TCTM – Sự thiếu hụt dòng vốn đầu tư vào nghiên cứu và sáng tạo cũng như tập trung giáo dục, đào tạo con người khiến cho ngành thang máy cũng như lao động trong ngành dễ rơi vào “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi”.
Lo ngại về “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi” (The low-skill, bad-job trap) đã được đề cập trong một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xuất bản năm 1994. Nghiên cứu của IMF giải thích lý do tại sao một quốc gia có thể rơi và bẫy này.
Cụ thể, ở những quốc gia nơi phần lớn lực lượng lao động không có tay nghề, các doanh nghiệp có ít động lực để cung cấp những công việc tốt (đòi hỏi kỹ năng cao và trả lương cao) và ngược lại, nếu có ít công việc tốt thì người lao động sẽ có ít động lực để làm việc, cơ hội tích lũy kỹ năng. Hai yếu tố này tương tác lẫn nhau tạo thành vòng xoáy luẩn quẩn khiến nền kinh tế rơi vào “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi”.
Và đây cũng chính là hệ lụy của một chiếc bẫy khác – “bẫy thu nhập trung bình”: tình trạng các nước không thể thoát khỏi nhóm có thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao.
Đặc thù lao động phổ thông là ít kỹ năng, thu nhập thấp và ít cơ hội phát triển, dễ mất việc làm khi lớn tuổi
Ở khu vực Đông Á, ngoại từ Nhật Bản đã có thu nhập tương đối cao từ rất sớm thì bốn “con rồng châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore được coi là đã vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thành công trong những thập niên cuối thế kỷ XX.
Điển hình như Hàn Quốc, quốc gia này còn được mệnh danh là “kỳ tích sông Hàn” trong việc đưa thu nhập bình quân đầu người vào nhóm nước có thu nhập cao. Cụ thể, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hàn Quốc là một nước nghèo nàn, lạc hậu. Song, với sự can thiệp linh hoạt và hiệu quả của chính phủ cùng với chiến lược nâng cao kỹ năng cho người lao động, đầu tư thích đáng cho khoa học – công nghệ và nghiên cứu – phát triển (R&D), kinh tế Hàn Quốc đã phát triển thần kỳ.
Thế nhưng ở chiều hướng ngược lại, một số nền kinh tế thuộc khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng đạt mức thu nhập trung bình cách đây 25 – 30 năm nhưng đang bị mắc kẹt vào tình trạng “dậm chân tại chỗ”.
Cụ thể với trường hợp của Thái Lan và Malaysia, hai quốc gia này bắt đầu tiến hành quá trình công nghiệp hóa từ những năm 1960 với mục tiêu xóa bỏ nền kinh tế thuần nông và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế tác.
Ban đầu, Thái Lan và Malaysia cũng tập trung vào sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, nhưng sau đó đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, cả hai đều bị lệ thuộc chủ yếu vào nước ngoài, đặc biệt là về vốn, công nghệ và quản lý.
Các nguyên liệu công nghệ cao, các cấu kiện then chốt và các quy trình quan trọng như thiết kế và marketing vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất, hoặc nhập khẩu trực tiếp.
Hệ quả là, người bản địa chỉ thực hiện lắp ráp hoặc sản xuất các bộ phận đơn giản trong khi phần lớn giá trị vẫn do người nước ngoài tạo ra và nắm giữ. Sau hơn bốn thập kỷ công nghiệp hóa, tình trạng lao động thiếu tính kỷ luật, thiếu kỹ năng và thiếu đội ngũ quản lý trung – cao cấp vẫn là một vấn đề chưa có lời giải.
Việc người lao động bản địa chỉ tập trung vào gia công lắp ráp hoặc sản xuất các bộ phận đơn giản là một trong những nguyên nhân khiến Thái Lan và Malaysia rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Qua câu chuyện của Thái Lan và Malaysia, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay cũng có thể thấy được những điểm tương đồng. Riêng với ngành sản xuất thang máy, đa phần các doanh nghiệp nội địa mới chỉ sản xuất được các bộ phận như khung thang, vách cửa tầng, đối trọng, vỏ tủ điện, sàn cabin, tay vịn,…
Nhìn vào thực tế, ngành sản xuất thang máy trong nước chủ yếu vẫn tập trung gia công phần cơ khí và nhập khẩu gần như 100% các thiết bị, linh kiện điện – điện tử, chỉ rất ít doanh nghiệp sản xuất được các bộ phận này. Tỷ lệ nội địa hóa thang máy thấp, ước tính 20-25%, giá trị gia tăng không cao.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 2019, 61% lao động phi chính thức Việt Nam chỉ có trình độ tiểu học. Thiếu nhân lực có trình độ cao là câu chuyện dài bất tận của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, khiến các kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư phải dè chừng hơn.
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo trong hai lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo và lĩnh vực xây dựng còn khá khiêm tốn
Với ngành sản xuất thang máy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê sơ bộ năm 2022 về tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chung chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chỉ 23,4%. Trong khi đó, tỷ lệ trên trong lĩnh vực xây dựng chỉ đạt mức 14,68% theo thống kê sơ bộ 2022 và lắp đặt thang máy cũng là bộ phận nhằm trong lĩnh vực này.
Những hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề của nhân lực ngành thang máy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sự phát triển của ngành bị kìm hãm. Lao động trong ngành khó có thể có được việc làm bền vững và dịch chuyển linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.
Giá trị lao động hay nói cách khác là năng suất lao động làm ra không cao bởi phần lớn các doanh nghiệp thang máy vẫn nhận gia công, lắp ráp mà không làm ra sản phẩm bằng sự sáng tạo. Sự thiếu đầu tư vào R&D cũng như đào tạo con người khiến cho ngành thang máy cũng như lao động trong ngành dễ rơi vào “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi”.
Phần lớn doanh nghiệp thang máy Việt lại thiếu đi sự đầu tư bài bản vào hoạt động R&D, chủ yếu nhập linh, phụ kiện về lắp ghép, giá trị gia tăng rất nhỏ
Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu khiến thị trường lao động cần phải thay đổi để phù hợp xu thế. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, tiền lương cũng sẽ tăng theo và không thể tiếp tục dựa vào mô hình sản xuất chi phí thấp trong dài hạn.
Với nhân lực ngành thang máy, yêu cầu chuẩn hóa về kỹ năng, năng lực, đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Cùng đó, các chương trình đào tạo cũng đảm bảo sự công bằng và phát triển cho người lao động. Người lao động có trình độ cao hơn sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn và gia tăng thu nhập.
Việc chuẩn hóa năng lực nguồn nhân lực cũng tạo điều kiện cho ngành sản xuất thang máy nội địa có cơ hội tiến xa hơn tới các nền kinh tế lớn. Đối với thị trường lao động quốc tế, tiềm năng xuất khẩu nhân lực chất lượng cao ra nước ngoài là rất lớn khi các khảo sát tại Singapore, Hàn Quốc,… đều cho thấy nhân lực kỹ thuật ngành thang máy đang khan hiếm.
Lao động trong ngành thang máy khi được đào tạo bài bản, chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang tới sự phát triển rộng mở của ngành cũng như bản thân người lao động
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ biến mất hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới. Trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.
Điều này đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà còn phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.
Nhìn vào các nước đã vượt qua như Hàn Quốc hay các nước đang mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học kinh nghiệm để tìm ra con đường tránh khỏi vòng luẩn quẩn lao động kỹ năng thấp, thu nhập tồi. Để đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất, đặc biệt với ngành công nghệ cao như công nghệ chip, vật liệu bán dẫn,… thì việc đầu tư trọng điểm vào đào tạo nhân lực là vô cùng quan trọng.
Hiệp hội Thang máy và Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương và Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế về Thang máy đầu tiên tại Việt Nam
Liên quan tới các vấn đề tiêu chuẩn hóa nhân lực ngành thang máy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã quy hoạch xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề và giao cho Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA) thực hiện. Đồng thời, VILEA cũng tổ chức các chương trình đào tạo kỹ thuật thang máy từ năm 2022 tới nay, nhằm nâng cao chất lượng nhân lực trong ngành.
Các vấn đề cấp thiết liên quan tới tiêu chuẩn hóa nhân lực ngành thang máy cũng sẽ được Hiệp hội Thang máy Việt Nam đề cập tại Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế, nhằm xin đóng góp ý kiến, trao đổi từ các hiệp hội, cơ quan nhà nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như các doanh nghiệp thang máy, công nghệ – phụ trợ.
Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế là sự kiện thường niên của Hiệp hội Thang máy và Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA). Trong lần tổ chức năm 2023, dưới sự phối hợp, đồng tổ chức của VNEA, hội thảo này sẽ được tổ chức vào ngày 5/10/2023, tại khách sạn Sheraton, Hà Nội.
Chi tiết hội thảo xem tại: Lần đầu tiên diễn ra Hội thảo Quốc tế về Thang máy tại Việt Nam
Lần đầu tiên diễn ra Hội thảo Quốc tế về Thang máy tại Việt Nam
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật