TCTM – Bị giam lỏng trong những bức tường vô hình, tưởng như là đặc ân nhưng chúng ta đã trở thành những tù nhân của thời đại như thế nào?
Google, Facebook, Instagram, Zalo, Twitter, TikTok, YouTube,… những ứng dụng miễn phí này đang bòn rút những đồng tiền trong ví bạn như thế nào?
Hầu hết các ứng dụng mạng xã hội, trò chơi hay cả những ứng dụng mua sắm trực tuyến đều miễn phí với người dùng. Chúng ta tải ứng dụng về, hồn nhiên đăng ký tài khoản sau một nút bấm chấp nhận mọi điều khoản mà ứng dụng yêu cầu, sử dụng như một tiện ích của thời đại 4.0. Và rồi chính chúng ta – những người dùng (user) trở thành món hàng bị các ứng dụng này mua bán: mua bán dữ liệu, mua bán những lượt xem/lượt truy cập và mua bán các hành vi để thúc đẩy ta “chốt đơn – mua hàng”.
Ngay cả các ứng dụng mua sắm cũng đã từng “dụ mồi” người dùng và các hàng quán bằng các chiêu thức tương tự. Người dùng dần trở thành con ếch bị luộc chín bởi nồi nước sôi từ từ, và nhiều hàng quán thì chới với trước lựa chọn phải từ bỏ nền tảng quay về bán trực tiếp vì chi phí nền tảng quá lớn.
Mô hình máy đặt, máy mượn tại các bệnh viện đã được thực hiện phổ biến từ nhiều năm qua, chiếm trên 95% tổng số máy trong ngành y tế. Tưởng như không có gì bất cập nhưng để hoạt động thì máy buộc phải sử dụng hóa chất độc quyền của duy nhất một nhà cung cấp. Vì vậy, dù đơn vị cung cấp hóa chất độc quyền nâng giá, ép giá, hoặc lãnh đạo hai bên có sự thỏa thuận tiêu cực, thì bệnh viện vẫn phải chấp nhận vì không thể lựa chọn loại hóa chất khác.
Và tất nhiên, toàn bộ chi phí tăng sẽ trở thành gánh nặng với người bệnh, với cả quỹ bảo hiểm y tế. Cả người dân, bệnh viện và nhà nước đã trở nên lệ thuộc vào những hãng dược phẩm từ lúc nào.
Các lĩnh vực khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, như thang máy. Không đến mức miễn phí như máy đặt, máy mượn nhưng giá chào bán thấp hơn nhiều so với thị trường là miếng mồi béo bở ít ai từ chối được. Trong đấu thầu công, đây lại càng trở thành một trong các yếu tố có tính quyết định khi lựa chọn nhà thầu. Và rồi, thiết bị ban đầu thì rẻ nhưng ngay sau thời hạn bảo hành thì thiết bị lại liên tục gặp vấn đề, sửa chữa, thay thế linh kiện,… với chi phí cao. Có khác gì “thả con săn sắt, bắt con cá rô”!
Apple đã xây dựng nên một hệ sinh thái kích thích người tiêu dùng “của mình” và tung hoành trong hàng chục năm. Dây sạc chân riêng, tai nghe chân riêng, khả năng đồng bộ dữ liệu tối ưu khi sử dụng các thiết bị chung một hệ sinh thái,…
Nhưng dường như chúng ta lại quên mất yêu cầu về khả năng tương thích, thay thế giữa các thiết bị, nghĩa là ta chấp nhận mình trong những ranh giới vô hình của hệ sinh thái đó.
Một hệ sinh thái mà Apple đã kiến tạo
Nhưng rồi, chính Apple cũng phải lựa chọn từ bỏ “lối đi riêng” để tuân thủ các tiêu chuẩn.
Tháng 10/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức phê chuẩn việc sử dụng một chuẩn chung duy nhất (USB Type-C) cho các thiết bị di động tại châu Âu, hiệu lực từ cuối năm 2024. Động thái chính thức đầu tiên của Apple là sản phẩm iPhone 15 ra mắt vào tháng 9/2023 vừa qua đã áp dụng dây sạc USB Type-C.
Với iPhone 15, cổng sạc USB Type-C sẽ thay thế cho bộ kết nối Lightning truyền thống vốn có mặt trên mọi chiếc iPhone của “nhà Táo khuyết” kể từ năm 2012
Quốc hội yêu cầu chấm dứt mô hình máy mượn, máy đặt trong bệnh viện công, cho phép tiếp tục các hợp đồng máy mượn, máy đặt trong các bệnh viện công theo thời hạn đã ký, song không quá 5 năm kể từ ngày 1/1/2024. Điều này đưa ra kết luận cuối cho bài toán chi phí của ngành y tế với mô hình máy đặt, máy mượn.
Liệu câu chuyện với ngành thang máy có tương tự?
Cư dân của hàng loạt các khu chung cư từ bình dân đến cao cấp đều gặp tình trạng sửa chữa thang máy với “giá trên trời” mà vẫn liên tục gặp vấn đề. Ban quản trị không am hiểu kỹ thuật hoặc dù đã cố gắng nhưng vẫn rơi vào tình trạng bị độc quyền linh kiện hoặc đổi qua đổi lại cũng vẫn “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Thang máy gia đình – hàng hóa thuộc sở hữu cá nhân của nhiều gia đình cũng gặp tình huống các hãng thang máy đặt mật khẩu “khóa thang” khiến việc tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ khác gặp khó khăn.
Tiêu chuẩn – quy chuẩn quốc gia chưa quy định đầy đủ và cụ thể về quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy,… cũng đang là điểm yếu để tình trạng trên diễn ra tràn lan.
Miếng mồi “giá rẻ” cùng những lời hứa hẹn hóa ra lại đang đưa ta vào chiếc bẫy với những thiệt hại lớn và lâu dài
Thiết lập nên những quy chuẩn về chất lượng, dịch vụ là cách để ta loại bỏ tình trạng độc quyền. Có các chỉ số đo lường rõ ràng thì sẽ có phương án thay thế khi chất lượng không đạt. Sẽ không còn việc thang máy hãng A bắt buộc phải sử dụng linh kiện thay thế từ hãng A. Sự minh bạch rõ ràng về thông tin sẽ cho phép ta sử dụng sản phẩm từ hãng A hoặc hãng B, hãng C hay bất kỳ hãng nào có các thông số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.
Xu hướng phát triển bền vững cho ngành thang máy là gì – đóng hay mở? Đọc thêm về hệ truyền dữ liệu CAN và CANopen và xu hướng phát triển tất yếu của ngành thang máy nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung tại: Tìm hiểu về hệ truyền dữ liệu CAN và CANopen trong ngành thang máy
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật
Lê Thị Dung
Bài viết hay và rất thực tế mà tôi giờ mới biết. Cảm ơn tác giả và Ban biên tập.