TCTM – “Cái sảy nảy cái ung” – Từ cái sơ suất khiếm khuyết nhỏ, hoặc sự hư hỏng không đáng kể lúc đầu, nếu không biết loại bỏ, có thể đưa đến những hậu quả, những nguy hại và phiền phức lớn.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người chết, 4 người bị thương xảy ra ngày 30/9/2023 trên quốc lộ 20 thuộc địa bàn xã Phú Vinh (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) được Công an huyện Định Quán bước đầu xác định lỗi thuộc về xe Thành Bưởi.
Theo dữ liệu giám sát hành trình (GPS) từ Cục Đường bộ Việt Nam, xe gây tai nạn giao thông đã vượt quá tốc độ gần 500 lần trong ba tháng 5, 6, 7/2023. Được biết, xe này từng bị tước phù hiệu 3 lần.
Ngoài ra, công an xác định lái xe gây tai nạn đang bị tước bằng lái 3 tháng do chạy quá tốc độ, nhưng tài xế vẫn được nhà xe giao phương tiện để lái chở khách.
Tóm tắt lại sự việc, xuất phát từ lỗi sai của tài xế gây tai nạn giao thông, quá trình điều tra đã mở rộng phát hiện nhiều vấn đề về lý lịch lái xe, lý lịch phương tiện và tiếp đó là công tác quản lý của doanh nghiệp, quy trình vận hành. Đến tháng 11, Nhà xe Thành Bưởi bị tước Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vô thời hạn.
“Cái sảy nảy cái ung” là câu khái quát nhất cho sự việc này.
Sở GTVT TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ trao đổi với các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô sau những sai phạm của Nhà xe Thành Bưởi
Công ty TNHH Thành Bưởi thành lập từ năm 2000, đến nay đã được 23 năm – một hành trình không ngắn. Đối với khách hàng, đây cũng là một nhà xe được yêu mến và tin tưởng về chất lượng dịch vụ.
Nhiều khách hàng chia sẻ sự ủng hộ và yêu mến dành cho Nhà xe Thành Bưởi trên Fanpage Facebook của nhà xe này sau khi nhà xe này thông báo tạm dừng hoạt động
Dù vậy, “chất lượng dịch vụ” do khách hàng cảm nhận có thể dựa trên các yêu tố cảm quan như thái độ lái xe và phụ xe, xe đi êm hay xóc, quá trình đặt xe – đón/trả khách,… Nhưng thường thì khách hàng khi lên xe sẽ chẳng có ai hỏi lái xe rằng anh có bằng lái chưa, xe có đang được phép hoạt động hay không.
Chỉ khi xảy ra vấn đề, như tài xế gây tai nạn, thì khách hàng mới “bật ngửa” về niềm tin của mình. Hay là, lâu nay vẫn “uy tín” những đến giờ “không uy tín nữa”.
Nhiều khách hàng cũng tặc lưỡi cho rằng nhà xe nào mà chẳng vi phạm, so chất lượng chung thì A vẫn hơn B. Nhưng thị trường không thể hoạt động dựa trên nguyên tắc thứ này “đỡ xấu hơn” những thứ khác. Và pháp luật thì không cho phép điều đó xảy ra.
Từ bài học với nhà xe Thành Bưởi, mọi doanh nghiệp đều cần “soi gương”.
Thứ nhất, về quản lý nhân sự, việc sử dụng lái xe đang bị tước bằng lái, cho phép lái xe vi phạm thời gian làm việc liên tục quá 4 giờ và thời gian làm việc trong ngày quá 10 giờ, cho thấy quy trình quản lý nhân sự của đơn vị này bất chấp quy định về an toàn đối với người lao động và cả khách hàng, cộng đồng.
Tương tự với bằng lái xe của tài xế, người lao động trong nhiều lĩnh vực cũng cần đáp ứng các loại chứng chỉ về an toàn lao động, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia,…
Thế nhưng, trên thực tế không ít doanh nghiệp cũng đang hoạt động giống như nhà xe Thành Bưởi, sử dụng lao động thiếu bằng cấp/chứng chỉ, thậm chí vì “tiết kiệm” chi phí đào tạo mà mua chứng chỉ cho nhân sự, làm giả hồ sơ giấy tờ năng lực,…
Nhiều doanh nghiệp thang máy liều lĩnh vì lợi trước mắt, chạy theo lợi nhuận mà sử dụng nhân sự không có chuyên môn, sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do không đảm bảo về năng lực và lý lịch, đạo đức thực hiện các công việc quan trọng như lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy.
Sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác tuyển dụng, quản lý nhân sự không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn có thể xảy ra tai nạn hay gây ra trộm cắp, tệ nạn, gây mất an toàn cho cả người lao động và cộng đồng.
Tai nạn có thể xảy ra với họ bất cứ lúc nào
Thứ hai, sau sự việc nhà xe Thành Bưởi bị phạt, hàng loạt nhà xe mới thực hiện việc đăng ký vào bến xe. Khách hàng cũng nhận ra vấn đề về những rủi ro khi đi “xe dù bến cóc”. Nhiều người chấp nhận mất thời gian và chi phí di chuyển để vào bến bắt xe nhằm được đảm bảo ban quản lý bến xe sẽ thay họ giám sát, kiểm tra các yêu cầu đối với nhà xe, phương tiện và tài xế.
Điều này cho thấy thực tế dịch vụ của nhiều doanh nghiệp vẫn đang manh mún, vì lợi nhỏ tức thời mà bất chấp hậu quả của việc vi phạm pháp luật. Những hành vi gian dối, tiêu cực chính là con đường dẫn doanh nghiệp đến “nghĩa địa”.
Hợp đồng cam kết nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhưng lại cung cấp hàng giả hàng nhái; nhân sự không đủ năng lực nên lắp đặt, bảo trì không đạt quy chuẩn; đơn vị kiểm định làm việc qua loa, “liên kết” với doanh nghiệp thang máy để cấp chứng nhận kiểm định,… Chỉ trong lĩnh vực thang máy đã có thể liệt kê hàng loạt những hành vi sai phạm mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố tình “làm ngơ” pháp luật để trục lợi.
Hiệu ứng Domino từ những sai phạm luôn rập rình ở mọi ngóc ngách của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tiếp tục “nhắm mắt làm ngơ”
Không chỉ dừng ở vấn đề nhân sự hay định hướng kinh doanh, “cái sảy nảy cái ung” còn đến từ mọi ngóc ngách trong doanh nghiệp. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp đến khách hàng, các quy định pháp luật, tiêu chuẩn chất lượng,… đều cần cam kết tuân thủ và thực hiện với “giá trị thật”. Nếu không, nguy cơ xóa sổ doanh nghiệp có thể xảy ra trong chớp mắt.
Do vậy, đừng vì pháp luật chưa “sờ” đến mà làm bừa. Để kinh doanh bền vững và lâu dài thì hãy tự mình làm đúng ngay từ đầu.
Thông tin mới cập nhật