TCTM – Một trong những xu thế phát triển chung, định hình doanh nghiệp trong tương lai là chuyển đổi xanh. Chính quá trình chuyển đổi này sẽ tạo ra người thắng – kẻ thua trong thời đại mới.
Song song với kinh tế số, các khái niệm về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh đang ngày càng được quan tâm tại các chương trình nghị sự quốc tế nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đối với môi trường.
Trái ngược với nền kinh tế hoạt động dựa trên các nguồn tài nguyên không thể tái tạo và các phương pháp kém hiệu quả, kinh tế xanh dựa trên các hoạt động kinh doanh và các giao dịch kinh tế khác mà không phụ thuộc hoặc gây tổn hại đến môi trường.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cùng những cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Cụ thể tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết quan trọng như đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Mức giảm này có thể còn lên đến 27% khi có hỗ trợ quốc tế và thực hiện các cơ chế hỗ trợ theo Thỏa thuận Paris. Tiếp đó, đến năm 2040 sẽ loại bỏ dần sản xuất điện bằng nhiên liệu than và cuối cùng là đến 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 (net-zero).
Nhìn trên bình diện toàn cầu hay cụ thể là lộ trình giảm thải carbon, hướng đến kinh tế xanh của Chính phủ Việt Nam đề ra, chúng ta ít nhiều cũng có thể mường tượng về sức ép của tương lai xanh hóa nền kinh tế.
Một số cột mốc như từ năm 2023, doanh nghiệp bắt đầu báo cáo tự nguyện về phát thải nhà kính; năm 2025 sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và tới năm 2028 sẽ chính thức vận hành thị trường này. Lộ trình của xu hướng chuyển đổi xanh sẽ đi từ tự nguyện, thí điểm đến yêu cầu bắt buộc và áp lực đi liền với quyền lợi của doanh nghiệp.
Hiện với kiểm kê phát thải khí nhà kính đã bắt buộc áp dụng với 1.912 doanh nghiệp.
Một số chỉ tiêu thực hiện cam kết COP 26 được Chính phủ ban hành
Theo nhận định của The Economist mới đây, quá trình chuyển đổi xanh sẽ làm thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu. Việc thay đổi mô hình tiêu thụ năng lượng và các dòng chảy thương mại sẽ tạo ra người thắng – kẻ thua mới.
Có thể thấy, xu thế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp)… là lộ trình không thể đảo ngược mà các doanh nghiệp phải tham gia nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi toàn cầu.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh trong dài hạn, hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Các dự án, sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn phải gắn liền với tăng cường bảo vệ môi trường.
Đứng trước các yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần định nghĩa lại thành công của mình. Thước đo của thành công giờ đây không chỉ nằm ở các con số tài chính hay các tiêu chuẩn về doanh thu, lợi nhuận,… Doanh nghiệp cần gắn kết thành công và tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của chiếc kiềng 3 chân: kinh tế – xã hội – môi trường.
Chuyển đổi xanh sẽ sắp xếp lại trật tự toàn cầu
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tăng trưởng xanh nhưng thực tế hiện nay nhận thức về vấn đề này của doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp. Với khu vực doanh nghiệp lớn và vừa, nhận thức về phát triển bền vững tương đối đầy đủ, nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn có tư duy coi phát triển bền vững là một gánh nặng, không coi đó là đầu tư lâu dài cho sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp.
Theo số liệu từ cuộc khảo sát “Đánh giá mức độ nhận thức của doanh nghiệp liên quan tới bài toán giảm phát thải và chuyển đổi xanh” được thực hiện vào tháng 8/2022, chỉ có hơn 10% doanh nghiệp biết đến những bài toán ảnh hưởng trực diện tới doanh nghiệp như xu hướng thuế carbon, xu hướng điều chỉnh thuế carbon tại châu Âu và các quốc gia phát triển, những Nghị định, Quyết định trong nước liên quan cần phải thực hiện ngay trong năm 2022 và 2023.
Còn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường. Ðáng chú ý, có tới 91% doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm thấp hơn rất nhiều.
Công nghiệp hỗ trợ vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp
Bên cạnh câu chuyện về nhận thức, những hạn chế về nguồn lực, hạn chế về công nghệ sản xuất và khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng khiến việc theo đổi con đường chuyển đổi xanh chỉ là yếu tố để doanh nghiệp cân nhắc chứ chưa thực sự là những ưu tiên lựa chọn hàng đầu.
Nhìn vào thực tế ngành thang máy Việt Nam, nền tảng sản xuất thang máy nội địa phát triển vẫn chưa đủ mạnh khi tập trung chủ yếu vào làm gia công, lắp ráp giá rẻ với hàm lượng công nghệ, kỹ thuật và giá trị gia tăng thấp, thiếu tính bền vững. Các linh kiện, thiết bị thang máy mà doanh nghiệp Việt có năng lực tự sản xuất chỉ khoảng 20%. Tuy nhiên về mặt điện – điện tử lại phụ thuộc nhập khẩu gần như 100%.
Nguyên nhân đến từ nền công nghiệp phụ trợ còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ dòng chảy của ngành thang máy. Nhưng một nguyên nhân thực tế hơn chính là việc thiếu đi các nghiên cứu khả thi và chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật.
Bên cạnh đó là những bài toán trong giáo dục nghề nghiệp. Nếu nhìn vào thống kê tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 26% trong tổng số lao động, thì chúng ta sẽ thấy rằng số lao động có trình độ chuyên môn, có kỹ năng, có tay nghề vẫn rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Trong khi phần lớn doanh nghiệp trong xã hội còn là doanh nghiệp nâu – là các doanh nghiệp tạo ra khí thải và gây ô nhiễm môi trường, mô hình kinh doanh của đa số còn là mô hình nâu, chúng ta cần có những cú hích chính sách để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi cả về mô hình kinh doanh, công nghệ và suy nghĩ, đặc biệt phải phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam.
Những thay đổi đó phải đi xuống được tới cấp thi hành chứ không dừng lại ở những người lập chiến lược, ra đầu bài. Nếu không, những dự án, những khoản tiền chi ra để chuyển đổi xanh có thể sẽ chỉ dừng ở mức nói chứ không làm, hoặc làm cho có, theo “hô hào, khẩu hiệu” chứ không đi vào thực chất.
Đây sẽ là sự lãng phí cơ hội và nguồn lực để chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng xanh.
Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đáp ứng cho sự phát triển và chuyển dịch của nền kinh tế
Với cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, giáo dục nghề nghiệp cũng cần phải có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong đào tạo nguồn nhân lực mới và đào tạo bổ sung cho những người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Đối chiếu bức tranh giáo dục nghề nghiệp hiện nay với thực tiễn biến động từ xu hướng chuyển đổi xanh, chúng ta sẽ nhận thấy những thách thức không hề nhỏ như nhân sự tương lai cần có những kỹ năng gì? Nhân sự hiện tại cần bổ sung kinh nghiệm ra sao để đáp ứng môi trường kinh doanh xanh? Công tác đào tạo nhân lực phải cải tiến thế nào?,… Tất cả đều là những bài toán lớn mà Việt Nam cần giải đáp.
Nếu không làm được, sẽ có rất nhiều lãng phí trong quá trình thực hiện và xa hơn là những cam kết quốc tế về phát thải ròng của Việt Nam có thể ngày càng trở nên “đầy tham vọng”.
Đây không đơn thuần là những cam kết thành tích mà sẽ còn tác động trực tiếp đến túi tiền mỗi doanh nghiệp khi các hoạt động trong nền kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn vì chuẩn mực môi trường và áp lực quốc tế.
Chúng ta cần nhớ, các mốc thời gian trong lộ trình chuyển đổi xanh của Việt Nam cũng như thế giới không còn quá xa. Nếu không bắt đầu từ bây giờ, nguy cơ mọi sản phẩm của Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi chuỗi tiêu dùng tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, thậm chí trên toàn cầu là hiện hữu!
Hồng Nhung
Thông tin mới cập nhật