TCTM – “Đời người ai cũng chỉ sống có một lần, sống một lần sao cho khỏi xót xa ân hận bởi những năm tháng đã sống hoài sống phí”.
3h sáng.
Tiếng chuông vang lên, Hải giật mình tỉnh giấc, vội vàng đưa tay cầm chiếc điện thoại đặt sẵn đầu giường. Là cuộc gọi từ trung tâm cứu hộ thang máy, cần người xử lý mà theo như họ nói: một ca khó.
Khoác túi đồ dụng cụ bảo hộ, Hải bước ra khỏi nhà, nhanh chóng leo lên con xe quen thuộc đã cùng anh rong ruổi khắp mọi ngõ ngách của Hà Nội. Cái lạnh cuối đông thốc vào người khiến cậu phải bật lên xuýt xoa dù đã mặc một lớp áo dày. Cũng phải, tháng 12 rồi, chỉ độ non tháng nữa là đến Tết. Mùa của những cơn gió mà ngay cả ở trong nhà cũng khiến người ta phải co ro, huống gì là người phóng xe đi trên đường lúc này, khi vừa mới 3h sáng.
Thấm thoắt cũng đã 7 năm kể từ ngày cậu bước chân vào nghề thang máy.
Bảy năm để Hải quen với việc “giải phẫu” và hiểu từng linh kiện của một chiếc thang như chính từng thớ thịt. Mà nhỉ, “trực đêm, chẩn đoán, bắt bệnh” rồi thì “ca khó”- mấy thuật ngữ thoảng qua trong đầu khiến cậu nom mình cũng giống một bác sĩ. Chỉ có điều, nghề của cậu bạc bẽo quá.
Lần đầu tiên đứng trong hố thang tại công trình chỗ Hàng Đậu, đầu óc Hải choáng váng. Không gian tối tăm chật chội với độ cao rình rập nguy hiểm đủ để cậu phải trấn an bản thân một hồi lâu mới có thể tiếp tục. Nếu chỉ nhỡ một bước sảy chân, cậu không dám tưởng tượng nó sẽ thế nào. Mãi đến sau này, khi đã làm quen với mọi thứ và tự nhắc mình cẩn trọng với những nguyên tắc an toàn, Hải mới thấy dễ chịu hơn mỗi khi tới công trường. Những giấc ngủ còn lấm lem dầu mỡ và cả những bữa cơm đựng trong chiếc cà mèn dần thấy ngon.
7 năm, cậu chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng trong nghề. Kinh nghiệm, thâm niên, Hải nhận ra những thứ đó không thể khỏa lấp được nếu muốn an toàn trong công việc đầy nguy hiểm như làm thang máy. So với chàng trai 23 tuổi vừa mới tốt nghiệp cơ điện, đâu có ngờ hiện thực sau này lại cực nhọc, phũ phàng đến thế. Lắm lúc, cậu nghĩ hay mình bỏ việc, đi chạy Grab. Hải nhẩm tính, nếu một ngày chạy được kha khá, có khi thu nhập còn cao hơn. Mà nhất là, cậu không phải xa vợ, xa con nhỏ, cậu thèm được ăn bữa cơm nhà cuối ngày sau những mỏi mệt.
Đã 3 tháng rồi Hải không ghé thăm nhà. Tối nay trong lúc trò chuyện qua điện thoại, cu con vẫn hỏi bố lúc nào về để thực hiện niềm vui yêu thích nhất: được chở đi siêu thị trong trung tâm thành phố. Nhà cậu ở ven vùng ngoại ô, nếu không phải vì cơ duyên với nghề thang máy thì có lẽ bây giờ Hải vẫn gắn bó với nghiệp thuần nông như bố mẹ tại mảnh đất tỉnh lẻ miền Trung.
Năm ấy, cậu sắm một chiếc áo mới đi phỏng vấn vào một công ty thang máy. Đó cũng là lần đầu tiên Hải cảm nhận thấy sự say mê từ người tiền bối được truyền vào bản thân mình, khiến đầu cậu nảy “ting” lên như có một dòng điện xẹt qua. Thế rồi cậu được dạy dỗ, được chỉ bảo, được mò mẫm và truyền đạt từng thứ với lòng thôi thúc và tìm thấy niềm vui hệt một hành trình giải bài toán khó.
Mãi đến sau này Hải mới biết, hồi đấy cậu trúng tuyển vì vị giám đốc bảo rằng: “Giúp bạn này đi, chắc hoàn cảnh lắm mặc chiếc áo bạc cả màu”. Mỗi khi nhớ lại, đúng thật dở khóc, dở cười.
Gió lạnh lại thốc vào người cắt ngang những dòng ký ức, đứt quãng. Còn chừng dăm cây số nữa sẽ đến nơi. Hải mường tượng xâu chuỗi lại những dữ liệu trong cuộc điện thoại lúc nãy để lát tới điểm cứu hộ có thể xử lý một cách nhanh chóng hơn. Cậu hiểu hơn ai hết, khi một mình bị nhốt trong không gian chật hẹp vào thời điểm trống vắng như lúc này sẽ đáng sợ đến thế nào. Rất nhiều lần, sự xoa dịu những mỏi mệt chính là gương mặt vỡ òa của một ai đó được cậu giải cứu sau sự cố.
Có lẽ, việc an tâm khi giúp người khác được an toàn, đó là điều níu kéo cậu bám nghề nhiều nhất sau tất cả.
Rồi đến một ngày nào đó, cậu cũng sẽ tìm thấy sứ mệnh thực sự của người làm nghề thang máy, cậu sẽ không phải so sánh mình với nghề bác sĩ. Hải lại nghĩ về câu chuyện kể anh thanh niên của “Lặng lẽ Sapa” trong năm học lớp 9, khi thầy giáo giảng về chàng trai ấy làm công tác khí tượng thuỷ văn cống hiến một mình trên đỉnh núi, thầy có liên hệ tới câu nói nổi tiếng của nhân vật Paven trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, rằng: “Đời người ai cũng chỉ sống có một lần, sống một lần sao cho khỏi xót xa ân hận bởi những năm tháng đã sống hoài sống phí”.
Và cứ như thế, chiếc xe miệt mài chạy, người tiếp tục đi.
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật