TCTM – 3 năm kể từ ngày thành lập, Hiệp Hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã thực hiện nhiều hoạt động đóng góp vào sự phát triển của ngành thang máy. Cuộc đối thoại giữa Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Nguyên Cục phó Cục Chính trị, Tổng Biên tập báo Biên phòng với cây viết An Thanh sẽ giúp chúng ta có thêm một góc nhìn mới về lĩnh vực thang máy và những đánh giá riêng về VNEA.
Dường như “đủ duyên” với ngành thang máy nói chung và Tạp chí Thang máy nói riêng nên góc nhìn của phóng viên An Thanh – cây viết chuyên mảng kinh tế đã ngày càng đi sâu hơn về nhiều khía cạnh của đề tài này.
Nhà báo Hòa Văn: Gần đây, nhà báo đã có khá nhiều bài viết về đề tài thang máy được bạn đọc quan tâm. Điều gì khiến ông, một cây viết về lĩnh vực kinh tế lại “bất ngờ” quan tâm nhiều đến lĩnh vực thang máy này?
An Thanh: Trước hết, gia đình tôi sống ở chung cư Pháp Vân từ năm 2005, đến nay đã gắn bó với chiếc thang máy 18 năm, chứng kiến bao phát sinh xung quanh thang máy. Nói rộng hơn, Việt Nam vừa đạt cột mốc 100 triệu dân vào quý I/2023, trong đó có 40% dân số sống ở thành thị, hiện đang sử dụng khoảng 400.000 thang máy và nhu cầu lắp mới trên 10.000 thang máy/năm. Thị trường này được Research and Markets định giá gần 362 triệu USD vào năm 2021, đây sẽ là vấn đề nóng của công tác quản lý đô thị nên với tư cách là phóng viên báo Kinh tế và Đô thị (cơ quan của UBND TP Hà Nội) tôi cho rằng đây là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm đúng mức.
Nhà báo Hòa Văn: Theo nhà báo, đâu sẽ là vấn đề nóng của thang máy chung cư hiện nay?
An Thanh: Tôi đã từng tham gia Ban Quản trị (BQT) nhà chung cư nên biết khá nhiều bất cập trong vấn đề vận hành, bảo trì thang máy, nhất là các nhà ở xã hội. Tháng 12/2020, có 38 người mắc kẹt trong thang máy tại Công ty CP Tập đoàn Hoàng Oanh (thôn Bắc, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội). Đội Cảnh sát PCCC và CHCN Đông Anh phải rất vất vả mới giải thoát được người dân. Rồi tình trạng thang máy toà nhà CT1A (khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) hỏng hóc từ năm nay sang năm khác khiến cư dân tại đây lại phải vất vả leo bộ, nhất là với những người ở tầng cao.
Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nơi gia đình tôi sinh sống hiện có 92 tòa chung cư. Nhiều chung cư sử dụng thang Schindler (Thụy Sĩ) có tuổi đời khoảng 20 năm, việc tìm được phụ tùng thay thế là cả một vấn đề lớn nên vận hành, bảo trì thang máy đã và đang là vấn đề người dân đô thị quan tâm.
Mới đây tôi cũng vừa làm bài điều tra tại chung cư Osaka Complex (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải ngừng vận hành thang máy do vấn đề kinh phí bảo trì 2%.
Nhà báo Hòa Văn: Chính điều đó đã thôi thúc nhà báo quan tâm và bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực thang máy?
An Thanh: Không hẳn vậy. Thực ra, Đại hội lần thứ I và Lễ ra mắt Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9/2020 nhưng do nhiều lý do tôi không có mặt. Phải đến tháng 11/2021, khi VNEA thành lập Tạp chí Thang máy và ra mắt ấn phẩm đầu tay với chủ đề “Câu chuyện nghệ thuật trăm năm”, song ngữ Việt – Anh, mới làm tôi chú ý nhiều hơn.
Trước hết phải nói rằng ngay từ khi thành lập, VNEA đã rất quan tâm đến lĩnh vực truyền thông và xây dựng cơ quan ngôn luận của riêng mình. Thêm vào đó, việc có được giấy phép thành lập tạp chí của Hiệp hội vào thời điểm này chưa bao giờ là điều dễ dàng nếu như VNEA không chứng minh được mục đích, năng lực, sự tin cậy,… Điều đó khiến tôi tò mò.
Ngoài ra, khi tham dự Hội thảo “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy Việt Nam” do VNEA chủ trì vào tháng 7/2022 đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Ít có hiệp hội nghề nghiệp từ buổi đầu đã định hướng xây dựng hệ thống đào tạo, đánh giá, nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức cho lực lượng lao động.
Hơn thế, nhiều hoạt động khác của VNEA được thực hiện có phần “âm thầm” nhưng đang hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp đang dần đơm hoa kết trái liên quan đến nghiên cứu và tiếp nhận khoa học, công nghệ từ nước ngoài, phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành để tăng năng suất lao động, xây dựng dịch vụ tốt và hướng tới mục tiêu xuất khẩu thang máy Việt Nam, xuất khẩu chuyên gia lao động ra thị trường quốc tế,…
Với tôi, đó là những điều thật sự đáng quý trong thời buổi kinh tế thị trường khó khăn, ai ai cũng chỉ lo lắng cho bát cơm của riêng mình như hiện nay.
Với góc nhìn của Phó Trưởng BQT chung cư lẫn nhãn quan nhạy bén của cây viết kinh tế, nhà báo An Thanh đã nhập đề buổi đối thoại này theo một cách trực diện. Ông sẽ nói gì với ban đọc sau khi đã có nhiều phóng sự điều tra đã để lại dấu ấn trên Tạp chí Thang máy trong thời gian qua?
Nhà báo Hòa Văn: Theo ông, liệu chăng VNEA ra đời năm 2020 đã đạt được bối cảnh “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”?
An Thanh: Tôi cũng cho là vậy. Quan sát, thu nhập tài liệu về quá trình hình thành và phát triển hơn 100 năm của thang máy Việt Nam cho thấy, nếu như trước kia phần lớn thang máy và thiết bị thang máy đều là sản phẩm nhập khẩu thì giờ đây ngày càng có nhiều doanh nghiệp “dấn thân” vào con đường sản xuất thang máy “Made in Vietnam” và công nghiệp phụ trợ.
Có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, đây là lúc các doanh nghiệp, doanh nhân thang máy phải đứng trong một tập thể, đoàn kết và kết nối để không phải thua ngay trên sân nhà trước các doanh nghiệp nước ngoài, với thang máy nhập ngoại. Đây cũng là lúc quyền lợi của người tiêu dùng cần được đảm bảo bởi một tiếng nói chung. Một thị trường minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ tương xứng với giá trị đầu tư của người tiêu dùng và đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật chính là thị trường mà lĩnh vực nào cũng muốn hướng đến. Nhưng để chạm tay được đến bức tranh toàn cảnh đó, cần có những người tiên phong những bước chân đầu tiên.
Nhà báo Hòa Văn: Ông có thể dẫn chứng chi tiết hơn?
An Thanh: Mới đây, tôi có làm loạt 2 bài về vụ Tổng cục Hải quan truy thu 1,2 tỷ đồng đối với Công ty CP Thang máy Thiên Nam, một công ty thang máy được thành lập từ 1994. Mặc dù Thiên Nam chưa phải là hội viên của VNEA nhưng khi xảy ra vụ việc trên, đại diện của Hiệp hội đã thường xuyên trao đổi với lãnh đạo Thiên Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Đây là một trong những sự việc gần đây nhất cho thấy VNEA đã, đang và sẽ luôn luôn hành động để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành thang máy. Phải hiểu rằng VNEA không chỉ đi cụ thể vào từng sự việc nhỏ lẻ mà từ chính những hiện tượng đó đánh giá tổng quan thị trường, phát hiện những vấn đề tồn tại ở mức độ tổng quát để cùng các cơ quan quản lý nhà nước tìm kiếm và thực thi giải pháp nhằm giải quyết vấn đề của toàn ngành một cách có hệ thống.
Không chỉ doanh nghiệp thang máy mà chính người tiêu dùng, các Ban QLDA, người dân cũng đã và đang quan tâm đến những hoạt động của VNEA. Khi thang máy ngày càng thân thuộc và thiết yếu trong đời sống hàng ngày, bao gồm cả nhu cầu về thang máy gia đình ngày càng tăng cao, người tiêu dùng càng quan tâm hơn về vấn đề an toàn, xuất phát từ chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Nhà báo Hòa Văn: 3 năm kể từ ngày thành lập, theo ông, VNEA đã đạt được những mục tiêu đã đề ra từ khi thành lập như thế nào?
An Thanh: Với một hiệp hội nghề nghiệp tuổi đời còn trẻ nhưng tôi nhận định rằng VNEA đã làm được khá nhiều việc cho ngành thang máy Việt Nam, cả đối nội lẫn đối ngoại.
Việc VNEA trở thành thành viên chính thức của Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) hay các hợp tác song phương giữa VNEA và Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA), Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương Hiệu Việt Nam,… cho thấy các hoạt động hợp tác liên kết đa lĩnh vực, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại… đang hứa hẹn nhiều cơ hội cho ngành thang máy.
Ngoài ra, các đề án về đào tạo nhân lực ngành thang máy, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cơ sở ngành bổ khuyết cho tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia,… đang phát huy vai trò kiến tạo một môi trường kinh doanh thang máy trong sạch, phát triển bền vững với những giá trị cốt lõi tốt đẹp mang lợi ích cho cả người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng. VNEA đang đứng vững trên cả 3 chân để phát triển.
Nhà báo Hòa Văn: Ông có thể nói rõ hơn về “ba chân” của VNEA?
An Thanh: Nói một cách chính xác là đối với 3 nhóm đối tượng trực tiếp trong ngành thang máy là: Người tiêu dùng, Doanh nghiệp và Cơ quan quản lý Nhà nước. Trong thời gian qua, tôi nhận thấy VNEA đã đẩy mạnh được công tác vĩ mô đầu ngành trong đào tạo, nghiên cứu và xây dựng một lộ trình phát triển bền vững cho ngành thang máy. Trong thời gian tới, VNEA cần tiếp cận các vấn đề vi mô, cụ thể hơn như hỗ trợ, tư vấn tốt hơn, rộng hơn cho cả khách hàng, người tiêu dùng – đối tượng khách hàng trực tiếp của thị trường.
Theo đó, VNEA cần có các cuộc khảo sát, đánh giá công tác lắp đặt, bảo hành của các công ty thang máy để giúp người dân chọn được những đơn vị có uy tín trong “thiên la, địa võng” lời mời chào hư hư thực thực như hiện nay. Phần mềm theo dõi chất lượng, thời gian sử dụng thang máy mà VNEA đang triển khai cũng là một hướng đi mà người tiêu dùng đón đợi.
Hiện nay, Tạp chí Thang máy đã có các bài viết hướng dẫn các hồ sơ CO, CQ, Packing List các thiết bị nhập ngoại,… cần có thêm hướng dẫn chi tiết về thời điểm khách hàng được nhận, thời điểm chuyển tiền thanh toán và các điều kiện đi kèm hay các lưu ý chi tiết hơn trong quá trình mua bán, sử dụng.
Như trong sự việc người dân kêu cứu về tình trạng mua thang máy nhưng hơn một năm trời vẫn chưa được sử dụng, vụ việc có nhiều dấu hiệu sai phạm từ dân sự đến hình sự ở cả đơn vị cung cấp thang máy và kiểm định. Nếu không phải là Tạp chí Thang máy hay VNEA – vừa khách quan tìm hiểu, vừa có các chuyên gia trong ngành đánh giá và phân tích thì khách hàng khó nhận biết được những quyền lợi mà mình đang không được đảm bảo.
Từ một sự việc cụ thể đó cũng có thể thấy rằng khách hàng đang phải loay hoay chưa tìm được điểm bám víu chắc chắn. Đó là nơi cần VNEA hành động quyết liệt hơn.
Nhà báo Hòa Văn: Xin cám ơn nhà báo về cuộc trao đổi thú vị này. Hy vọng VNEA sẽ có nhiều thành công mới!
Nội dung: Hòa Văn
Thiết kế: Kim San