“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? …” – Trịnh Công Sơn
Trung thu – Chỉ cần nghĩ đến trung thu, đứa trẻ nào chẳng háo hức. Ngay cả Hải cũng vậy, cậu đếm chỉ còn chừng vài ngày nữa.
Đã qua 4 năm rồi kể từ ngày bố mất, mẹ con Hải chẳng còn được đón một Trung thu nào trọn vẹn. Người ta bảo Trung thu là Tết của Tình thân, vậy nên khi trong nhà thiếu vắng bóng dáng của bố cậu thì cảm giác trống trải trong những ngày này cũng là một điều dễ hiểu.
Hải nhớ, năm nào bố mẹ còn dẫn cậu đi hết cả một dọc chợ huyện, mắt cậu sáng lên khi nhìn thấy những chiếc đèn ông sao lấp lánh và muôn chiếc mặt nạ đầy màu sắc. Và thường tối đó mẹ sẽ chuẩn bị mâm cỗ thật to có con chó bưởi xinh xắn để cậu cùng gọi bạn bè qua phá cỗ. Những ngày đó thật vui… Tiếc rằng, một lần trên đường đón cậu đi học về tai nạn đã cướp mất người bố cậu hằng yêu quý. Cũng từ đó, Hải phải tập làm quen với chiếc xe lăn.
Mải nghĩ nên cậu không biết mẹ đã về. Từ ngày không còn bố kinh tế trong nhà cũng kém đi nhiều, một phần vì mất đi người đàn ông trụ cột, một phần vì dốc hết tiền chữa chạy bệnh tật hy vọng ngày nào đó Hải đi lại khá hơn. Ngôi nhà 3 tầng khang trang đủ đầy nhất nhì xóm giờ đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cậu cũng xót xa vì mẹ quá vất vả, đôi mắt mẹ ngày càng sâu trõm và bắt đầu hằn những vết chân chim.
– Hải à, vào ăn cơm thôi con.
– Vâng ạ, con vào ngay đây.
Hải chầm chậm quay bánh, đẩy chiếc xe lăn vào bàn ăn mẹ đã dọn sẵn.
– Năm học mới có khó khăn gì không con? – Vừa gắp thức ăn vào bát của Hải, mẹ cậu vừa quan tâm.
– Dạ không sao mẹ ạ. Đội tuyển Vật lý chuẩn bị thi tuyển Quốc gia nên bọn con phải luyện thêm nhiều hơn.
– Thế còn chân con mấy hôm nay có bị tê nhiều nữa không?
– Mẹ đừng lo, chân con chưa đỡ hẳn nhưng ở trường các bạn giúp đỡ con nhiều lắm!
Mẹ Hải nén tiếng thở dài, thương đứa con trai của bà phải chịu nhiều sự tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Năm trước học ở lớp cũ là dãy nhà cấp 4 nên Hải còn có thể linh hoạt di chuyển. Năm nay lên lớp mới, phòng học ở tầng 2 phải đi thang bộ, vì thế cậu toàn phải nhờ bạn bè cõng chứ không thể cậy vào chiếc xe lăn.
Dù sao ông trời cũng không lấy đi tất cả. Từ ngày bố mất Hải là niềm an ủi duy nhất của mẹ, thấu hiểu điều đó nên cậu rất cố gắng. Từ nhỏ đến giờ cậu luôn là một đứa con ngoan và học rất giỏi. Trong kỳ thi vào đội tuyển vừa rồi, Hải là người cao điểm nhất.
***
Trăng đêm nay sáng quá!
Tiếng trống rộn ràng và tiếng trẻ con í ới nhau đầu ngõ. Trung thu đến khuấy động bầu không khí yên tĩnh vốn có và lấp đầy sự sôi động khắp mọi nơi. Hải thầm nghĩ giờ này nhà văn hóa xã hẳn là náo nhiệt lắm! Lát nữa thôi, đội múa lân sẽ diễu hành khắp xã, và như thường lệ đám bạn Hải sẽ cùng nhau chạy theo hòa vào không khí rộn ràng ấy. Mới chỉ nghĩ mà cậu cũng thấy háo hức thay mọi người rồi.
– Sáng nay mẹ ghé qua nhà cô Lan dặn cô ấy cặp bánh nhân đậu xanh trứng muối. Con ở đây nhé, mẹ lên tầng thắp hương cho bố. – Tiếng mẹ nói cắt ngang dòng suy nghĩ của cậu.
– Dạ mẹ.
Hải biết, đấy là loại bánh mà ngày xưa bố cậu rất yêu thích – ông không hay ăn đồ ngọt duy chỉ có bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối. Cậu cũng muốn thắp cho bố một cây hương mỗi ngày rằm hay đầu tháng, hay bất kỳ một dịp nào. Nhưng ngặt nỗi đôi chân cậu thế này việc tự mình lên xuống cầu thang là một điều không thể. Có những nỗi đau dai dẳng, cứ cứa vào người cậu như thế.
Mẹ Hải vừa xuống cũng là lúc đám bạn kéo sang nhà rủ cậu đi chơi trung thu. Mấy đứa chơi với nhau từ nhỏ, những năm trước đều tụ tập rủ nhau đi rước đèn rồi cùng về nhà cậu phá cỗ. Mấy năm nay Hải không còn hòa vào dòng hội ấy nữa, cậu chỉ mỉm cười từ chối đám bạn, bảo muốn ở nhà với mẹ cho mẹ vui.
Đoàn rước đèn cùng tiếng trống dần xa…Đêm dần khuya, Hải cũng chìm dần vào giấc ngủ…Và cậu thấy …
Một cánh cửa mở ra, Hải tò mò tiến vào. À! hóa ra là một chiếc thang máy – thứ mà khi còn nhỏ được bố dẫn ra chơi thủ đô, lần đầu tiên đi thử cậu đã rất thích thú. Cậu xoay một vòng ngắm thật kỹ và nhận ra chiếc thang máy này còn đẹp hơn nhiều so với chiếc thang máy trong ký ức. Xung quanh được chạm trổ tỉ mỉ chi tiết cùng bức họa tuyệt đẹp của thiên tài Hayez, kiệt tác điêu khắc David của Michelangelo – đều là những tác phẩm trong các tiết dạy Mỹ thuật từng làm Hải say mê.
Chiếc thang máy bắt đầu di chuyển, cậu thấy mình được từ từ nhấc bổng lên không trung rồi nhẹ nhàng dừng lại. Cửa thang máy dần mở ra cùng dòng chữ hiện lên: “Tầng Bình an”.
Hải tiến vào, trước mắt cậu là một căn phòng trong bệnh viện cậu thường chữa trị. Những cảm giác đau đớn về vụ tai nạn và những lần điều trị lại dấy lên trong Hải. Cậu quay xe định trở lại thang máy, bỗng chợt một bàn tay nắm giữ cậu lại. Đó là một vị bác sĩ khuôn mặt hiền từ với nụ cười ấm áp, nhẹ nhàng nói với cậu: “Tất cả đã qua rồi, giờ đây đôi chân của cháu đã trở lại bình thường, cháu thấy không? Từ nay cháu sẽ luôn được Bình an!”
Hải ngước xuống, ngạc nhiên nhận ra đôi chân câu đã cử động được trở lại. Mắt cậu rưng rưng, vậy là sẽ không còn những tổn thương thể chất mà cậu phải gánh chịu, không còn những giờ ra chơi tủi thân nhìn bạn bè nô đùa chạy nhảy, không còn những buồn bã mà không ai có thể thấu hiểu nữa…
Chiếc thang máy tiếp tục đưa cậu lên một tầng cao hơn. Lần này, cậu bước vào một nơi mang tên “Tầng Thành công”.
Mọi thứ hiện lên trước mắt như một thước phim quay chậm. Hải thấy mình trong giảng đường Trường Đại học mà cậu mơ ước, thấy mình khoác chiếc áo cử nhân và cầm trên tay tấm bằng ý nghĩa, rồi thấy mình say mê với công việc ở một công ty lớn. Cậu vui sướng biết bao!
Nhưng dường như vẫn có một điều gì đó khiến Hải cảm giác thật trống vắng.
Cậu quay trở lại, mong chờ một điểm đến thứ 3 mà chiếc thang máy sẽ đưa mình tới. Sự hồi hộp càng được nhân lên khi thang máy dừng lại và dòng chữ hiện ra trước mắt cậu: “Tầng Hạnh Phúc”.
Mùi thơm món canh cua mẹ nấu quen thuộc khiến Hải không khỏi nóng lòng lần theo, cậu thấy mẹ đang cặm cụi trong căn bếp nhỏ. Niềm bất ngờ và ngỡ ngàng tột đỉnh khi cậu nhận ra đứng cạnh mẹ không ai khác chính là người bố mà cậu hằng yêu quý. Rồi như ngày xưa, cả nhà cậu cùng nhau ăn một bữa cơm ấm cúng thường lệ, chuyện trò vui vẻ. Hải thấy mình đang hạnh phúc hơn bao giờ hết…
– Hải! Hải ơi! – Tiếng mẹ gọi khiến cậu choàng tỉnh.
