TCTM – “Quản trị rủi ro bằng văn hóa an toàn” được đánh giá là một tầm nhìn và mô hình hiệu quả ở Việt Nam, có thể áp dụng trên mọi lĩnh vực có liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động.
Hưởng ứng Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, ngày 25/4/2024, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động phối hợp cùng Hội Khoa học An toàn, Vệ sinh Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quản trị rủi do bằng văn hóa an toàn – tầm nhìn và mô hình hiệu quả ở Việt Nam lần thứ nhất năm 2024”.
Tọa đàm Quản trị rủi ro bằng văn hóa an toàn trình bày nhiều tham luận chất lượng và các ý kiến hữu ích, thiết thực từ chuyên gia
Tọa đàm chia sẻ những góc nhìn toàn cảnh, phân tích chuyên sâu, bóc tách những cơ hội cũng như thách thức trong quản trị an toàn từ các chuyên gia, các tham luận trình bày tại tọa đàm tập trung phân tích vào các chủ đề: tầm nhìn về xây dựng văn hóa lao động ở Việt Nam đến năm 2045; kinh nghiệm một số mô hình chỉ số đánh giá về văn hóa an toàn; mô hình văn hóa an toàn trong một số doanh nghiệp…
“Văn hóa an toàn lao động” không phải là một khái niệm mới xuất hiện. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “văn hoá an toàn tại nơi làm việc là văn hoá trong đó quyền có một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của người lao động được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định. Trong đó, nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu”.
Cụ thể hơn, văn hoá an toàn lao động trong doanh nghiệp bao gồm thái độ, suy nghĩ, cách thức hành vi của mỗi cá nhân, đơn vị và nhóm người hướng tới bảo đảm an toàn tại nơi làm việc.
TS. Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động phát biểu khai mạc tọa đàm
Văn hoá an toàn lao động là một bộ phận của văn hoá doanh nghiệp, là toàn bộ các giá trị và tiêu chuẩn hành vi của con người về an toàn trong lao động. Như vậy, việc bảo đảm an toàn trong lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của mọi người, trở thành văn hoá ứng xử trong lao động ở doanh nghiệp.
Văn hóa an toàn lao động là sự hoàn thiện trong quan hệ lao động, trong đó, nhà nước: xây dựng được hệ thống pháp luật an toàn vệ sinh lao động hoàn chỉnh và kiểm tra giám sát việc thực hiện nó.
Người sử dụng lao động: chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, xây dựng hệ thống quan an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, xây dựng quy trình làm việc an toàn, chăm lo cải thiện điều kiện cho người lao động, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động thực thi quy trình, quy phạm an toàn vệ sinh lao động.
Người lao động: tự giác thực hiện các quy trình, quy phạm văn hóa an toàn, tự thân nêu cao ý thức tự bảo vệ mình. Văn hóa an toàn bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
GS.TS. Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học An toàn, Vệ sinh Lao động Việt Nam tham luận tại tọa đàm
Xây dựng và duy trì một văn hóa an toàn mang tính phòng ngừa đòi hỏi cần phải tận dụng tất cả các phương tiện sẵn có nhằm nâng cao những hiểu biết, kiến thức và nhận thức chung về những khái niệm về các nguy cơ, rủi ro cũng như cách phòng ngừa và kiểm soát chúng.
“Ai chịu trách nhiệm về an toàn thang máy?” Đây là câu hỏi quen thuộc chúng ta thường đặt ra khi tai nạn đã xảy ra.
Nhưng chúng ta hãy thử đặt câu hỏi này trước khi tai nạn chưa xảy ra vì không ai không muốn nó xảy ra. Thang máy – theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành là một phương tiện vận tải an toàn, nếu không nói là an toàn nhất hiện nay. Nếu tất cả các bên liên quan đều làm đúng thì nguy cơ tai nạn hầu như sẽ bằng không.
Xét theo mô hình quản trị rủi ro bằng văn hóa an toàn, để đảm bảo một chiếc thang máy hoạt động an toàn, cần phải có sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của nhiều đối tượng.
Mối quan hệ “an toàn thang máy” bao gồm nhiều đối tượng cùng hướng về văn hóa an toàn
Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật về an toàn thang máy và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chúng. Nhà sản xuất đưa ra thị trường những chiếc thang máy an toàn, tiện ích. Nhà phân phối chịu trách nhiệm lắp đặt và bàn giao tới khách hàng những chiếc thang máy đạt chuẩn và các đơn vị kiểm định xác nhận thang máy đủ điều kiện vận hành.
Khi thang máy được đưa vào sử dụng, đó là các đơn vị chuyên môn cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa thang máy, là ban quản trị các toà nhà chịu trách nhiệm về vận hành tòa nhà trong đó có thang máy và cuối cùng chính là người sử dụng thang máy.
Thang máy là cốt lõi
Thang máy được lắp đặt hoàn chỉnh tại các tòa nhà, công trình chính là yếu tố cốt lõi chúng ta cần quan tâm để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe và tải sản của người sử dụng thang máy.
Điều này phụ thuộc vào nhà sản xuất thang máy, nhà phân phối thang máy, đội ngũ kỹ thuật viên – người trực tiếp thực hiện việc lắp đặt và vận hành thử thang máy tại địa điểm lắp đặt trong tòa nhà, công trình.
Người sử dụng thang máy là trung tâm
Khi thang máy được bàn giao đưa vào sử dụng, mọi tiện ích, cải tiến và sự an toàn đều hướng đến con người, hay nói cách khác, người sử dụng thang máy chính là trung tâm của mọi hoạt động về an toàn thang máy. Họ vừa là người thụ hưởng các tiện ích mà thang máy mang lại nhưng cũng phải là người quyết định sự an toàn của chúng.
Trong suốt vòng đời sản phẩm (khoảng 25 năm) thang máy phải được chăm sóc kỹ lưỡng. Có hàng loạt các bên cung cấp dịch vụ “chăm sóc” thang máy theo quy định của pháp luật cũng như các tiêu chuẩn hiện hành: Đơn vị kiểm định thực hiện chức năng của quản lý nhà nước “cấp phép” hoạt động cho thang máy; Ban quản trị tòa nhà được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm tra chức năng hoạt động của chúng; Các đơn vị chuyên môn cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa và cứu hộ thang máy.
Các đơn vị này chịu trách nhiệm triển khai tất cả các hoạt động kỹ thuật nhằm đảm bảo tính an toàn và chức năng hoạt động của thang máy, các bộ phận của thang máy.
Qua đó để thấy, để thang máy thật sự an toàn, không thể là nỗ lực đơn lẻ của một cá nhân hay một đơn vị mà cần một “văn hóa an toàn” đồng bộ, từng đối tượng trong quan hệ an toàn thang máy đều được nâng cao hiểu biết, kiến thức và nhận thức chung về những nguy cơ, rủi ro cũng như trách nhiệm của mình, những cách thức thực hiện, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro đó.
Huy Nguyễn
Thông tin mới cập nhật