Những ‘thành phố ma’ và bài toán lấp đầy của Trung Quốc

Những ‘thành phố ma’ và bài toán lấp đầy của Trung Quốc

TCTM – Trung Quốc không dễ lấp đầy 81 triệu căn hộ bị bỏ trống khi niềm tin thị trường giảm sút, địa phương không mặn mà mua lại và hơn hết chính là tình trạng dân số giảm.

TCTM – Trung Quốc không dễ lấp đầy 81 triệu căn hộ bị bỏ trống khi niềm tin thị trường giảm sút, địa phương không mặn mà mua lại và hơn hết chính là tình trạng dân số giảm.

Những căn hộ sang trọng một thời trong khu Venice trên biển của Evergrande trở nên ế ẩm, giá trị giảm sút nghiêm trọng. Phần lớn thời gian trong năm đều vắng bóng người ở.

Mức độ xây dựng quá đà của Trung Quốc đã được tranh cãi trong nhiều năm. Các câu chuyện về “thành phố ma” – những khu vực đầy nhà ở nhưng không có người – bắt đầu xuất hiện năm 2010. Năm ngoái, một phó quan chức Cục Thống kê Trung Quốc ước tính lượng nhà trống đủ dân số cả nước ở.

Những ‘thành phố ma’

Những ‘thành phố ma’

Khu State Guest Mansions, một dự án “ma” ở ngoại ô Thẩm Dương, vẽ nên bức tranh ảm đạm về số phận của vô số bất động sản bỏ hoang tại Trung Quốc. Nằm chỏng chơ giữa vùng ngoại ô, khu phức hợp từng được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng của sự giàu sang nay đã trở thành nơi hoang tàn với hơn 100 biệt thự phong cách châu Âu dang dở với những bức tường bong tróc, cỏ dại mọc um tùm, và chiếc đèn chùm đổ nát treo lủng lẳng từ trần nhà. 

Hiện vẫn chưa rõ số phận của khu phức hợp này sẽ ra sao khi nhà phát triển đã vỡ nợ.

State Guest Mansions là dự án biệt thự được phát triển bởi Tập đoàn Bất động sản Greenland Group (Thượng Hải).

Động thổ năm 2010, dự án ban đầu được hình dung là quần thể biệt thự nguy nga dành cho tầng lớp thượng lưu. Thế nhưng, hiện nay, “cư dân” chính tại đây lại là bò, dê.

Hay tại thành phố Lạc Dương – nơi có 7 triệu dân ở miền trung Trung Quốc, nếu không xây mới và lượng bán tiếp tục duy trì như hiện tại, sẽ cần thêm 8 năm để bán hết các căn hộ đang bỏ trống ở đây.

Khu vực này là điểm nóng của cuộc khủng hoảng bất động sản, nơi việc xây dựng quá mức trong nhiều năm đã biến nhiều quận thành “nghĩa địa nhà ở”. Những khu vực hoang tàn, ngổn ngang bê tông và kính tạo nên vết sẹo cho thành phố.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc đã để lại hàng chục triệu căn nhà bỏ trống. Công cuộc lấp đầy những ngôi nhà trống trở nên khó khăn hơn, nhất là sau chính sách một con, dân số nước này dự kiến sẽ giảm 204 triệu người trong 30 năm tới. 

Tianlei Huang, nghiên cứu viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết: “Về cơ bản, không có đủ người để lấp đầy những ngôi nhà”.

Phóng viên Jonathan Cheng của WSJ đến dự án biệt thự State Guest Mansions và khu dân cư cao tầng bỏ hoang của Evergrande tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Video: WSJ

Thật khó để xác định chính xác vấn đề khủng khiếp đến mức nào. Trung Quốc không cung cấp số lượng chính thức các đơn vị nhà bỏ trống, vì vậy, nhiều nhà kinh tế phải đưa ra ước tính bằng cách sử dụng tỷ lệ nhà bỏ trống, giấy phép xây dựng và các nguồn dữ liệu khác. Họ ước tính con số này lên tới hàng chục triệu.

Đến tháng 7/2024, một thống kê cho biết có 32 triệu căn hộ không bán được. Bên cạnh đó, còn có 49 triệu căn đã được mua nhưng bỏ trống.

'Bơm tiền' cứu bất động sản

“Bơm tiền” cứu bất động sản

Để phục hồi thị trường bất động sản, giới chức Trung Quốc đã tìm cách lấp đầy những căn nhà trống.