– Con mệt à, mẹ thấy con ngủ say quá. Con dậy chuẩn bị đi học kẻo muộn – Giọng mẹ cậu có chút lo lắng.
– Dạ..dạ..không mẹ ơi – Hải bần thần đáp lại.
Hóa ra, tất cả mọi thứ chỉ là một giấc mơ …
***
Thời gian cứ thế trôi qua, kỳ thi Quốc gia đầy cam go mà Hải tham dự cũng đã kết thúc. Ngày biết kết quả, mẹ cậu và các bạn dìu cậu lên phòng thờ tầng 3 thắp hương báo bố.
Không phụ những hy vọng của mẹ, Hải đạt giải Nhất môn Vật lý – điều mà từ trước đến nay chưa có học sinh nào của một trường huyện có thể làm được. Và còn khâm phục hơn khi cậu có thể đạt được điều đó với sự khiếm khuyết của đôi chân và sự nỗ lực tuyệt vời của bản thân. Tên của Hải được nhắc đến trên khắp các đài truyền hình và mặt báo.
Một sáng đi học về, cậu thấy ngõ nhà mình ô tô đậu khác hơn thường lệ. Hải đẩy bánh xe nhanh hơn để vào nhà và nhận ra những vị khách lạ.
– Hải đi học về rồi hả con! – Ngước thấy Hải mẹ cậu liền lên tiếng. Cùng lúc đó 2 vị khách trung tuổi liền bước ra sân đỡ chiếc xe của cậu lên sàn nhà.
– Dạ, con chào mẹ. Cháu chào cô chú!
– Chào cháu! – Cả 2 người cười đáp lại Hải, nụ cười ấm áp khiến cậu nhớ tới nụ cười của vị bác sĩ trong giấc mơ hôm nọ.
– Hải à, đây là vợ chồng cô Trang chú Tiến. Cô chú là người gốc huyện mình nhưng hiện nay sống ở Hà Nội. – Mẹ cậu tiếp lời
Hải lắng nghe, lễ phép “Vâng dạ” nhưng trong đầu cậu không khỏi tò mò về sự xuất hiện của những vị khách lạ lẫm này. Dường như đoán được suy nghĩ của cậu, người đàn ông lên tiếng:
– Cô chú tình cờ biết được cháu và gia đình qua một bản tin truyền hình vinh danh những học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi Quốc gia vừa rồi. Có lẽ cũng là một cái duyên mà ông trời sắp đặt, Hải ạ. – Nói đến đây ông trầm ngâm 1 lát rồi mới tiếp.
– Chú là Tổng Giám đốc của một Công ty thang máy. Khi biết, chú rất thấu hiểu những tổn thương về thể chất, những khó khăn mà cháu phải trải qua. Cô chú rất ấn tượng cũng như muốn động viên sự nghị lực mà cháu đã làm được. Sản phẩm của công ty chú một phần cũng là muốn được hướng đến và phục vụ những hoàn cảnh như cháu. Chính vì thế, cô chú sẽ dành tặng cháu một món quà đó chính là một chiếc thang máy gia đình. – Vị khách mỉm cười nhìn sang mẹ con Hải.
– Dạ…thang máy gia đình? Có nghĩa là thang máy ở ngay trong nhà cháu ạ? – Hải ngỡ ngàng.
– Đúng rồi cháu! Một chiếc thang máy sẽ được lắp đặt ngay trong căn nhà này. Để cháu thuận tiện hơn cho việc di chuyển và sinh hoạt, lên xuống giữa các tầng. Cháu thấy sao? – Người vợ vui vẻ giải thích.
Dường như chưa hết bất ngờ, Hải quay sang nhìn mẹ. Bà gật đầu, ánh mắt rưng rưng khó tả, trong đó có cả niềm cảm phục và biết ơn nhà “Mạnh Thường Quân” đã khắc phục những thiệt thòi mà con trai bà đã phải chịu đựng.
– Thật lòng mẹ con tôi không biết nói gì ngoài cảm ơn anh chị!
– Chị hãy cùng cháu sống thật tốt và vui vẻ. Chúng tôi sẽ cùng hỗ trợ chị để tiếp lửa cho cháu Hải, viết tiếp những giấc mơ của cháu.
Giờ đây, cậu đã có thể di chuyển linh hoạt hơn trong ngôi nhà của mình, đã có thể tự lên bàn thờ bố thắp hương bất cứ lúc nào cậu muốn. Hải sẽ đi đến những “tầng Bình An, tầng Thành Công, tầng Hạnh phúc” một cách thật sự.
Và cuối cùng, có những thứ là sự thật, chứ không chỉ là một giấc mơ …
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật