TCTM – Chống thất thoát trong đầu tư, mua sắm công là trò chơi ú tim của “kẻ cắp và bà già”.
Thuở những năm 80 thế kỷ trước, nếu một cơ quan cần mua sắm bằng ngân sách thì lập kế hoạch mua sắm, xin tiền cấp phát rồi đi mua. Thỏa thuận giữa người được giao mua và người bán là do tự thỏa thuận và đương nhiên là “hoa hồng lại quả” không ai kiểm soát được. Tiền của Nhà nước cứ thế mà bị thất thoát.
Để chống điều này, Nhà nước đưa ra quy định về mua sắm công phải thực hiện đấu thầu công khai.
Dẫu thế, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, người mua và người bán lại cùng nhau diễn vở kịch đấu thầu như thật, cạnh tranh khốc liệt như thật,… Và kết quả là đội nào vẫn cắp được đội đấy và thậm chí thất thoát còn lớn hơn ngày xưa vì họ có cớ để nói “chúng tôi mua sắm công khai, minh bạch, khách quan” chứ không phải giữ ý ăn “vừa vừa” như hồi trước, sợ bị đánh giá không khách quan, thiên vị.
Các nhà soạn luật hết sức đau đầu, nghĩ ra nhiều cách để phòng chống nhưng thực tế thì “Phật cao một thước, ma cao một trượng”. Rốt cuộc là công an, các cơ quan ban ngành lại phải vào cuộc, rồi bắt, rồi xử và thiên hạ có vẻ bắt đầu sợ.
Tuy nhiên, gần đây lại bắt đầu xuất hiện một số chiêu thức “cao thủ” hơn – một điều thực sự gây khó cho các nhà thầu là lý do trượt thầu.
Lỗi hồ sơ thì đương nhiên bị trượt nhưng những nhà thầu đã trúng thầu có đạt các tiêu chí của hồ sơ đề ra hay không thì không ai biết được. Trừ khi nội bộ bên mời thầu không đoàn kết, đấu đá lẫn nhau rồi lôi bí mật thâm cung bí sử ra “đấu tố” nhau thì thiên hạ mới vỡ lẽ “cháy nhà ra mặt chuột”.
Hay một vấn đề khác cũng nổi cộm không kém là phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Nếu mở toang toàn bộ hồ sơ của các nhà thầu thì …. “nhạy cảm”, ngại với thiên hạ vì sợ bị “soi”, bị đặt câu hỏi “Tại sao lấy thằng giá cao thế? Những thằng thấp kia sao lại trượt?” Hình thức này dường như tạo ra một cơ hội cho vở kịch “áo gấm đi đêm” diễn ra êm đẹp hơn.
Nếu theo luật chọn hình thức một giai đoạn hai túi hồ sơ sẽ theo trình tự như sau:
Giai đoạn 1: Mở hồ sơ năng lực, kỹ thuật. Chấm nếu đạt thì mới đến giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Hồ sơ liên quan tài chính, giá cả.
Do vậy, dựa vào kỹ thuật cho các nhà thầu khác bị loại và không xét thì không mở tiếp tài chính ở giai đoạn 2, đương nhiên thiên hạ chẳng biết ai giá cao, giá thấp mà “soi” và “xì xào”.
Sau khi loại hết thì đương nhiên “đối tác” của họ một mình một ngựa tiến vào sân chơi đường hoàng, minh bạch.
Nhưng cách nào để đối tác được vào dễ thế? Đó là tạo ra những “bẫy” lỗi sai về hồ sơ, về kỹ thuật. Hồ sơ đưa ra những tiêu chí kỹ thuật không ai làm được, thậm chí sai so với hồ sơ thiết kế. Mà đương nhiên khi nhà thầu không làm được thì bị loại nên cũng chẳng kêu ca, còn “đối tác” của họ thì cũng không làm được những yêu cầu về kỹ thuật kia thì cũng chẳng sao, vẫn nghiễm nhiên tiến vào giai đoạn 2 vì không ai có quyền để xem hồ sơ của nhà thầu này ngoài chủ đầu tư, tổ xét thầu…
Thậm chí có trường hợp đấu thầu theo hình thức một giai đoạn một túi hồ sơ, nhưng nhà thầu vẫn bị loại vì những lý do “cắc cớ”. Như có gói thầu mua sắm thang máy mới, nhà thầu bị loại với lý do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu. Nhưng với hồ sơ mời thầu có yêu cầu về động cơ có công suất động cơ ≥ 11 kW và công suất tiêu thụ điện ≤ 11 kVA, liệu có thể đáp ứng được?
Theo định nghĩa, công suất tiêu thụ của một động cơ được tính bằng đơn vị công suất thực (kW) và công suất dòng điện (kVA).
Trong đó: kW được tính bằng tích của hiệu điện thế (U) cùng với dòng điện tạo công suất thực chạy qua thiết bị (cường độ dòng điện – I) theo công thức 1 W=1 V*|1 A| và 1 kW = 1000 W. Còn kVA chính là đơn vị đo công suất của dòng điện (cụ thể là đơn vị tính công suất biểu kiến, chúng được tính bằng tích của hiệu điện thế kết hợp với dòng biểu kiến chạy qua thiết bị theo công thức: 1 V.A=1 V*1 A và 1 kV.A=1000 V.A)
kW = kVA* Cos φ; P = S. Cos φ = U.I.Cos φ
Trong đó: P là công suất tác dụng; Q là công suất phản kháng; S là công suất biểu kiến; Cos φ là Hệ số định mức, thông thường Cos φ ≈ 0,8. Như vậy, đã công suất động cơ ≥ 11kW thì công suất dòng điện phải lớn hơn hoặc bằng 11/0,8 tức 13,75 kVA chứ không thể ≤ 11 kVA như đề bài được.
Để công suất động cơ ≥ 11 kW, công suất tiêu thụ điện ≤ 11 kVA thì bắt buộc Cos φ = 1 (tức là không có độ lệch pha giữa hiệu điện thế và cường độ dòng điện). Mà Cos φ = 1 chỉ xảy ra với dòng điện 1 chiều.
Thử hỏi nhà thầu trúng gói thầu này có cung cấp được thiết bị đáp ứng yêu cầu trên hay không? Chắc chỉ có trời, đất, chủ đầu tư và tổ xét thầu biết được! Hay phải chờ đến khi “cháy nhà” mới lòi ra “mặt chuột”.
Và còn bao nhiêu vụ việc như vậy nữa…
Để đấu thầu minh bạch, các cơ quan chức năng nên chăng yêu cầu công khai toàn bộ hồ sơ dự thầu trên hệ thống đấu thầu.
Liệu xu hướng chấm thầu trong “mật cung” có trở thành tệ nạn trong tương lai để ngân sách Nhà nước lại tiếp tục bị rút ruột hợp pháp? Một câu hỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ…
Gió Lào
Thông tin mới cập nhật