TCTM – Sử dụng thang máy tự chế để gây ra những tai nạn nghiêm trọng không phải việc mới xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan, không nhận thức được hiểm họa khôn lường từ việc này, dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm.
Hàng loạt những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến thang máy tự chế qua các năm, nhưng nhận thức của người dân về loại hàng hóa này vẫn còn phần chủ quan.
Theo khoản 4 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, thang máy là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2: Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.
Do đó, thang máy trước khi đưa vào vận hành cần được hợp quy, kiểm định an toàn kỹ thuật và kiểm định, bảo trì định kỳ theo quy định nhằm đảm bảo chất lượng vận hành, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn.
Thế nhưng vì giá rẻ, vì tự tin vào độ an toàn của thiết bị, những tai nạn do thang máy tự chế vẫn tiếp diễn.
Trong quá trình sử dụng thang máy tự chế để di chuyển đồ vật tại cơ sở làm gỗ tại Nam Định, tai nạn thang máy đứt dây khiến 3 người phụ nữ bị đa chấn thương.
Cụ thể, theo thông tin từ lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), ngày 3/5/2024, cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Đức Trọng (60 tuổi) là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Dịch vụ Tổng hợp Đức Trọng để điều tra tội “vi phạm quy định về an toàn lao động”, quy định tại khoản 1, Điều 295, Bộ Luật Hình sự.
Theo báo cáo của Công an xã Nghĩa Tân gửi Công an huyện Nghĩa hưng, vào 8h30 ngày 18/1/2024 tại xưởng gỗ của ông trọng xảy ra vụ tai nạn lao động. Cụ thể, 3 người phụ nữ gồm Hà thị Nga (43 tuổi), Vũ Thị Thảo (58 tuổi), Nguyễn Thị Nhung (56 tuổi) làm thuê cho ông Trọng được chủ giao sử dụng thang máy tự chế ở xưởng để vận chuyển một ghế trường kỷ từ tầng 1 lên tầng 3 của cơ sở này. Qua trình vận chuyển chiếc thang máy tự chế bị đứt dây, rơi từ tầng 3 xuống tầng 1.
Hậu quả, bà Nga bị dập nát cẳng chân phải, mỏm cụt đùi trái, phải cấp cứu tại các cơ sở y tế ở Nam Định và Hà Nội; bà Nhung bị gãy xương gót bên trái, gãy xương 3, 4 bàn chân phải, phải cấp cứu tại các cơ sở y tế tại huyện và tỉnh Nam Định; bà Thảo bị gãy cẳng chân trái, lần lượt phải cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế ở huyện, ở tỉnh, sau đó là điều trị, phục hồi tại 4 cơ sở y tế tại Hà Nội.
Một trong 3 nạn nhân trong vụ tai nạn lao động đang được điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội (Ảnh: Công an huyện Nghĩa Hưng)
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, thang máy tự chế bị đứt tời do ông Trọng chỉ đạo xây dựng, lắp đặt tại xưởng. Đến thời điểm xảy ra sự việc, thang máy chưa được kiểm định. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc tại xưởng gỗ, 3 lao động gặp nạn chưa được huấn luyện về kiến thức an toàn, vệ sinh lao động.
Bà Vũ Thị Thảo – một trong 3 nạn nhân vụ tai nạn cho biết, bà làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ Tổng hợp Đức Trọng từ ngày 5/7/2023, với mức lương 145 nghìn đồng/ngày; không có hợp đồng lao động mà chỉ bằng “thỏa thuận miệng” với chủ công ty.
Việc sử dụng thang máy tự chế dẫn đến sự cố gây tai nạn nghiêm trọng đã tiếp diễn trong nhiều năm nay.
Năm 2011, trong quá trình thi công xây dựng khách sạn Vạn Phát tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, tỉnh Cần Thơ, 4 công nhân xây dựng tử vong do sử dụng thang máy tự chế.
Năm 2014, tại tiệm giặt là Phương Hà cơ sở 2, có địa chỉ tại số 48 đường Xuân Diệu, thuộc tổ 7 phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra một vụ tai nạn do cầu thang máy tự chế bị kẹt, khiến một người tử vong.
Năm 2016, tại KP.3, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ tai nạn thang máy tự chế kẹp đầu và cổ khiến một người tử vong.
Năm 2018 tại ấp Long Thái, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, một nữ công nhân chết thảm là do thang máy bị đứt cáp, thang máy này do chủ nhà máy tự chế để công nhân lên xuống thăm bồn sấy lúa.
Hiện trường vụ đứt cáp thang máy tự chế khiến nữ công nhân chết thảm tại Đồng Tháp năm 2018
Những tai nạn thương tâm này cho thấy việc sử dụng thang máy tự chế, không được kiểm định an toàn kỹ thuật tiềm ẩn nguy cơ gây nên hiểm họa khôn lường.
Trong các vụ tai nạn liên quan đến thang máy, mức độ bồi thường và chịu trách nhiệm cho thiệt hại của người sử dụng thang máy gặp tai nạn dựa trên các căn cứ:
– Tố tụng dân sự: Người thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường những thiệt hại về sức khỏe, tinh thần và tài sản theo Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp tố tụng dân sự thường xảy ra khi xác định có thiệt hại, bên có lỗi để tai nạn xảy ra hoặc chủ sở hữu công trình bồi thường cho những thiệt hại do lỗi của mình hoặc công trình do mình sở hữu gây ra.
– Tố tụng hình sự: Người thiệt hại có thể tố cáo các hình vi có dấu hiệu tội phạm theo Điều 128. Tội vô ý làm chết người; Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Luật Hình sự 2015, Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2017.
Tố tụng hình sự thường xảy ra khi người thiệt hại nhận định nguyên nhân gây ra tai nạn là do chủ sở hữu công trình, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành hoặc đơn vị cung cấp sản phẩm/dịch vụ thang máy có các hành vi như không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh lao động, chủ quan, cẩu thả, quá tự tin,… được xem là vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Với trường hợp sử dụng thang máy tự chế – thiết bị không được hợp quy, kiểm định an toàn kỹ thuật thì đối tượng cần chịu trách nhiệm là:
– Chủ sở hữu công trình: Nếu chủ sở hữu công trình quyết định mua hoặc tự xây dựng, lắp đặt thang máy tự chế thì chủ sở hữu công trình hoàn toàn chịu trách nhiệm do lỗi của mình gây ra.
– Đơn vị cung cấp thang máy: Nếu chủ sở hữu tìm mua thiết bị thang máy mà đơn vị cung cấp thang máy tư vấn, cung cấp thiết bị thang máy tự chế thì đơn vị cung cấp thang máy phải chịu trách nhiệm liên đới.
Nhưng không chờ đến khi tai nạn xảy ra rồi mới truy cứu trách nhiệm, việc phổ biến mã định danh thang máy nhằm đảm bảo quyền được biết của người sử dụng là điều cần thiết. Nếu một chiếc thang máy không có tem kiểm định thì sự an toàn của thang máy không được đảm bảo. Nhưng vị trí dán tem kiểm định thường nằm bên trong cabin thang máy. Còn với mã định danh – hệ thống truy xuất thông tin của thang máy được trang bị tại cả cửa tầng và cabin thang máy, người sử dụng sẽ dễ dàng đánh giá mức độ an toàn của thang máy. Nếu không có mã định danh, không truy xuất được thông tin của thang máy, người sử dụng có thể nhanh chóng đưa ra quyết định không sử dụng chiếc thang máy đó nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân.
Đọc thêm: Tại sao phải gắn mã định danh thang máy?
Thông tin mới cập nhật