TCTM – Thiếu nhân lực, nhiều công việc nặng nhọc, nguy hiểm lần đầu tiên mở cơ hội với phụ nữ Ukraine.
Việc phần lớn nam giới đi nghĩa vụ quân sự đã khiến thị trường lao động của Ukraine có những thay đổi lớn. Hàng trăm phụ nữ xuống hầm mỏ làm việc, những công việc có đặc tính kỹ thuật, nặng nhọc, nguy hiểm cũng tuyển dụng phụ nữ nhiều hơn.
Ngay cả khi chiến tranh kết thúc và cuộc sống của quốc gia này trở lại bình thường, nhiều công việc phục vụ “hậu chiến tranh” cũng cần đến lực lượng phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Luật pháp Ukraine trước đây cấm phụ nữ làm những công việc được coi là quá nguy hiểm như khai thác mỏ, rèn kim loại nóng, vận hành máy móc hạng nặng,…
Tuy nhiên, từ năm 2022, Ukraine đã đưa ra những thay đổi mang tính lịch sử đối với luật lao động, theo đó, phụ nữ được phép đảm nhận nhiều công việc trước đây chỉ dành cho nam giới.
Nguyên nhân chính của sự thay đổi này là kể từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, nam giới tại quốc gia này tham gia vào quân đội khiến lực lượng lao động nam giới bị thiếu ngày càng nghiêm trọng.
Trong tình huống bắt buộc đó, nhiều doanh nghiệp đã kêu gọi sự tự nguyện của nữ giới đảm nhiệm các công việc mang tính kỹ thuật, nặng nhọc hoặc tại các môi trường có tính nguy hiểm đặc thù như làm việc dưới hầm mỏ, dò mìn,…
Cho đến vài năm trước, việc rà phá bom mìn là một trong hàng trăm công việc bị cấm đối với phụ nữ tại quốc gia này. Một đạo luật được thông qua vào năm 2018 đã trao quyền bình đẳng cho phụ nữ Ukraine trong những công việc được pháp luật coi là “nguy hiểm” và phụ nữ dần dần chuyển sang các vị trí chiến đấu trong quân đội.
Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ rà phá bom mìn nhân đạo trị giá 182 triệu USD cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, và 36% nhân viên rà phá bom mìn và các nhân viên khác là phụ nữ.
Anastasiia Minchukova – người từng là giáo viên dạy tiếng Anh đang đặt máy dò mìn trong buổi đào tạo dành cho phụ nữ Ukraine về cách gỡ bỏ chất nổ. Công việc của cô diễn ra tại các công viên, cánh đồng trồng trọt và cả đường phố, nhằm loại bỏ các nguy cơ mất an toàn cho người dân. (Ảnh: Visar Kryeziu/AP)
Tetiana Tarasova, 30 tuổi, xuất thân từ một gia đình thợ mỏ từ nhiều đời nay. Cha, ông và chú của cô đều làm việc ở hầm mỏ. Khi còn nhỏ, cô mơ ước được theo bước chân họ, ở độ sâu hàng nghìn mét.
Tuy nhiên, vì phụ nữ không được phép làm việc dưới hầm mỏ nên nhiều năm nay cô chỉ có thể làm việc trên mặt đất với vai trò là người vận hành máy khởi động khí tự động, theo dõi nồng độ khi mê-tan trong mỏ.
Sau khi hàng trăm thợ mỏ nam phải nhập ngũ, công ty khai thác mỏ của Tetiana đã đề nghị các công nhân nữ tình nguyện làm việc dưới lòng đất, Tetiana là một trong những người đầu tiên xung phong.
“Nữ giới có nên được phép làm việc dưới này không ư? Tôi nghĩ là nên chứ. Nhiều phụ nữ cũng muốn có một công việc tốt và giờ thì chúng tôi không có đủ nhân lực nam giới. Ít nhất thì chúng tôi có thể giúp họ vận hành các loại máy móc.” – Tetiana cho biết.
Tetiana – một trong những phụ nữ đầu tiên xung phong tình nguyện làm việc dưới hầm mỏ
Bà Natalia, một nhân viên kỹ thuật và kỹ sư điện cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ trong tương lai nữ giới sẽ xuất hiện ở đây nhiều hơn. Chúng tôi đang đảm đương nhiều vị trí từ vận hành thang máy, kỹ sư điện, hay thậm chí làm cả thợ mỏ.”
“Làm việc ở đây không hề dễ, đặc biệt là khi bạn phải nhấc những cái nắp pin nặng trịch và hít thở trong bầu không khí đầy khỏi phát thải. Nhưng rồi cũng quen, giờ tôi khá thích công việc này. – Krystyna, một nhân viên kỹ thuật đang làm việc dưới hầm mỏ có độ sâu 470m chia sẻ. Công việc hiện tại của cô là vận hành thang máy chở các công nhân xuống vỉa than làm việc.
Sau khi hơn một nghìn lao động nam nhập ngũ, một công ty khai thác than ở miền đông Ukraine đã tuyển dụng thêm hơn 100 phụ nữ vào làm việc. Dù trước chiến sự, công ty này vẫn có việc làm cho nữ giới nhưng chưa bao giờ là các công việc dưới hầm mỏ.
Tương tự với nhiều khu hầm mỏ khác, việc nam giới tham gia nghĩa vụ quân sự đã khiến lực lượng lao động thiếu trầm trọng, do đó, hàng trăm phụ nữ đang tham gia làm việc dưới hầm mỏ.
Công nhân tại khu vực phân loại than tại một mỏ than ở vùng Donbas phía đông Ukraine
Trở thành thợ mỏ trong một tình huống khẩn cấp của quốc gia nhưng nhiều lao động nữ hy vọng sẽ tiếp tục được làm việc dưới mỏ than ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.
Báo cáo của Cơ quan Thất nghiệp Nhà nước Ukraine (SES) cho biết số lượng phụ nữ làm công việc xây dựng và khai thác mỏ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2021.
Dù chưa có con số thống kê chính xác do tình hình chiến sự phức tạp, việc phái nữ ở Ukraine có thể vào làm những công việc nặng nhọc mang lại ảnh hưởng tích cực, giúp họ đóng góp nhiều hơn cho thị trường lao động và duy trì thu nhập ổn định cho cuộc sống.
Kobets – người phụ nữ 30 tuổi này đang làm việc tại lò rèn của chồng cô nhằm duy trì hoạt động kinh doanh của gia đình
Sự tham gia của phụ nữ phần nào giúp ổn định tình hình lao động – việc làm tại Ukraine. Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svyrydenko cho biết, trong số 36.000 công ty vừa và nhỏ được đăng ký tại Ukraine trong năm nay, 51% do phụ nữ điều hành.
Còn theo Yevheniia Kravchuk, một thành viên Quốc hội Ukraine, có 60.000 phụ nữ phục vụ trong lực lượng vũ trang Ukraine, trong đó, 5.000 người thuộc các đơn vị chiến đấu. Ngoài ra, trong những năm tới, Ukraine sẽ cần một lực lượng bác sĩ và nhà tâm lý học để chăm sóc các cựu chiến binh, trong đó có hàng nghìn người bị thương.
Hầu hết những người chăm sóc sẽ là phụ nữ. Khi đó, việc hiện diện của nữ giới trong các lĩnh vực này cực kỳ cần thiết. Mặt khác, những ngành nắm vai trò quan trọng cho nền kinh tế Ukraine hậu chiến tranh như năng lượng, vận tải và quốc phòng cũng được kỳ vọng thu hút nhiều phụ nữ hơn.
Vũ Dương
Thông tin mới cập nhật