TCTM – “Tôi thích dùng một phép liên tưởng, môi trường kinh doanh như một cái nhà bếp. Thương nhân là những đầu bếp, đây là thành phần chiếm số lượng đông nhất. Doanh nhân chính là bếp trưởng, số lượng tuy rất ít, nhưng lại đóng vai trò chủ đạo. “Con buôn” chính là những kẻ ăn vụng, không thể thống kê hay xác định cụ thể đối tượng này, bởi trong một cái bếp, cả bếp trưởng lẫn đầu bếp bất cứ lúc nào đều có thể là những kẻ ăn vụng.”
Trong không khí chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tôi chợt nhớ lại phép liên tưởng của tác giả Nhất Quý. Cũng “trộm nghĩ” về danh xưng doanh nhân.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, ước tính đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay lên đến 2-3 triệu người. Còn tính cả người làm kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, con số này có thể đạt đến 10 triệu người. Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, tức doanh nhân – nếu căn cứ theo khái niệm kể trên thì chiếm tới 10% dân số.
Trong gần 10 triệu “doanh nhân” ấy, có bao nhiêu “con buôn”?
Nhà bác học Lê Quí Đôn từng nói: “Phi Công bất phú – Phi Thương bất hoạt – Phi Nông bất ổn – Phi Trí bất hưng”. Dân gian thì cụ thể hơn “Phi thương bất phú” – thương ở đây không chỉ là buôn bán mà còn là sản xuất và dịch vụ.
Nhưng thực tế thì không được vậy. Từ những người “lấy công làm lãi”, “mua tám bán mười” cho đến những người nhập nguyên vật liệu để sản xuất, dịch vụ,… tùy theo quy mô mà nhiều thế hệ đã từng phân biệt thành những khái niệm khác nhau.
Nhưng tôi thiển nghĩ, các khái niệm không nhất thiết phải tuân theo quy mô mà nên tiếp cận theo “tính cách” như Joseph Schumpeter nhận định: “Doanh nhân là một tính cách, không phải là một nghề”. Nói theo kiểu Việt Nam thì có thể hiểu là doanh nhân không phải là nghề mà là nghiệp.
Tiếp cận từ góc độ này, doanh nhân – không thể đơn thuần là một người làm kinh doanh buôn bán, mà đó còn là người xác định rõ bản thân cần thực hiện một sứ mệnh, gánh vác một “nghiệp” riêng.
Không thể vì một người tự mở ra cái công ty thì ngay lập tức được gọi là doanh nhân, ra đường chìa tấm card visit danh xưng nào là tổng giám đốc, chủ tịch, nhà sáng lập,… thì ngay lập tức được coi là doanh nhân.
Việc ấy không chỉ dựa trên những hành vi mang tính “bề mặt” như buôn bán, sản xuất, cung cấp dịch vụ hay vai trò, chức vụ, hay quy mô doanh nghiệp. Nhiều hơn thế, một doanh nhân mang đến những giá trị cho xã hội.
Bất kỳ ai cũng có thể trở thành “kẻ ăn vụng” trong căn bếp, và cả thị trường
Vậy thì có lẽ đang tồn tại 3 khái niệm trong nền kinh tế: “con buôn”, “thương nhân” và “doanh nhân”.
Theo cách hiểu trực quan, “con buôn” chính là những kẻ lừa lọc, làm ăn chộp giật cốt kiếm đầy túi mình. Còn những người làm ăn đơn thuần trên thị trường, tạo ra dòng tiền dựa trên những nỗ lực kinh doanh, minh bạch về đạo đức và pháp lý, đồng thời thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ xã hội như đóng thuế, giải quyết các vấn đề đãi ngộ như lương, bảo hiểm,… cho nhân viên – đó là những người được gọi là thương nhân.
Doanh nhân, lại là nhóm ở cấp độ cao hơn so với thương nhân. Hay nói cách khác, doanh nhân chính là những thương nhân thực hiện tốt những trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility – CSR) và song song với đó chính là việc tạo ra nhiều “giá trị cho xã hội”.
Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn, có tài sản kếch xù nhưng kinh doanh gian lận, không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội mà “khôn lỏi” lợi dụng cơ chế để tích cho đầy túi thì đó chỉ là một “con buôn”. Nhưng một người mở cửa hàng nho nhỏ, trầy trật với lời lãi từng ngày từng tháng nhưng bên trong họ là tâm niệm về việc mang đến những tiện lợi cho cộng đồng (ngoài giá trị xã hội của hàng hóa), không những đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm với xã hội mà còn góp phần tạo nên những giá trị mới. Thì đó chính là những doanh nhân thực thụ.
Những nhân tố tính cách của một doanh nhân cần nhấn mạnh ở đây là tính phụng sự xã hội và khả năng tạo ra các giá trị mới, cùng đó là mục tiêu phát triển bền vững cùng xã hội và môi trường.
“Trách nhiệm xã hội” phải đến từ bản sắc của chính doanh nghiệp đó, việc thực hiện lần lượt các hoạt động thể hiện” trách nhiệm xã hội” phải đến từ cái tâm của họ. Một “thương nhân” khi đã thực hiện đầy đủ những “nghĩa vụ xã hội” và “trách nhiệm xã hội” thì mới có thể được xem là một “doanh nhân”.
Về phần “giá trị cho xã hội”, nhân tố này không mang tính đóng góp cụ thể cao như “trách nhiệm xã hội” hay “nghĩa vụ xã hội”. Tức nó không mang đến những lợi ích trước mắt cho xã hội mà có thể là những giá trị vô hình như mang tính tạo cảm hứng, tính tiên phong hoặc giá trị đạt được mang tính bền vững ESG về môi trường, về văn hóa, xã hội,…
Xu hướng chuyển dịch theo mô hình ESG hay đầu tư ESG là tất yếu ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Cụ thể, ESG – Environmental, Social and Governance là mô hình đầu tư vào các giá trị về Môi trường, Xã hội và Quản trị, đó cũng là toàn cảnh của môi trường sống, môi trường kinh doanh. Có thể hiểu rằng, doanh nghiệp chỉ phát triển khi họ nhận thức được sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng, nhà nước và sự bền vững của môi trường.
Không chỉ tập trung vào lợi ích riêng, cởi chiếc áo ích kỷ xuống và cùng hướng đến những giá trị chung, giá trị bền vững mới là tính cách của một “doanh nhân”. Nhân ngày 13/10, Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta cùng ngẫm lại xem ai xứng đáng nhận được những bó hoa chúc mừng.
Minh Khôi
Thông tin mới cập nhật