Vào tháng 5/2024, Bắc Kinh công bố gói cứu trợ mới, trong đó ngân hàng trung ương sẽ cung cấp tới 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ USD) tiền vay lãi suất thấp cho các ngân hàng Trung Quốc để nhiều công ty nhà nước vay. Các công ty này sẽ mua các bất động sản bỏ trống và biến chúng thành nhà ở giá rẻ.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 4/11/2024, lãnh đạo nước này cho biết có thể phân bổ 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 562 tỷ USD) dưới dạng trái phiếu đặc biệt để chính quyền địa phương mua đất và nhà ở chưa bán được trong vòng 5 năm tới, theo Reuters.

Evergrande
Một loạt doanh nghiệp địa ốc khổng lồ của Trung Quốc chênh vênh bên bờ vực sụp đổ vì thua lỗ trầm trọng và gánh “núi” nợ khổng lồ, với những khoản nợ đáo hạn chưa thể thanh toán. Trong đó, Evergrande là nhà phát triển bất động sản "nặng nợ" nhất thế giới. (Ảnh: SCMP).

Bằng cách tập trung vào các căn hộ ế, Bắc Kinh tin rằng có thể giải quyết một số vấn đề nổi cộm của nền kinh tế. Bởi lẽ, với quá nhiều căn hộ bỏ không, các nhà phát triển bất động sản sẽ ngần ngại triển khai dự án mới. Khi họ ngừng xây dựng thì cũng sẽ ngừng thuê đất của chính quyền, là cú sốc đối với các chính quyền địa phương đang nợ nần, vốn dựa vào việc cho thuê đất, bán đất làm nguồn thu chính.

Nhà ở dư thừa buộc các nhà phát triển phải hạ giá, làm mất niềm tin của những người từng gom hết của cải để đầu tư bất động sản, dẫn đến sự sụt giảm mạnh doanh số. Chi tiêu cho nhà ở mới tại Trung Quốc dự kiến giảm từ hơn 16.000 tỷ nhân dân tệ năm 2021 xuống còn khoảng một nửa trong năm 2024. 

Các nhà phân tích tại tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global tóm tắt ngắn gọn: “Quá nhiều nguồn cung, quá ít niềm tin.”

Bài toán nằm ở các thành phố nhỏ

Bài toán nằm ở các thành phố nhỏ

Dưới những chính sách thúc đẩy thị trường, một số bất động sản chưa được sử dụng sẽ được mua lại dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc. Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến gần như chắc chắn sẽ hấp thụ hết nhà ở dưa thừa, nếu xét đến nền kinh tế năng động và dòng người di cư từ các tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải hơn nằm ở các thành phố nhỏ – nơi có triển vọng kinh tế yếu và dân số giảm. Trong số gần 340 thành phố được phân loại là cấp ba, cấp bốn và cấp năm, dân số từ vài trăm nghìn đến vài triệu người đều đang gặp khó khăn về kinh tế.

Hơn hết, người trẻ đều đang rời đi. 

Báo cáo Triển vọng Dân số năm 2024 của Liên Hợp Quốc dự báo đến năm 2100, dân số Trung Quốc có thể quay trở lại mức tương đương những năm 1950, là gần 700 triệu người. (Ảnh: Nikkei Asia)

Theo tính toán của The Wall Street Journal dựa trên các dữ liệu chính thức, ít nhất 60% các thành phố cấp ba, cấp bốn và cấp năm của Trung Quốc đã chứng kiến dân số giảm liên tục từ năm 2020 đến năm 2023. Còn theo giáo sư kinh tế Kenneth Rogoff của Harvard, những thành phố đó chiếm hơn 60% lượng nhà ở của Trung Quốc.

Điểm khó khác là các chính quyền địa phương cũng không có nhiều hứng thú với việc mua lại các căn nhà ế của chủ đầu tư.

Tính đến cuối tháng 6, chỉ 4% số tiền trong gói cho vay 300 tỷ nhân dân tệ được các địa phương dùng mua lại các căn hộ bỏ trống. Nguyên nhân là chi phí trả nợ khi dùng gói vay này thậm chí còn cao hơn lợi nhuận dự kiến có thể thu được, khiến tiềm năng đầu tư trở nên kém hấp dẫn.

Ở cấp độ toàn quốc, công ty chứng khoán Tianfeng Securities ước tính Bắc Kinh cần chi đến 7.000 tỷ nhân dân tệ để mua lại tất cả căn nhà trống.

Con số này vượt xa khả năng sẵn sàng chi tiêu của chính quyền. Do đó, các thành phố như Lạc Dương, Thẩm Dương có thể vẫn phải tiếp tục tìm cách xoay sở với các dự án hoang vắng trong nhiều năm nữa.

Nội dung: Phương Trang