TCTM – Thời đại của người tiêu dùng thông minh cũng chính là thời đại của người kinh doanh tử tế. Dù trong ngành ô tô hay thang máy, khi không thể đảm bảo chữ tín trong hoạt động kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc đổ vỡ niềm tin nơi khách hàng.
Trong một thông báo đưa ra hôm 20/12/2023, Tập đoàn Toyota (Nhật Bản) cho biết Công ty con – Daihatsu Motor sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động phân phối tại thị trường trong và ngoài nước sau khi phát hiện đa số các mẫu ôtô của công ty đều bị ảnh hưởng do vụ bê bối gian lận thử nghiệm an toàn.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Daihatsu thừa nhận gian lận dữ liệu trong các thử nghiệm an toàn khi va chạm đối với 6 mẫu xe vào hồi tháng 4/2023 vừa qua. Sau sự việc này, một cơ quan độc lập đã được thành lập và tiến hành điều tra, từ đó phát hiện rằng phạm vi của vụ bê bối lớn hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.
Ông Soichiro Okudaira, Chủ tịch Daihatsu, tại cuộc họp báo liên quan đến vụ việc. Ảnh: The Yomiuri Shimbun.
Ngoài những sai phạm được phát hiện hồi tháng 4 và 5 liên quan đến các thử nghiệm va chạm bên hông ôtô và các bộ phận cửa xe, kết quả điều tra còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường mới ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm.
Cụ thể, cuộc điều tra cho thấy bộ điều khiển túi khí (ACU) được Daihatsu sử dụng trong các cuộc thử nghiệm an toàn đã không trùng khớp với chi tiết mà họ trang bị trên các mẫu xe thương mại đang xuất hiện trên thị trường. Các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm Toyota Town Ace, các mẫu Toyota Pixis Joy và Mazda Bongo.
Ngoài ra, gian lận còn bao gồm những báo cáo giả mạo về các bài thử nghiệm tác động tới tựa đầu ghế và tốc độ thử nghiệm với một số mẫu xe. Hành vi gian lận đã được Daihatsu thực hiện từ năm 1989, nhưng đến sau 2014 thì bắt đầu phổ biến.
Đáng chú ý, sự vụ lần này có liên quan đến tổng cộng 64 mẫu xe, trong đó có đến 20 mẫu xe được bán ra dưới thương hiệu Toyota.
Bê bối gian lận thử nghiệm an toàn của Daihatsu còn chưa lắng xuống, ngay trong ngày 20/12/2023, Toyota cũng đã đưa ra thông báo thu hồi hơn 1,12 triệu xe trên toàn thế giới do một cảm biến bị đoản mạch khiến túi khí không bung đúng thiết kế.
Nhiều mẫu xe mang thương hiệu Toyota nhưng do Daihatsu sản xuất. Ảnh minh họa: (Reuters).
Từ Nhật Bản vươn ra toàn cầu và sang đến Việt Nam, hành trình của Toyota chưa bao giờ tách rời quan niệm: chất lượng là cốt lõi của mọi hoạt động kinh doanh. Và trong tâm trí của hầu hết người tiêu dùng Việt, nhắc đến xe hơi là nhắc đến xe Toyota bởi những giá trị cốt lõi mà chiếc xe đã mang tới cho khách hàng là tính bền bỉ, mạnh mẽ, tiết kiệm, dễ sửa chữa với chi phí sử dụng thấp.
Đứng trước những thông tin tiêu cực, ngay trong phiên giao dịch ngày hôm qua 21/12/2023 (chỉ sau vài giờ khi truyền thông đưa tin sự việc), cổ phiếu của “gã khổng lồ” Nhật Bản đã nhanh chóng trượt dốc, mất 4% giá trị trên sàn giao dịch Nikkei.
Sự sụt giảm của cổ phiếu mới chỉ là những tác động ngay trước mắt, những tác động sâu hơn tới doanh thu, lợi nhuận… vẫn thực sự chưa rõ ràng qua những con số. Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho biết bê bối này có thể ảnh hưởng nặng đến doanh thu của Toyota.
Chuyên gia phân tích Masakata Kunugimoto của Tập đoàn Nomura – Tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu tại Nhật Bản, nhận định việc đình chỉ sản xuất 1 tháng, tương đương 120.000 xe có thể khiến doanh thu của Toyota giảm 240 tỷ Yên (1,68 tỷ USD).
Tại Việt Nam, Toyota Avanza Premio là một trong số các mẫu xe thương hiệu Toyota đang sử dụng nền tảng Daihatsu. Ảnh: TMV
Quan trọng hơn, những bê bối này có thể đưa tới những tác động tiêu cực đối với niềm tin của người tiêu dùng, làm hoen ố danh tiếng về chất lượng và độ an toàn của cả hai thương hiệu trên.
Trong kinh doanh, “niềm tin” là thứ quan trọng nhất mà doanh nghiệp phải mất hàng chục năm để xây dựng. Và khi niềm tin của người tiêu dùng về sự an toàn, điều quan trọng nhất với một thương hiệu ô tô đã không còn thì dù là các dòng xe giá rẻ của Daihatsu bán dưới thương hiệu Toyota hay xe do chính Toyota sản xuất cũng khó có thể thuyết phục người dùng.
Ngoài ra, theo Fortune, vụ việc này đang gây chấn động giới truyền thông và Daihatsu đang hứng chịu chỉ trích kịch liệt từ chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản thậm chí cho biết đang xem xét thu hồi chứng nhận sản xuất của Daihatsu.
Từ vụ việc bê bối của Daihatsu Motor ngẫm về ngành thang máy Việt Nam, chúng ta không thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kiểm định, xử phạt,… để tạo ra hành lang pháp lý ngăn ngừa sai phạm, bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng. Thế nhưng, những “góc khuất” trong công tác kiểm định vẫn tồn tại và khó kiểm soát.
Một trong những sai phạm cơ bản là bỏ qua các lỗi để hợp thức hóa và cho thang máy hoạt động bình thường. Những sai phạm này có thể đến từ việc các đơn vị/cá nhân kiểm định cố tình “ngó lơ” các lỗi kỹ thuật nhằm móc nối, ăn chia với phía nhà thầu để qua mặt người tiêu dùng hoặc cũng có thể do chính phía kiểm định không có đủ trình độ, bỏ qua các công đoạn,…
Hình ảnh 3 bị cáo lĩnh án tù do vi phạm các quy định về kiểm định gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án rơi vận thăng lồng tại Nghệ An xảy ra tháng 1/2022.
Không chỉ từ công tác từ phía kiểm định, bản thân nhiều doanh nghiệp thang máy cũng cố tình trục lợi từ sự tin tưởng và thiếu hiểu biết của khách hàng để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái; cung cấp linh kiện, thiết bị trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ; sản phẩm thiếu CO,CQ,…
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thang máy còn đánh lừa khách hàng với cách thức sử dụng cabin, máy kéo của nhãn hiệu lớn còn những linh kiện, thiết bị khác đều là từ các nguồn khác nhau, miễn sao lắp cái thang chạy được là được. Và những chiếc thang máy có hình thức vỏ chính hãng, ruột kém chất lượng cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ hỏng hóc, trục trặc của thang máy, hay thậm chí nguy hiểm hơn cả là tai nạn thang máy.
Lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp gian lận xuất xứ bằng cách che giấu tuyến đường của lô hàng.
Dù là bê bối của Daihatsu hay những vấn đề đang nổi cộm trong ngành thang máy, cả hai đều có điểm chung chính là liên quan trực tiếp tới vấn đề an toàn của người tiêu dùng. Đây không chỉ là vấn đề liên quan tới vi phạm pháp luật mà còn là đạo đức kinh doanh – giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Hậu quả của những hành vi gian dối bất chấp lợi ích, an toàn của khách hàng của một bộ phận doanh nghiệp thang máy Việt không chỉ tự đạp đổ đi “nồi cơm, bát cháo”, sự uy tín của của chính mình. Nguy hiểm hơn là sự lung lay niềm tin của người tiêu dùng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đến cộng động ngành thang máy Việt Nam.
Xây dựng niềm tin khách hàng không phải là chuyện ngày một ngày hai, hoặc có thể làm được thông quay những lời quảng cáo. Để chiếm được trái tim khách hàng, điều quan trọng chính là chữ tín trong mọi hoạt động kinh doanh. Thương hiệu mạnh nhờ chữ tín và cũng nhờ chữ tín mà làm nên thương hiệu.
“Một lần bất tín là vạn lần bất tin” – ông cha ta đã đúc kết một câu không chỉ ứng dụng trong đời sống, mà còn cả trong kinh doanh. Bất cứ lúc nào khách hàng cảm thấy bị lừa dối, họ sẵn sàng chia tay với thương hiệu đó. Và doanh nghiệp sẽ phải trả giá đắt cho sự bội tín khi khách hàng chuyển sang dùng sản phẩm của đối thủ.
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật