TCTM – Đấu thầu là một hoạt động quan trọng để tìm ra những nhà thầu có đủ khả năng, năng lực thi công gói thầu. Để giúp chủ đầu tư/bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu phù hợp thì vai trò của tổ chuyên gia và tổ thẩm định là rất quan trọng.
Thời gian qua, tình trạng vi phạm các quy định về cạnh tranh trong đấu thầu xuất hiện ngày càng nhiều trên phạm vi cả nước. Nhiều gói thầu ghi nhận nhà thầu trúng thầu không đảm bảo năng lực thực hiện hợp đồng; nhiều gói thầu phải hủy do không tuân thủ quy định,… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hệ lụy này, trong đó phải kể đến vấn đề năng lực của tổ chuyên gia, tổ thẩm định tại mỗi cuộc thầu.
Cũng chính vì thế, việc bổ sung thêm những quy định cụ thể trong công tác đấu thầu của tổ chuyên gia, tổ thẩm định là một trong những điểm mới tại Luật Đầu Thầu 2023 – chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng ngày 17/7/2023, thay thế Luật Đấu thầu 2013 và có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Cùng Tạp chí Thang máy tìm hiểu những quy định mới nhất về tổ chuyên gia và tổ thẩm định trong hoạt động đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu 2023.
Các cá nhân tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án.
Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung một điều mới – Điều 19, quy định cụ thể, đồng bộ hơn về phạm vi công việc, yêu cầu đối với thành viên của tổ chuyên gia, tổ thẩm định. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 quy định về tổ chuyên gia như sau:
“Tổ chuyên gia gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư thành lập hoặc giao nhiệm vụ để thực hiện một hoặc các công việc: lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.”
Như vậy, nhiệm vụ của tổ chuyên gia bao gồm:
– Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
– Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Trong Luật Đấu thầu 2013 cũng như Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các quy định khác liên quan trước đây đều chưa đưa ra khái niệm cụ thể thế nào là tổ thẩm định, chỉ có các quy định về điều kiện cũng như tiêu chuẩn thành lập tổ thẩm định.
Tại Khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 đã sửa đổi và đưa ra quy định cụ thể về tổ thẩm định như sau.
“Tổ thẩm định gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được người có thẩm quyền, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu thành lập hoặc giao nhiệm vụ để kiểm tra, xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật đối với một hoặc các nội dung: kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.”
Tổ thẩm định cần thực sự độc lập, khách quan thì mới giúp loại bỏ khỏi hồ sơ mời thầu những yếu tố làm triệt tiêu tính cạnh tranh
Như vậy, nhiệm vụ của tổ thẩm định trong hoạt động đấu thầu bao gồm kiểm tra, xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật đối với một hoặc các nội dung:
– Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
– Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
– Kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu 2023, tổ chuyên gia đấu thầu được thành lập bởi:
– Chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn: Đối với hình thức lựa chọn nhà thầu.
– Bên mời thầu: Đối với hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
Còn theo khoản 2, Điều 19 Luật Đấu thầu 2023, tổ thẩm định do người có thẩm quyền, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu thành lập.
Về số lượng thành viên, pháp luật không quy định cụ thể mà chỉ đặt ra các yêu cầu kinh nghiệm đối với những người trong tổ chuyên gia, tổ thẩm định đấu thầu. Vì vậy, căn cứ theo quy mô, tính chất và mức độ phức tạp của gói thầu mà chủ đầu tư/đơn vị tư vấn đấu thầu/bên mời thầu có thể quyết định về số lượng thành viên tham gia vào tổ chuyên gia, tổ thẩm định đấu thầu.
Trước đây, tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2013 quy định các cá nhân tham gia vào hoạt động đấu thầu cần phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Đồng thời, khoản 1 Điều 116 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Điều 14 Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định cá nhân tham gia vào tổ chuyên gia cần phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Tương tự, tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 19/2015/TT-BKHĐT quy định thành viên tham gia tổ thẩm định phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2023 mới được ban hành, có hiệu lực đã bãi bỏ quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2013 về điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu. Dù vậy, tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 vẫn đưa ra quy định:
“3. Thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải có tối thiểu 03 năm công tác thuộc một trong các lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh
4. Chính phủ quy định chi tiết về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định”.
Như vậy, các cá nhân tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 19.
Đồng thời, đối với chi tiết về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định sẽ được Chính phủ quy định. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2023 được ban hành, có hiệu lực hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mới.
Số lượng thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định được quyết định dựa trên quy mô, tính chất và mức độ của gói thầu
Căn cứ Điều 80 Luật Đấu thầu 2023 quy định trách nhiệm của tổ chuyên gia đấu thầu như sau:
– Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
– Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; đề xuất với bên mời thầu phương án xử lý tình huống trong trường hợp phát sinh tình huống trong đấu thầu (nếu có).
– Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
– Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 80 Luật Đấu thầu 2023 theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
– Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
So với Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu thầu 2023 đã mở rộng phạm vi trách nhiệm của tổ chuyên gia bằng việc bổ sung quy định khoản 2 Điều 80: “đề xuất với bên mời thầu phương án xử lý tình huống trong trường hợp phát sinh tình huống trong đấu thầu”.
Trách nhiệm của tổ thẩm định được quy định cụ thể tại Điều 81 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
– Hoạt động độc lập, khách quan khi tiến hành thẩm định.
– Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan.
– Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định.
– Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
– Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và các công việc được giao trước pháp luật, người có thẩm quyền, chủ đầu tư.
– Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định.
Nhìn chung, chuyên nghiệp và chuyên môn là hai trụ cột quan trọng cần phải liên kết chặt chẽ, đồng bộ với nhau để đảm bảo hiệu quả cao trong đấu thầu. Để làm được điều này, tổ chuyên gia, tổ thẩm định cần phải tuân thủ tuyệt đối trách nhiệm, nghĩa vụ luật định; liên tục nâng cao kiến thức về đấu thầu.
Tổ chuyên gia đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và lựa chọn nhà thầu hoặc nhà đầu tư, đáp ứng các yêu cầu cần thiết, tuân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh tổ chuyên gia, tổ thẩm định cần thực sự độc lập, khách quan thì mới giúp loại bỏ khỏi hồ sơ mời thầu những yếu tố làm triệt tiêu tính cạnh tranh, lựa chọn được những đơn vị thực sự có năng lực, đáp ứng mục tiêu đầu tư.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật