TCTM – Không ít người tiêu dùng có tư duy ‘vơ đũa cả nắm’, chuộng hàng hóa nước ngoài, cái gì cũng có nhãn xuất xứ nước ngoài (Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản,…) đều được cho rằng là sản phẩm chất lượng cao, đáng bỏ tiền dù giá cao.
Nhiều người Việt Nam từ xưa nay vốn có tâm lý sính ngoại. Không hiếm người có thói quen khen lấy khen để văn minh phương Tây. Không chỉ trong lĩnh vực học vấn, đạo đức mà từ chính trị, kinh tế đến cả cách ăn uống, lối sinh hoạt hàng ngày, không có cái gì là không bắt chước sao cho thật giống phương Tây, thậm chí rập khuôn cả những khuyết điểm.
Không phải đánh đồng tất cả, nhưng cách nhiều người Việt nhận thấy người Tây luôn ẩn chứa tính khái quát, thiên vị và định kiến. Chẳng hạn như, chỉ cần là người da trắng sẽ được coi là giàu có, trong khi trên thực tế, phương Tây cũng bao gồm rất nhiều quốc gia chưa phát triển.
Nhiều khi người ta “mê Tây” một cách vô căn cứ, luôn tuyệt đối hóa, thần thánh hóa rằng Tây là hình ảnh của sự giỏi giang, văn minh, vượt trội chỉ vì họ đến từ một nền văn hóa được coi là tiến bộ và phát triển hơn.
Trong khi đó, ở xứ Tây cũng như xứ ta, nơi nào cũng có người tốt – kẻ xấu, không phải là “thần thánh” như những gì ta thường cảm nhận dựa trên quan niệm phổ thông hay những gì được du nhập qua truyền thông và văn hóa đại chúng.
Tương tự, nhiều người Việt cũng mê hàng hóa nước ngoài, cái gì có nhãn xuất xứ nước ngoài (Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,…) đều được cho rằng có chất lượng cao và là lựa chọn đáng ưu tiên hơn, bất chấp giá cao. Hầu hết các sản phẩm từ hoa quả, thực phẩm đến điện thoại, ô tô, mỹ phẩm,… và cả thang máy và linh kiện ngoại nhập đều ngày càng được ưa chuộng.
Các sản phẩm đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản,… đều được phần lớn người tiêu dùng tin tưởng
Không phải tự nhiên người Việt Nam có tâm lý chuộng hàng ngoại nhập, từ thời bao cấp, người Việt đã được tiếp cận những sản phẩm như tivi, phích nước, quạt điện,… từ Nga, Mỹ, Pháp. Và sau nhiều năm, những món đồ đó vẫn duy trì được độ bền theo năm tháng. Đây cũng là yếu tố hình thành nên việc người Việt luôn tin rằng hàng ngoại sẽ ở đẳng cấp khác so với hàng trong nước và lựa chọn hầu hết mọi sản phẩm dựa trên xuất xứ.
Chủ yếu người tiêu dùng mê sản phẩm ngoại nhập đến từ các quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản,… và điểm chung đây đều là các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến và quản trị chất lượng tốt.
Chẳng hạn như Tiêu chuẩn EN (Tiêu chuẩn Châu Âu) là một trong những tiêu chuẩn được đánh giá là có tính chất khắt khe, chặt chẽ và là tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Cũng chính bởi thế các sản phẩm nhập khẩu vào các quốc gia châu Âu hay sản xuất tại đây sẽ được đảm bảo cao về uy tín, chất lượng.
Những quy trình, quy định kiểm soát khắt khe về chất lượng sản phẩm cùng các chế tài nghiêm khắc khiến các doanh nghiệp khi muốn có chỗ đứng tại các thị trường khó tính này phải bắt buộc tự giác thực hiện. Điều này góp phần hình thành nên sự chính trực trong bộ phận doanh nghiệp, tạo nên sự phát triển của các thương hiệu.
Chỉ những sản phẩm đạt Tiêu chuẩn Châu Âu mới được phép lưu hành trên thị trường EU
Mặt khác, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bám sát với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra hành lang pháp lý, kiểm soát chất lượng của sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn ở nhiều công đoạn chủ yếu còn thực thi trên giấy. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp cho sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn ít và hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt bị nếm nhiều trải nghiệm xấu về chất lượng của sản phẩm được sản xuất trong nước và trở nên mất lòng tin. Từ đó, trong suy nghĩ của nhiều người mặc nhiên quy định rằng hàng hóa nước ngoài vẫn đáng tin cậy hơn.
Cũng giống như việc phương Tây bao gồm hàng chục quốc gia với sự khác biệt và đa dạng trong kinh tế, lịch sử, bản sắc dân tộc,… Doanh nghiệp hay thương hiệu ở phương Tây hay đất nước nào cũng thế, bao gồm hàng ngàn sản phẩm, hàng ngàn thương hiệu và chất lượng cũng “thượng vàng hạ cám”.
