TCTM – Trong quá trình vận hành, thang máy bị treo/kẹt là sự cố nhiều hành khách thường hay gặp phải. Dưới đây là một số nhóm nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Thang máy là giải pháp di chuyển hiện đại, thuận tiện và có quy định khắt khe về độ an toàn. Dù vậy, trong quá trình sử dụng vẫn có thể xảy ra những sự cố, thường gặp nhất là tình trạng thang máy bị treo, bị kẹt.
Thang máy bị treo, bị kẹt là tình huống thang máy đang trong quá trình vận hành thì dừng đột ngột dù đang ở vị trí giữa tầng hay đã về bằng tầng. Nguyên nhân có thể đến từ các sự cố kỹ thuật nội tại của thang máy và cũng có thể đến từ những lý do khách quan khác trong quá trình sử dụng.
Về mặt cấu tạo, có thể chia thang máy thành 2 phần, phần cơ khí và phần điện. Bất kỳ những sự cố nào liên quan tới hệ thống cơ khí và hệ thống điện của thang máy đều có thể dẫn tới những sự cố, tai nạn nghiêm trọng, trong đó có sự cố kẹt thang.
1. Hệ thống điện
Tất cả thang máy đều được trang bị hệ thống mạch an toàn bao gồm: Mạch an toàn cửa tầng; Mạch an toàn cửa cabin và cabin; Mạch an toàn dọc hố thang; Mạch an toàn PIT và Mạch an toàn phòng máy.
Tất cả các hệ thống mạch an toàn này được kết nối với nhau và tạo thành một hệ mạch kín nhằm đảm bảo thang máy hoạt động chính xác và an toàn.
Trong quá trình hoạt động của thang dù ở chế độ bình thường, chế độ cứu hộ hay chế độ chạy tay để kiểm tra/sửa chữa, nếu mạch an toàn bị hở/đứt thì thang máy sẽ ngừng hoạt động cho đến khi mạch an toàn kín trở lại. Hệ thống mạch an toàn có thể bị đứt/gián đoạn do:
Các thiết bị tủ điện thang có phòng máy (Nguồn: Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy)
Thang máy được lắp đặt với các trang bị điện như công tắc tơ, rơ le, aptomat, hệ thống công tắc giới hạn.
Đây là bộ phận thường xuyên hoạt động với cường độ cao và liên tục do đó các hệ thống tiếp điểm của các trang bị điện này có thể bị vỡ/mòn do tác động của hồ quang điện. Hiện tượng này khiến tính dẫn điện của các trang bị điện kể trên bị giới hạn, gây suy hao điện áp trên mạch điện và mạch điều khiển. Từ đó gây ra tình trạng thang máy bị kẹt bất ngờ.
Để thang máy hoạt động an toàn, thang máy được trang bị các thiết bị cảm biến như: cảm biến giới hạn cửa, cảm biến dừng tầng, cảm biến tải trọng, cảm biến đo tốc độ. Đây là những linh kiện điện sử dụng điện áp thấp (1 chiều, 24V), có chức năng gửi tín hiệu cho thang máy hoạt động.
Tuy nhiên, đây cũng là thiết bị dễ rơi vào tình trạng nhiễu tín hiệu dẫn tới tình trạng thang máy hoạt động không chính xác, lệch tầng gây nên các sự cố dừng thang, kẹt thang. Nguyên nhân khiến cho hệ thống cảm biến nhiễu tín hiệu có thể đến từ việc lắp đặt sai quy cách hoặc bị ngoại lực tác động.
Hình ảnh thang máy bị kẹt do cửa thang máy vướng dây xích thú cưng gây nguy hiểm. Sự việc xảy ra ngày 6/6/2023 tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Chẳng hạn như với cảm biến cửa thang máy sẽ có tác dụng tự động mở cửa ra khi có vật cản. Trong trường hợp thang máy không được trang bị hệ thống cảm ứng cửa tầng hoặc thiết bị này bị hỏng. Khi có vật lạ nhưng cửa thang máy vẫn tiếp tục đóng lại gây nên tình trạng kẹt thang.
Đối với cảm biến tải trọng, trong trường hợp thang máy không được trang bị hoặc thiết bị hỏng, người sử dụng vô tình sử dụng vượt quá tải trọng của thang dẫn đến thang bị trôi/trượt trong quá trình vận hành khiến thang máy bị kẹt.
Hệ thống bo mạch chính, bo mạch điều khiển được ví như bộ não của thang máy. Hệ thống này đảm nhiệm việc nhận các tín hiệu đầu vào và đưa ra lệnh điều khiển chính xác cho các thiết bị ngoại vi để thang hoạt động an toàn và đúng chức năng.
Nếu tủ điện đặt trong môi trường nóng, nơi nhiệt độ cao và với tần suất hoạt động của bo mạch, các chip có thể vượt quá giới hạn và các bảo vệ quá nhiệt tác động dẫn tới thang dừng đột ngột. Ngoài ra, trong môi trường ẩm thấp, độ ẩm cao (90%) các chân chip bo mạch có thể bị oxy hóa khiến bo mạch bị hỏng hoặc hoạt động không ổn định.
Chính vì thế, công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá vị trí cho hệ thống này phải được tính toán toàn diện, ưu tiên ở các môi trường đảm bảo để giúp hệ thống bo mạch hoạt động ổn định.
Hệ thống cứu hộ tự động (ARD – Automatic Rescue Device) là hệ thống bắt buộc trong thiết kế thang máy hiện nay nhằm đảm bảo an toàn trong các tình huống thang máy bị mất điện hay mất pha điện.
Hệ thống ARD hoạt động theo cơ chế: Khi thang máy dừng đột ngột do mất điện, nguồn năng lượng dự trữ sẽ được kích hoạt tự động và đưa thang về tầng gần nhất, mở cửa thang để người trong cabin di chuyển ra ngoài.
Tuy nhiên, trong trường hợp hệ thống ARD không được bảo trì, kiểm tra thường xuyên dẫn tới bị hỏng hoặc hệ thống ắc quy điện lưu điện bị già hóa/phồng rộp… sẽ khiến người sử dụng bị kẹt bên trong và không thể thoát ra khi hệ thống điện bị mất hoặc cắt điện không báo trước.
Thang máy toà nhà Keangnam (Hà Nội) dừng đột ngột do bị mất điện khiến nhiều người mắc kẹt vào ngày 8/6/2023.
Theo một nghiên cứu của Elevator World, hơn 40% các tai nạn thang máy xảy ra liên quan đến cửa thang, bao gồm cả cửa tầng và cửa cabin. Trong một số trường hợp, cửa thang bị cong/vênh/xô đẩy, không đóng hoàn toàn dẫn tới cắt mạch điện an toàn và cả hệ thống thang máy sẽ ngừng hoạt động vì bộ xử lý hiểu là thang máy không đủ an toàn để hoạt động.
Ngoài ra, trong quá trình thang máy vận hành, nếu có vật cản như bụi bẩn, kim loại ở ray dẫn hướng hoặc bị lắp đặt sai kích thước sẽ làm cho cửa tầng và cửa cabin không thể đóng mở đúng và trơn tru, dẫn tới tình trạng thang máy bị kẹt.
Lưu ý: Do cửa tầng và cửa cabin là hai thiết bị có tần suất hoạt động cao nên chốt, kiếm cửa theo thời gian sử dụng sẽ bị mòn/hỏng. Cùng với đó là việc lắp đặt, kiểm định, bảo trì, thay thế linh kiện cẩu thả, không đúng quy trình, thời gian, nhân viên kỹ thuật thiếu trình độ không phát hiện hư hỏng dẫn đến bỏ qua lỗi, gây nên hậu quả đáng tiếc.
Hình ảnh bộ truyền động cửa tầng
Hình ảnh cấu tạo cửa tầng thang máy
Phanh điện từ là phanh được trang bị trên hệ thống máy kéo của thang máy, bộ phận này có chức năng giữ cho cabin và đối trọng đứng khi thang đã dừng tầng. Trong quá trình vận hành, nếu phanh căn chỉnh không chính xác sẽ khiến động cơ hoạt động dòng điện tăng cao. Tình trạng này có thể khiến biến tần của thang máy bị lỗi và gây nên kẹt thang.
Về phanh chống rơi, đây là thiết bị giúp giữ cabin ở lại trên ray dẫn hướng trong trường hợp thang rơi tự do. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt căn chỉnh có thể xảy ra trường hợp lắp đặt kích thước phanh chống rơi và ray dẫn hướng sai kích thước. Vấn đề này có thể khiến phanh chống rơi tác động bất ngờ trong quá trình vận hành và làm thang máy bị kẹt giữa chừng.
Để phòng ngừa, trong quá trình lắp đặt, nhân viên kỹ thuật cần căn chỉnh tuyệt đối tuân thủ kích thước theo bản vẽ, tài liệu quy định của nhà sản xuất. Sau khi lắp đặt xong phải kiểm tra tính năng hoạt động theo mức đầy tải định mức của thang. Trong quá trình bảo trì luôn kiểm tra các sai về số kích thước của hệ thống phanh.
Trong thời gian đầu lắp đặt và đưa vào sử dụng, hệ thống cáp tải treo đối trọng và cabin thang máy sẽ có độ giãn nhất định. Do đó, quá trình bảo trì phải kiểm tra kỹ độ giãn cáp.
Việc này giúp tránh trường hợp khi thang về bằng tầng trên cùng mà độ giãn của cáp lớn đến mức khiến đối trọng thang máy tác động vào hệ thống giảm chấn. Khi đó, thang sẽ dừng do hệ thống công tắc an toàn của giảm chấn tác động gây mất an toàn, kẹt thang máy.
Bên cạnh những nguyên nhân đến từ các yếu tố kỹ thuật nói trên, trong quá trình vận hành thang máy, các sự cố/tai nạn thang máy cũng như tình trạng thang máy bị kẹt có thể đến từ những nguyên nhân khách quan bên ngoài.
Hộp kỹ thuật bên trong cabin không khóa hoặc bị hỏng khóa có thể khiến người sử dụng vô tình bấm vào các nút chức năng chuyên dùng trong trường hợp khẩn cấp hoặc bảo trì, sửa chữa.
Chẳng hạn như, người sử dụng thang máy không tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn an toàn trong quá trình sử dụng như: nô đùa, chạy nhảy trong thang máy; cố ý bấm liên tục lên các nút trên bảng điều khiển; vô ý để các vật cản như dây xích thú cưng vướng vào cửa thang đang đóng,… khiến thang máy dừng đột ngột.
Trong một số trường hợp, hộp kỹ thuật bên trong cabin thang máy không khóa hoặc hỏng khóa, người sử dụng có thể tác động vào các nút chức năng đặc biệt, chuyên sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc trong công tác bảo trì, sửa chữa như “EM/STOP”; “AUTO/HAND”,… cũng có thể khiến thang dừng đột ngột và bị kẹt.
Bên cạnh những yếu tố tác động của con người, tình trạng kẹt thang máy còn có thể đến từ bụi bẩn, đồ vật kẹt vào cửa thang che mành hồng ngoại khiến thang máy gặp sự cố/tai nạn khi vận hành.
Ngoài ra, một cảnh báo quan trọng liên quan tới vấn đề an toàn thang máy, đối với các loại thang kém chất lượng, hệ thống mạch an toàn không đảm bảo hay báo lỗi phải sửa chữa liên tục gây gián đoạn sử dụng hoặc do nhân viên kỹ thuật trình độ năng lực kém không phát hiện lỗi,… Để xử lý tình trạng này, một số nhân viên kỹ thuật đã vô hiệu hóa hoặc “đấu tắt” mạch an toàn khiến cho thang máy hoạt động trong tình trạng “mù”. Hành vi này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người dùng thang.
Nhìn chung, kẹt thang máy là sự cố có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan tới các vấn đề kỹ thuật nội tại của thang máy hoặc đến từ những nguyên nhân khách quan do con người hoặc vật tác động.
Điều quan trọng là chủ sở hữu khi lắp đặt hay bảo trì, sửa chữa thang máy cần lựa chọn đơn vị cung cấp thang máy chính hãng, uy tín và trang bị thiết bị an toàn đầy đủ. Quan trọng nhất là đội ngũ chuyên gia, nhân viên lành nghề có chứng chỉ đào tạo chính quy.
Những sự cố thang máy có thể giảm thiểu thông qua công tác bảo trì, bảo dưỡng và kiểm định thường xuyên (tối thiểu 3 tháng/lần với thang gia đình, 1 tháng/lần với thang tòa nhà), vì vậy chủ sở hữu/ban quản lý cũng cần phải lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan để đảm bảo tính an toàn cho thang máy.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật