TCTM – Đối với tất cả các loại hình chung cư có nhiều chủ sở hữu, việc hình thành và quản lý nguồn kinh phí bảo trì cho tòa nhà là điều vô cùng cần thiết. Nguồn kinh phí bảo trì này sẽ phục vụ cho những công tác bảo trì, khắc phục và sửa chữa, thay thế các hệ thống quan trọng của tòa nhà, đặc biệt là hệ thống thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy,…
Chung cư là nơi sinh sống của nhiều người dân, theo thời gian, cơ sở vật chất sẽ bị xuống cấp, hư hỏng. Bắt đầu từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90 về quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Nhà ở, trong đó Chính phủ cũng đưa ra những quy định cụ thể về việc tính kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.
Theo đó, người mua căn hộ phải đóng 2% tiền mua căn hộ, số tiền này được gửi vào ngân hàng thương mại và do Ban quản trị chung cư quản lý để phục vụ công tác bảo trì. Và theo quy định hiện hành, kinh phí bảo trì 2% cũng được đưa vào Luật Nhà ở 2014.
Tựu chung, với tất cả các loại hình chung cư có nhiều chủ sở hữu từ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội hay tái định cư thì đều phải có kinh phí bảo trì 2% nói trên. Việc hình thành và quản lý nguồn kinh phí để khắc phục, sửa chữa, thay thế bảo đảm cho công trình được vận hành ổn định, an toàn là hết sức cần thiết, đặc biệt với các hệ thống quan trọng của tòa nhà như hệ thống thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện nước,…
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật