau giai đoạn hậu dịch COVID-19.
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng nếu chúng ta bỏ không thu thuế đối với những đối tượng này sẽ dẫn đến tình trạng thất thu thuế.
Việc này sẽ không công bằng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước có những sản phẩm tương đồng với các sản phẩm của các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn những cơ sở không thường trú ở Việt Nam mà chỉ thông qua sàn giao dịch điện tử thì cách tính thuế sẽ như thế nào?
Giải trình các ý kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay khi xây dựng luật thuế phải đảm bảo sự đúng đắn, phù hợp, công bằng hợp lý và thúc đẩy phát triển.
Hiện nay thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, tài khóa hiện nay bội chi khoảng 400.000 tỷ đồng. Sắp tới ta xây dựng công trình, hạ tầng trọng yếu, bội chi ngân sách và nợ công tăng lên, nên nguồn thuế phải tập trung.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Xu hướng thế giới là thắt chặt chính sách tài khóa, tăng thuế suất lên đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công. Song do chúng ta vừa trải qua đại dịch, cần ủng hộ và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nên vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.
“Thuế thu nhập doanh nghiệp so với các nước Đông Nam Á vẫn ở mức thấp. Chúng ta không thể so với Singapore được, bình quân thu nhập quốc dân của họ là 90.000 USD/người, trong khi chúng ta hơn 4.000 USD/người. Hay khi so với Philippines, thuế thu nhập doanh nghiệp họ tính 30%, Malaysia tính 24% và các quốc gia khác là 25%” – Phó Thủ tướng cho hay.
Nguyên tắc với thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng mọi khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập phải chịu thuế kể cả sản xuất kinh doanh và các thu nhập khác. Vì vậy, những doanh nghiệp nước ngoài dù không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua sàn thương mại điện tử, mua bán online dù có trụ sở từ nước ngoài nhưng đã được thu thuế.
Với băn khoăn của đại biểu về áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng, Phó Thủ tướng cho rằng mức sửa đổi này căn cứ vào nghị quyết của trung ương để ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, ông kiến nghị Quốc hội cần giao cho Chính phủ điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế phù hợp với biến động về giá để đảm bảo tính phù hợp. “Việc giao cho Chính phủ quy định để sát với hoạt động phát sinh, doanh thu thế nào thì thu từng đấy vì mức doanh thu này có trong dữ liệu của cơ quan khác”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật