TCTM – Không có hoặc có nhưng rất ít quỹ bảo trì 2%, các tòa nhà tái định cư tại Hà Nội còn phải đối diện với những khó khăn đến từ các khoản thu “eo hẹp”, diện tích kinh doanh cho thuê để phục vụ bảo trì, sửa chữa gần như bỏ trống nhiều năm nay hoặc bị lấm chiếm, không đem lại nguồn thu tài chính.
Đọc thêm: Bài 1: “Đau đầu” quỹ bảo trì nhà tái định cư
Giá rẻ, suất đầu tư thấp có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nhà tái định cư còn nhiều khiếm khuyết. Việc xây nhà tái định cư vẫn hoạt động theo cơ chế nhà nước giao cho một số doanh nghiệp xây, sau đó bàn giao lại cho chính quyền địa phương và bố trí người dân vào ở.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc cho ra những sản phẩm theo cơ chế bao cấp: Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, hoàn thành và bàn giao rồi không chịu trách nhiệm với công trình từ đầu đến cuối, không coi công tác quản lý là cách giữ thương hiệu đã khiến nhà tái định cư nằm “bên lề” quản lý.
Do vậy, tình trạng thất thoát vật liệu, chất lượng nhà ở kém, nhanh xuống cấp là điều khó tránh khỏi.
Nhiều khu nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng
Nhiều nhà chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng từ lâu (từ những năm 2000), chất lượng công trình xuống cấp và chuyển sang giai đoạn vận hành trục trặc (các hạng mục như thang máy, PCCC, máy phát điện,…) phải sửa chữa, duy tu, bảo trì ngay; một số thiết bị hết niên hạn sử dụng phải thay thế. Để thực hiện tất cả những yêu cầu cấp thiết này sẽ cần một khoản kinh phí bảo trì lớn.
Thế nhưng, như Tạp chí Thang máy đã đề cập trong “Bài 1: “Đau đầu” quỹ bảo trì nhà tái định cư”, nguồn kinh phí bảo trì 2% của nhà tái định cư đều rơi vào tình trạng “không có hoặc có rất ít kinh phí bảo trì 2%, trong thời gian chưa có Ban quản trị, các đơn vị quản lý vận hành đã sử dụng hết…”.
Theo quy định Luật Nhà ở 2014, trường hợp kinh phí bảo trì không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.
Tuy nhiên, việc xây dựng quỹ bảo trì mới là điều vô cùng khó khăn khi đó là một khoản tiền không nhỏ và không phải hộ dân nào cũng có khả năng đóng góp.
Ngoài ra, pháp luật hiện nay chỉ quy định trách nhiệm của chủ sở hữu có trách nhiệm đóng góp kinh phí bảo trì nhưng lại không quy định biện pháp để buộc người chủ sở hữu phải đóng, chưa có hướng dẫn về nộp thêm sau khi sử dụng hết nguồn kinh phí bảo trì 2%.
Đọc thêm: Phí bảo trì chung cư và những điều cần lưu ý
Các chung cư tái định cư xuống cấp từng ngày do thiếu bảo trì thường xuyên. Bên cạnh bất cập trong kinh phí bảo trì 2%, những khó khăn trong công tác bảo trì, sửa chữa của những tòa nhà này còn tới từ những nguồn thu đầy “eo hẹp”.
Hiện nay mức phí để quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư tái định cư thu theo quy định của thành phố cũng được đánh giá là rất thấp, không đủ để bù chi phí bảo trì, sửa chữa.
Cụ thể, mức thu phí để vận hành cơ bản phải từ 4.000 – 5.000 đồng/m2/tháng nhưng hiện vẫn thu mức 500 đồng/m2/tháng (khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng).
Việc thu bổ sung kinh phí bảo trì 2% khi kinh phí bảo trì đã hết hoặc không đủ, nay mức thu phí để vận hành cơ bản cũng không thể đáp ứng, bù đắp để duy trì công tác vận hành nhà tái định cư.
Trước tình trạng hàng loạt tòa nhà tái định cư xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cư dân, ngày 23/8/2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố.
Quyết định này quy định việc hỗ trợ kinh phí bảo trì đối với phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung, bao gồm 6 hạng mục của nhà tái định cư, gồm: Thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài của tòa nhà.
Như vậy, nếu phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại các khu nhà tái định cư được cho thuê thì sẽ có thêm nguồn tài chính để tái đầu tư, phục vụ công tác duy tu, sửa chữa cho các hạng mục xuống cấp.
Nhưng, thực tế lại cho thấy, ngay tại những căn nhà tái định cư trên địa bàn thành phố, nhiều diện tích được phép cho thuê lại bị bỏ không nhiều năm nay trong tình trạng quỹ bảo trì nhà tái định cư ngày càng “cạn kiệt”.
Dự án nhà ở tái định cư A14 khu đô thị Nam Trung Yên (Yên Hòa, quận Cầu Giấy) hoàn thành từ năm 2016. Đã 7 năm trôi qua nhưng trong 4 toà nhà cao 21-30 tầng, chỉ 2 tòa có người ở.
Lý giải vấn đề này, theo Kế hoạch số 309/KH-UBND năm 2022, UBND TP Hà Nội cho biết “giá khởi điểm để thực hiện việc đấu giá tại một số vị trí tương đối cao không có sức hấp dẫn; vị trí và hướng tiếp cận của một số điểm diện tích kinh doanh dịch vụ khó khăn, không có lợi thế kinh doanh do vậy không hấp dẫn trong việc đấu giá cho thuê”.
Ngoài ra, các đơn vị được giao quản lý quỹ diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 còn để xảy ra các tính trạng như quản lý lỏng lẻo, chưa quyết liệt (một số cá nhân cho thuê trái phép) để một số đơn vị nợ tiền thuê, chây ỳ không trả tiền thuê nhà, cá nhân lấn chiếm sử dụng trái phép,…
Cũng theo UBND TP Hà Nội, hiện nay còn 223 căn hộ vi phạm, do các cán bộ thuộc Xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ khu đô thị tự ý cho vào ở khi các hộ gia đình chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền nhà. Điều này cũng dẫn tới vấn đề thu tiền bán nhà trở nên vô cùng khó khăn.
Đọc thêm:
Bài 3: Quỹ bảo trì nhà tái định cư, trách nhiệm thuộc về ai?
Thông tin mới cập nhật