Thay vì phán xét và đánh giá một cách khách quan có căn cứ về yếu tố chất lượng dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn và giá cả của từng sản phẩm trước khi mua sắm thì nhiều người tiêu dùng Việt Nam lại đưa ra quyết định dựa trên nơi sản xuất.
Dù là sản phẩm đến từ bất kỳ quốc gia nào đều có sản phẩm tốt và sản phẩm kém chất lượng
Khi mua thang máy hay các linh kiện, thiết bị liên quan, bên cạnh yếu tố về giá, hầu hết người tiêu dùng thường sẽ xem xét tới việc sản phẩm có xuất xứ từ đâu và đánh giá cao đối với sản phẩm tới từ Châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn, Nhật,…
Có rất ít người tiêu dùng đánh giá dựa trên các thông số, chỉ số của sản phẩm như sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn nào; đã được hợp quy hay chưa,…? Trong khi đây đều là những tiêu chí tối quan trọng khi chọn mua các sản phẩm thang máy, linh kiện thiết bị liên quan.
Tương tự, câu chuyện “mê Tây, Hàn, G7…” cũng diễn ra ở không ít gói thầu mua sắm công. Thay vì đưa ra những yêu cầu như sản phẩm thang máy đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, không ít gói thầu lại được xây dựng dựa trên các tiêu chí thang máy thuộc hãng A, B, C,… sản xuất tại các nước G7, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan,… và nhập khẩu đồng bộ.
Những quyết định mang nhiều cảm tính và định kiến về xuất xứ ngoại nhập cũng là yếu tố tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tồn tại và phát triển.
Đánh vào tâm lý mặc định nguồn gốc nước ngoài là tốt của phần lớn người tiêu dùng, không ít doanh nghiệp đã bất chấp thượng tôn pháp luật, lợi dụng kẽ hở để khai sai về tên hàng hóa, chủng loại, xuất xứ,… Nhiều trường hợp còn sử dụng mánh khóe tinh vi để che dấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm gian lận xuất xứ.
Bên cạnh việc bán hàng giả, hàng nhái để trục lợi từ niềm tin và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp thang máy còn sử dụng những cái tên gần giống với những thương hiệu lớn hoặc chào bán dưới dạng tên thang máy liên doanh khiến khách hàng hoang mang, lầm tưởng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Tâm lý lựa chọn sản phẩm dựa trên xuất xứ không chỉ tồn tại cố hữu ở người tiêu dùng lớn tuổi, mà ngay cả ở những người trẻ, điều đó cũng không ngoại lệ. Việc người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn ra sao và hiểu rõ tầm quan trọng của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm như thang máy vẫn còn khá ít.
Đây cũng đang là một trong những nhân tố gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi một bộ phận doanh nghiệp sản xuất thang máy đang cố gắng từng bước nội địa hóa, xây dựng sản phẩm thang máy mang thương hiệu “Made in Vietnam”, dù đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật nhưng lại không được người tiêu dùng thừa nhận, đặc biệt trong khối mua sắm công.
Điều này dẫn tới nguy cơ nhãn tiền là chảy máu ngoại tệ và hệ quả lâu dài hơn chính là việc doanh nghiệp Việt không thể phát triển được.
Người tiêu dùng cần chú ý hơn đến các thông số, chỉ số của sản phẩm khi mua sắm
Khắc phục vấn đề chỉ dựa vào xuất xứ và bỏ qua tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng chính là cách tích cực để đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để không dại dột trở thành “nạn nhân tự nguyện” của hàng nhái giả, hàng kém chất lượng từ sự thiếu hiểu biết của chính mình, người tiêu dùng cần phải nâng cao hơn nữa năng lực lựa chọn, tin vào cái gì và nghi ngờ cái gì. Thay vì “vơ đũa cả nắm” theo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì cần phải hiểu đúng hơn về tiểu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cụ thể của mỗi sản phẩm.
Về phía doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước cần phải chung tay, đẩy mạnh hơn nữa vấn đề phổ biến và nâng cao nhận thức người tiêu dùng, nhận thức xã hội về tầm quan trọng của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các sản phẩm hàng hóa.
Đồng thời, các chế tài pháp luật cũng cần phải xây dựng theo hướng khắt khe và có tính răn đe hơn nữa để doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn theo quy định pháp luật. Từ đó hình thành nên sự tự giác trong việc thực hiện sản xuất hàng hóa bám sát quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng tới đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, gia tăng hình ảnh sản phẩm thương hiệu quốc gia – “Made in Việt Nam”.
Không phải cứ ngoại nhập là tốt hay hàng nội thì “dỏm”. Sony của Nhật Bản, Samsung của Hàn Quốc đều sản xuất các sản phẩm dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để chinh phục khách hàng và để có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế ngày hôm nay cũng phải dựa trên niềm tin và sự ủng hộ của người dân chính những quốc gia đó.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật