TCTM – Thang máy hiện nay được sản xuất với nhiều kiểu dáng, loại hình khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của từng công trình. Dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về thang máy, có thể phân loại thang máy theo các nguyên tắc và tiêu chí như công năng sử dụng, nguồn gốc xuất xứ,…
Theo TCVN 7628-1:2007 về Lắp đặt thang máy, thang máy được chia thành 6 loại thang dựa trên tiêu chí về công năng sử dụng. Cụ thể:
Thang máy chở khách là thang máy dùng để vận chuyển người trong các tòa nhà như khách sạn, văn phòng, nhà nghỉ, trường học, nhà ở,… Những thang máy này có thể khác nhau đáng kể về kích thước, tốc độ và các tùy chọn nội thất tùy thuộc vào việc sử dụng thang máy.
Thang máy được thiết kế chủ yếu để chuyển chở người nhưng có tính đến các hàng hóa mang kèm theo người. Loại thang máy này thường được dùng trong các siêu thị, khu triển lãm, nhà máy,…
Đây là loại thang máy được thiết kế chuyển chở giường (băng ca) dùng trong các bệnh viện, khu điều dưỡng,… Kích thước thông thủy cabin phải đủ lớn để chứa băng ca (cáng) hoặc cả giường của bệnh nhân, cùng với các bác sỹ, nhân viên y tế và các dụng cụ cấp cứu đi kèm.
Thang máy thiết kế chủ yếu để chuyển chở hàng hóa nhưng thường có người đi kèm theo. Loại này thường dùng trong các nhà máy, công xưởng, kho, thang dùng cho nhân viên khách sạn,… chủ yếu dùng để chở hàng nhưng có người đi kèm phục vụ.
Đặc điểm của dòng thang máy này là chỉ có điều khiển ngoài cabin, chuyên dùng để chở hàng. Loại này khi thiết kế cabin phải khống chế kích thước để người không thể vào được. Thang máy này thường được dùng trong các khách sạn, nhà ăn tập thể hoặc chở sách trong các thư viện, chở hàng,…
Loại thang máy này có tốc độ từ 2,5 m/s trở lên, thường dùng cho những tòa nhà trên 15 tầng.
Bảng so sánh công nghệ truyền động thang máy
Đặc điểm của thang máy thủy lực là cabin được đẩy từ dưới lên nhờ xilanh – piston thủy lực. Bằng cách sử dụng áp suất, một máy bơm điện tử sẽ đẩy chất lỏng thủy lực vào xi lanh. Áp suất tạo ra từ đây sẽ đẩy piston làm cho cabin thang máy di chuyển, vận hành an toàn.
Hiện nay thang máy thủy lực với hành trình tối đa là khoảng 27m, tương đương chiều cao tòa nhà 7 tầng. Do hành trình di chuyển hạn chế, thang máy thủy lực thường không được trang bị cho các tòa nhà cao tầng.
Mô tả cách thức hoạt động của thang máy thủy lực (Nguồn: TKE)
Dù vậy, với các công trình thấp hơn, thang máy thủy lực lại được ưu ái hơn nhờ vào kết cấu đơn giản, tiết diện thang nhỏ hơn cùng hệ thống truyền động êm, an toàn. Thang máy thủy lực giúp giảm chiều cao tổng thể của công trình khi có cùng số tầng phục vụ so với thang cáp kéo, vì buồng máy (thường gọi là tủ điện) đặt ở phía dưới tòa nhà, nơi có không gian.
Công nghệ này chủ yếu được dùng cho nhà ở tư nhân, khách sạn, bệnh viện hoặc các khu chế xuất, nhà máy để chở hàng có người đi kèm.
Thang máy cáp kéo là một công nghệ thang máy mà sự di chuyển của cabin được điều khiển bởi máy kéo một pha hoặc ba pha thông qua việc xoay puly nối với dây cáp. Thang máy cáp kéo được phân ra theo vị trí đặt máy dẫn động: Thang máy có phòng máy và thang máy không phòng máy.
Thang máy cáp kéo có phòng máy thì máy dẫn động được đặt ngay trên đỉnh giếng thang hoặc bên cạnh giếng thang ở tầng bất kỳ.
Khi máy dẫn động được bố trí đặt phía trên cùng của giếng thang (dưới trần giếng) vào vách giếng hoặc trên ray dẫn hướng hoặc phía dưới đáy hố thang thì được gọi là thang máy cáp kéo không phòng máy.
Thang máy trục vít là thang máy vận hành dựa trên động cơ điện, hệ thống trục vít và dây curoa. Nhờ có hệ thống bánh răng sẽ giúp cabin thang máy di chuyển lên xuống theo chiều hoạt động của động cơ một cách nhịp nhàng, an toàn.
Nguyên lý hoạt động của thang máy trục vít dựa trên cơ sở của sự ăn khớp, các bánh răng và hệ thống dây curoa sẽ hoạt động nhịp nhàng với trục vít quay, tạo nên sự đồng bộ, kéo cabin di chuyển lên xuống theo yêu cầu. Là loại thang không có buồng máy nên tủ điện chìm vào vách trước cửa giếng thang, có chiều cao OH nhỏ.
Điểm khác biệt giữa thang máy chân không với các thang máy khác là máy dẫn động và kết cấu của thang. Máy dẫn động gồm có: máy hút chân không và các van đóng mở đặt phía trên đỉnh trụ dẫn hướng. Trong trụ dẫn hướng có lắp ray để dẫn hướng cho cabin chuyển động lên xuống.
Nóc và trần cabin có độ kín khít tuyệt đối với trụ dẫn hướng làm nhiệm vụ như piston khí nén.
Dòng thang máy này có thể lắp đặt bất cứ chỗ nào trong nhà mà không cần xây dựng giếng thang, có thể đặt ngay ở ban công của nhà, chỉ cần tạo lỗ xuyên sàn đủ để cho trụ dẫn đi qua. Tuy nhiên, loại thang này lại không phổ biến do mới chế tạo được tối đa 4 điểm dừng, tải trọng rất thấp (khoảng 110kg đến 240kg), tốc độ thấp.
Được giới thiệu lần đầu năm 2014 và chính thức ra mắt công chúng thành công vào năm 2017, hệ thống thang máy Multi do Công ty ThyssenKrupp (Đức) nghiên cứu có thể chạy ngang – dọc, thậm chí di chuyển theo phương chéo, mở ra nhiều hướng sáng tạo kiến trúc mới cho các tòa nhà cao tầng.
Chìa khóa đằng sau hệ thống này chính là khả năng di chuyển không bị ràng buộc bởi cáp kép truyền thống. Thay vào đó, Multi sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính, dựa trên một lõi từ phẳng với các cuộn dây truyền dòng điện tạo ra từ trường chuyển động. Động cơ này có chức năng đẩy nhiều hệ thống cabin khác nhau qua một trục duy nhất được thiết kế dưới dạng vòng lặp để phù hợp với chuyển động theo chiều dọc, ngang và chéo.
Chiều cao lý tưởng để lắp đặt hệ thống Multi là 300m nhưng hệ thống có thể dùng cho những công trình nhỏ hơn. Hệ thống không sử dụng dây cáp nên các khoang thang máy không cần xây thẳng đứng. Do trong một khoang có thể đặt nhiều cabin, hệ thống cũng giúp tiết kiệm không gian và thời gian di chuyển trong tòa nhà.
Mẫu thang máy mới nhẹ hơn nhiều so với các loại thang máy khác do cấu tạo từ vật liệu carbon tổng hợp và loại bỏ dây cáp. Tuy nhiên, ngoài hệ thống được lắp đặt trên ba trục tại tòa tháp thử nghiệm cao 246 m ở Rottweil, Đức từ năm 2017, dòng thang này vẫn chưa được ThyssenKrupp chính thức đưa vào thương mại.
Nằm tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thang máy, máy dẫn động được bố trí tại buồng đặt máy ngay trên đỉnh giếng thang hoặc phía dưới bên cạnh giếng thang được gọi là thang có buồng máy.
Thay vì có một không gian phòng máy chuyên dụng sẽ chiếm không gian, máy dẫn động được đặt ngay trong giếng thang gọi là thang không buồng máy. Một trong những lợi ích khi sử dụng thang không phòng máy tới từ việc tiết kiệm không gian, ngoài ra công nghệ này giúp cắt giảm lượng điện tiêu thụ, thường từ 30% đến 80%.
Theo TCVN 5744:1993 về thang máy – Yêu cầu an toàn trong lắp đặt và sử dụng đưa ra quy định về điều kiện lắp đặt thang máy chế tạo trong nước như sau:
1. Thang máy được chế tạo do các đơn vị có tư cách pháp nhân và đã được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
2. Thang máy phải được chế tạo phù hợp với các tiêu chuẩn yêu cầu kĩ thuật hiện hành và phải tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn này.
3. Thang máy chế tạo hàng loạt phải đúng theo mẫu đã được thử nghiệm và phải đầy đủ hồ sơ kĩ thuật gốc.
4. Các bộ phận và chi tiết quan trọng chưa chế tạo được phải nhập ngoại hoặc liên kết chế tạo phải ghi rõ thông số cơ bản và quy cách kĩ thuật trong hồ sơ.
Hình ảnh một nhà máy sản xuất thang máy trong nước
Như vậy, thang máy nội địa là dòng sản phẩm do các công ty Việt Nam có đăng ký kinh doanh, hoạt động liên quan đến ngành thang máy sản xuất, chế tạo. Các mẫu thang này cần đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn yêu cầu kĩ thuật hiện hành trước khi đưa ra thị trường. Đối với các bộ phận, chi tiết quan trọng chưa chế tạo được phải nhập ngoại hoặc liên kết chế tạo phải ghi rõ thông số cơ bản và quy cách kỹ thuật trong hồ sơ.
Trên thực tế, hầu hết các bộ phận, chi tiết quan trọng của thang máy như động cơ, tủ điều khiển, cáp, ray dẫn hướng,… hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa thể sản xuất mà phải nhập khẩu, sau đó tiến hành lắp rắp với các chi tiết, thiết bị mà các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được.
Nhiều người thường lầm tưởng thang máy nội địa, chế tạo trong nước là thang máy liên doanh do nhiều đơn vị lập lờ, đánh tráo khái niệm để dễ giới thiệu, chào bán sản phẩm cho khách hàng. Tuy nhiên, đây lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Loại thang máy liên doanh là thang máy có công nghệ lõi, có bản thiết kế gốc và được đầu tư nghiên cứu, tính toán các yếu tố vật lý, hóa học,… một cách tổng thể để ghép các chi tiết liên kết chặt chẽ hữu cơ với nhau, qua đó thang máy sẽ hoạt động an toàn, bền bỉ. Quan trọng hơn là các bên có sự liên kết, hợp tác dựa trên cơ sở pháp lý.
Đọc thêm: Thang máy liên doanh – Cú lừa tinh vi của nhiều doanh nghiệp
Cũng theo TCVN 5744:1993 về thang máy – Yêu cầu an toàn trong lắp đặt và sử dụng đưa ra quy định về điều kiện lắp đặt thang máy nhập khẩu như sau:
1. Có hồ sơ kĩ thuật gốc.
2. Thang máy được chế tạo theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn quốc gia sở tại và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam.
3. Các bộ phận chi tiết máy đi kèm phải đồng bộ hoặc nếu chế tạo theo dạng liên kết của nhiều hãng, nhiều quốc gia thì việc đảm bảo quy cách kĩ thuật là của hãng thang máy đứng tên, đặc biệt chú ý quy cách các bộ phận và chi tiết quan trọng như:
– Cáp thép, xích chịu tải.
– Đường ray dẫn hướng cho cabin và đối trọng.
– Puli dẫn động, dẫn hướng.
– Hệ thống phanh điều khiển, đúng tầng.
– Hệ thống hãm an toàn.
– Các cơ cấu khống chế an toàn, tín hiệu bảo vệ.
Như vậy, thang máy nhập khẩu là sản phẩm được sản xuất bởi các thương hiệu trên thế giới và được nhập khẩu nguyên kiện về Việt Nam. Thang máy được chế tạo theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn quốc gia sở tại. Trong trường hợp nhập khẩu và lắp đặt tại Việt Nam, thang máy nhập khẩu phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn của Việt Nam.
Ngoài ra, theo QCVN 02:2019/BLĐTBXH – An toàn lao động đối với thang máy, cả hai dòng thang máy chế tạo trong nước và thang máy nhập khẩu đều phải thực hiện kiểm tra/thử nghiệm các bộ phận/thiết bị an toàn của thang máy, gồm:
– Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có);
– Bộ hãm an toàn;
– Hệ thống phanh của dẫn động;
– Bộ khống chế vượt tốc;
– Bộ giảm chấn;
– Van ngắt/van một chiều.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật