TCTM – “Thang máy rơi” – nỗi sợ của nhiều người rốt cuộc có những nguyên nhân nào?
Những sự cố thang máy liên tiếp xảy ra. Kẹt thang máy, nhốt người, thang máy rơi,… những từ khóa liên tiếp xuất hiện trên các kênh tin tức khiến không ít người lo sợ trong khi vẫn phải tiếp tục dùng thang máy bởi những tòa nhà cao chót vót.
Theo các chuyên gia kỹ thuật thang máy, có 2 tình huống mà chúng ta vẫn thường hiểu là “thang máy rơi” như dưới đây:
Đây là nỗi sợ của tất cả mọi người khi nghĩ về tai nạn thang máy, tuy nhiên, tình huống này rất hiếm gặp.
Bởi lẽ cabin thang máy chỉ rơi tự do khi thang máy bị đứt toàn bộ các sợi cáp tải cabin và cáp bộ khống chế vượt tốc thang máy (Governor). Tình huống này ta chỉ thấy trong phim hành động và phim kinh dị.
Khi phát hiện cabin di chuyển với tốc độ lớn hơn tốc độ cho phép, bộ khống chế vượt tốc sẽ can thiệp để dừng cabin lại trên đường ray, do đó không thể xảy ra tình huống cabin thang máy rơi tự do (Video: Thang máy ACG)
Qua đó có thể thấy việc cabin thang máy rơi tự do xuống mặt đất là vô cùng hiếm khi xảy ra.
Đây là trường hợp phổ biến, thường bị hiểu lầm là “rơi tự do” như trong sự cố thang máy tại Chung cư HH Linh Đàm trôi từ tầng 18 xuống tầng 1.
Nguyên nhân xảy ra sự cố này bao gồm:
– Do cơ khí:
+ Trường hợp 1: Phanh bị hỏng hoặc mòn. Trong hệ thống phanh của thang máy bao gồm 2 loại: phanh điện từ ở máy kéo và phanh cơ khí (phanh nêm).
Phanh điện từ: Đây là hệ thống phanh gắn trên máy kéo có chức năng giữ cabin và đối trọng không di chuyển khi thang đã dừng ở vị trí bằng tầng. Nếu phanh bị mòn có thể dẫn tới hiện tượng cabin bị trượt, trôi gây tai nạn.
Phanh chống rơi (phanh cơ khí): Hệ thống này được kích hoạt qua bộ khống chế tốc độ của thang máy. Khi tốc độ thang máy vượt quá tốc độ định mức thì bộ khống chế vượt tốc sẽ tác động giúp giữ chặt cabin trên ray dẫn hướng. Nhưng vì lý do lắp đặt hệ thống khống chế vượt tốc không đúng chủng loại, không phù hợp với tốc độ đã cài đặt của cabin dẫn đến phanh chống rơi có thể tác động sớm hoặc không tác động khi xảy ra sự cố quá tốc độ.
+ Trường hợp 2: Puli máy kéo và cáp tải bị mòn, góc ôm không đủ gây nên tình trạng cáp trôi trên puli, tốc độ trôi chưa vượt quá tốc độ định mức nên bộ khống chế vượt tốc chưa được kích hoạt để dừng cabin thang máy lại.
Cabin và đối trọng được giữ bởi cáp treo trên puli của máy kéo. Độ ma sát của puli và cáp phải đáp ứng quy chuẩn để đảm bảo thang không bị trôi trượt. Trong quá trình hoạt động, cáp và puli sẽ bị mài mòn dần, kỹ thuật viên bảo trì phải thử và kiểm tra định kỳ độ mài mòn này, nếu độ mòn quá 10% phải thay thế mới.
Tuy nhiên, nếu kỹ thuật viên không kiểm tra đo đạc, độ mòn quá lớn mà không được thay thế thì có thể gây ra tình trạng trượt khi đầy tải hoặc khi dừng tầng (dừng tầng không chính xác, cabin bị trôi).
+ Trường hợp 3: Hệ thống thang máy thường dùng là kiểu có đối trọng. Nghĩa là cabin và đối trọng được treo qua puli thông qua hệ thống cáp. Giữa đối trọng và cabin sẽ có tỉ lệ lệch tải nhất định để đảm bảo thang hoạt động đúng, giảm tiêu thụ điện năng. Thông thường, khối lượng của đối trọng phải bằng 1,4 – 1,5 lần khối lượng định mức của cabin. Nếu trong quá trình lắp đặt không đảm bảo đủ khối lượng cho đối trọng, khi có quá nhiều người hoặc hàng hóa có thể xảy ra tình trạng cabin bị trôi.
– Do điện:
+ Trường hợp 1: Các thiết bị cảm biến, các công tắc hành trình hoạt động không ổn định gây ra lỗi thang, dừng thang đột ngột.
Hệ thống tháng máy được trang bị rất nhiều cảm biến và các công tác an toàn cho thang máy. Các công tác an toàn và cảm biến này phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo thang máy tiếp nhận thông tin đầu vào tốt. Ngược lại, nếu các công tắc an toàn và cảm biến này hoạt động không ổn định có thể dẫn tới tình huống thang máy dừng đột ngột và có hiện tượng trượt, trôi cabin.
+ Trường hợp 2: Hệ thống điện điều khiển không có chức năng kiểm soát khai báo tải trọng, dẫn đến sai thông tin tải trọng thực tế.
Hệ thống thang máy được trang bị cảm biến hoặc công tác giám sát tải trọng trong cabin để đảm bảo cabin luôn hoạt động đúng tải trọng định mức, nếu lượng tải trọng lớn hơn tải trọng định mức thì thang máy sẽ dừng hoạt động. Nhưng vì cài đặt sai hoặc các thiết bị này hỏng dẫn tới thang không nhận biết được đúng tải trọng và không dừng thang khi vượt quá tải trọng, khi đó, thang sẽ bị trượt vì số lượng tải trong cabin quá lớn.
– Do kỹ thuật viên:
1. Hệ thống phần mềm điều khiển
+ Do kỹ thuật viên chưa được đào tạo bài bản, chính quy dẫn tới việc thay đổi tham số tùy ý và không hiểu rõ bản chất trong quá trình bảo trì – bảo dưỡng, từ đó khiến thang máy hoạt động sai chức năng.
+ Một số hệ thống chương trình của các loại thang máy rất dễ để truy cập và không phân quyền. Nhân viên bảo trì có thể tắt, bỏ qua các tính năng giám sát an toàn của thang máy khiến các tính năng này không phát huy tác dụng trong các tình huống sự cố, trục trặc xảy ra.
2. Hệ thống phần cứng của thang
+ Trường hợp 1: Thực hiện kiểm tra, bảo trì – bảo dưỡng sai, không phát hiện ra các vấn đề như: mòn cáp, khe hở phanh điện từ sai, không kiểm tra các hệ thống công tắc an toàn, các trang bị điện,…
+ Trường hợp 2: Thực hiện kiểm tra hệ thống cảnh báo quá tải trọng không đúng, thiết bị kiểm tra cân nặng cho tải trọng chưa đúng so với tải trọng định mức của cabin.
+ Trường hợp 3: Trong quá trình lắp đặt thang máy mới hoặc nâng cấp thay thế cáp không lắp đầy đủ các chốt an toàn cho phần cố định cáp của thang máy, dẫn đến khi thang máy vận hành thì cáp bị tuột, cabin thang máy rơi.
Phòng ngừa tình trạng thang máy trôi hoặc rơi tự do
Như đã trình bày phía trên, việc thang máy rơi tự do chỉ có thể xảy ra khi toàn bộ các loại cáp tải cabin, cáp bộ khống chế vượt tốc đều bị đứt. Những tình huống này chỉ có thể xảy ra khi có các thiên tại địch họa như động đất, sóng thần, nổ bom,… gây sập đổ tòa nhà.
Nếu không phải những tình huống bất khả kháng đó thì có xảy ra không? Sự thật là có, với những thang máy quá cũ, các dây cáp đã mòn, đứt một phần, mất khả năng chịu lực,… sẽ dễ đứt. Và hầu hết các thang máy quá cũ này lại không được trang bị thêm các thiết bị phanh bổ sung như bộ khống chế vượt tốc Governor hoặc hệ thống phòng tránh cabin thang máy chuyển động ngoài ý muốn UCMP. Khi đó, một loạt các hư hỏng từ các thiết bị, linh kiện khác có thể cùng gây nên trục trặc và khiến cho cabin rơi tự do.
Còn với tình trạng cabin thang máy trôi, cần phòng ngừa triệt để các nguyên nhân gây ra lỗi:
1. Lắp đặt, giám sát kỹ thuật, kiểm định và bảo trì – bảo dưỡng đúng quy trình, đảm bảo chất lượng
2. Kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, đáp ứng năng lực lắp đặt, bảo trì – bảo dưỡng, thực hiện công việc đúng quy trình
3. Chủ động kiểm tra và thay thế linh kiện, thiết bị theo tuổi thọ định mức của từng thiết bị, linh kiện
4. Nâng cấp, bổ sung thiết bị an toàn theo quy định an toàn thang máy hiện hành cho các hệ thống thang máy cũ, lỗi thời
Hệ thống UCMP thường được bổ sung nhằm phòng tránh cabin thang máy chuyển động ngoài ý muốn
Đọc thêm:
Minh Khôi - Thanh Phong
Thông tin mới cập nhật