TCTM – Tôi luôn được nhiều người khen ngợi về sự chăm chỉ, tinh tế ở nơi làm, nhưng chẳng ai biết được rằng, tôi cũng là một người xấu tính và thiếu văn hóa ra sao trước khi đặt chân tới chỗ làm.
Mỗi buổi sáng đi làm là một cuộc chiến giữa tôi và nhiều nhân viên văn phòng khác bên trong chiếc thang máy. Công ty tôi vào làm việc lúc 8 giờ sáng và nếu không may tôi và đồng nghiệp chấm công muộn thì đồng nghĩa với việc sẽ bị trừ 25% lương ngày hôm đó.
Chưa kể nếu một tháng quá 3 lần đi muộn, tôi còn bị đánh giá là “poor performance” – đại ý là thể hiện kém, hiệu suất kém, và tất nhiên mức phạt sẽ không chỉ dừng ở 25% lương ngày đi muộn. Bởi vậy, cứ tới gần 8 giờ, tôi và vô vàn các nhân viên văn phòng khác chẳng ai nể nang gì ai, tất cả đều phải thật nhanh chân nhanh tay lao về phía máy chấm công.
Và tất nhiên, muốn lọt được vào trận chiến chung kết này, bạn phải vượt qua được vòng loại dưới tầng 1 trước đã, và đây mới là cuộc chiến khốc liệt nhất.
Câu chuyện sẽ không có gì nếu tất cả các máy chấm công đều được đặt tại tầng 1 của tòa nhà, nhưng tiếc thay máy chấm công của công ty tôi lại được đặt ở tầng thứ 17 trong tòa nhà cao 25 tầng. Để lên được tầng 17 thì tôi không thể nào lê lết thân xác này bằng chiếc thang bộ được, mà có lên được chắc ba bữa tôi cũng sợ hãi và phải xin nghỉ làm vì tụt huyết áp.
Tôi hoàn toàn ý thức được “vật chất” đã quyết định “ý thức” của tôi ra sao. Tôi có thể làm tất cả để có thể nhanh chóng chen chân vào thang máy, lên công ty chấm công đúng giờ và không bị trừ lương, bất chấp việc mình có trở nên xấu tính thế nào trong mắt người khác.
Bí quyết của tôi để có thể vào thang máy dù mình không phải là người đứng chờ đầu tiên chính là nhắm mắt nhắm mũi mà vượt hàng chen vào, chẳng cần quan tâm mình là người đến trước hay đến sau, người bên trong thang máy ra hay chưa, việc của tôi là len vào càng sâu càng tốt.
Chắc bạn lại hỏi, len vào sâu làm gì? Khi đoàn người nhung nhúc ổn định thì cái thang máy đó có thể phát ra tín hiệu kêu cứu “tít tít”, báo hiệu quá tải bất cứ lúc nào. Nếu đứng ngay bên ngoài thì rõ ràng tôi sẽ là người phải ra ngoài chứ sao, vậy nên càng ở bên trong càng tốt, càng an toàn.
Và để không xấu hổ với hành động vừa rồi thì cứ đeo lấy cái tai nghe bật nhạc thật to, khẩu trang kín mít, thế là chẳng ai biết mình là ai và mình cũng chẳng biết người ta nói gì, ai lèo nhèo thì mỏi miệng người đó. Còn nếu ngày nào mà quên mang cả hai thì cứ cúi gằm vào điện thoại, xong tỏ vẻ khó chịu, bận bịu gì lắm rồi người ta nhìn thấy vậy cũng tặc lưỡi mà tự ôm cục tức rồi bỏ qua thôi.
Mỗi lần bước vào thang máy, nhìn hơn chục con người bị bỏ lại bên ngoài (có cả người đứng đợi thang trước cả tôi), tôi cũng hơi áy náy nhưng nghĩ tới việc kịp chấm công trước 8 giờ sáng thì lòng tôi cũng lại mừng thầm.
Tôi đọc không ít những bài viết nói về văn hóa đi thang máy phải ra sao hay cả những bài viết bóc mẽ, lột trần những hành vi thiếu văn hóa khi đi thang máy như không xếp hàng, lao vào thang máy mà không chờ người trong thang đi ra, “ăn to nói lớn” trong thang máy… Mỗi lần đọc tôi cũng hơi cảm thấy chạnh lòng, nhưng cứ đến gần 8:00 sáng hôm sau, đứng trước cửa thang máy và nghĩ về máy chấm công thì tôi lại chẳng còn nhớ đến những gì mình đã đọc và đã từng tự nhủ “cố gắng rút kinh nghiệm lần sau”.
Cái gì lâu rồi cũng thành nếp. Tôi thích đi thang máy một mình, thường là vào thời điểm giữa lúc làm việc hoặc gần sát giờ nghỉ. Nếu thấy ai đó đang lao tới, tôi sẽ cố tình lờ đi, thậm chí bấm đóng cửa thật nhanh, mặc kệ cho người bên ngoài nói vọng lại “Ơ bạn gì ơi! Chờ tôi với”…
Lúc nào rảnh rang, muốn câu thời gian một chút, tôi còn bấm thang máy khắp các tầng, giống như mấy bà hay bế cháu để dỗ ăn cơm ở khu chung cư tôi ở để giải trí thử xem có gì thú vị không.
Nhưng suy đi tính lại thì có lẽ tôi là người còn “văn hóa” hơn nhiều người khác khi đi thang máy. Thang máy vào giờ cao điểm luôn trong tình trạng đông đúc. Có lần, tôi đang đứng thì bị chiếc balo của một thanh niên đứng trước “đập” vào mặt, chưa kể anh ta chẳng đứng yên, cứ quay ngang quay ngửa như đang cố tìm một vị trí đủ rộng để đứng, sợ việc phải đứng gần người khác.
Mặc dù tôi và các khách đứng gần đó đề nghị bỏ balo xuống sàn nhưng cậu ta vẫn không quan tâm và còn lẩm bẩm: “Có luật nào cấm việc đeo balo khi đi thang máy?”.
Cũng có không ít người xem thang máy – một nơi công cộng, như là phòng riêng của mình. Họ có thể cười đùa hô hố với đám bạn; nói chuyện điện thoại ầm ầm, đôi khi còn bật loa ngoài để cho tất cả mọi người nghe thấy,… Đấy là chưa kể tòa nhà văn phòng nơi tôi làm thi thoảng lại có các cặp đôi hẹn hò nhau đi ăn trưa rồi bước vào thang máy làm mấy hành vi thân mật bất chấp sự khó chịu của người đi cùng.
Thậm chí, đôi lúc trong thang máy, tôi còn thấy mấy gã vô duyên luôn nhìn chằm chằm vào chị em phụ nữ với ánh mắt đầy phán xét. Không dừng lại ở việc ngắm nhìn, chẳng ít trường hợp bị lan truyền clip ghi lại hành động sờ soạng, đụng chạm chị em nhân lúc thang máy không có người rồi khi cửa thang mở ra thì vội vàng chạy trốn.
Kể tới đây thì hẳn là các bạn đã thấy sự vô duyên của tôi cũng có điểm dừng hơn nhiều người khác.
Đôi lúc, buổi sáng tôi và không ít người vội vàng vào thang máy để lên gặp cái máy chấm công ở những tầng cao hơn, thì không ít người cố gắng chen vào thang máy chỉ để dừng ở tầng 2, tầng 3. Mỗi lần như thế, tôi và nhiều người khác đi cùng đều nhìn xuống đồng hồ, đếm từng giây và khó chịu vì sợ muộn giờ làm.
Thang máy mang đến cho người ta nhiều tiện ích nhưng cũng mang đến cơ hội đi một, hai tầng mà không cần leo thang bộ cho đám người lười biếng.
Tôi là người chẳng bao giờ sẵn sàng là người bị bỏ lại khi tất cả đã được vào thang máy. Do đó, tôi luôn cố chen vào tận bên trong thang để phòng hờ trường hợp thang báo quá tải. Nhưng nếu thang báo quá tải mà hôm đó tôi xui rủi thế nào phải đứng ngay ngoài thì cũng phải lẳng lặng mà đi ra ngoài chờ chuyến sau.
Thế nhưng, nhiều người đi thang máy như bỏ quên mất não và kiến thức an toàn tối thiểu khi ở nhà, thang máy kêu tít tít liên hồi nhưng vẫn không buồn ra hay chẳng thèm quan tâm tới thang đang chật cứng, nhét quá số người quy định được dán trên vách cabin. Thậm chí, nếu gặp người quen, họ còn thản nhiên buông câu “cứ vào đi, không sao đâu, nó kêu chán rồi thôi…”. Miệng thì nói, tay thì kéo bạn vào rồi bấm liên tục vào nút đóng cửa.
Kết quả là, cả đám đông bị kẹt trong chiếc thang phải trở số lượng người vượt tải trọng quy định. Tới lúc cả lũ ngồi chờ cứu hộ tới thì có người còn cố gân cổ lên đổ tội cho cái thang.
Tôi đã nghe nhiều về văn hóa thang máy của người Nhật Bản, ở Việt Nam thời gian gần đây tôi cũng được tiếp xúc rất nhiều qua những bài viết truyền thông, báo đài. Thế nhưng trong suy nghĩ của tôi, văn hóa thang máy vẫn là một điều có vẻ xa xỉ với nhiều người. Sự xa vời của văn hóa thang máy có thể đến từ việc bị hoàn cảnh ép buộc, bản chất con người đã nhiều thói xấu, không biết đó là sự thiếu văn hóa… hay như tôi, biết xấu nhưng khó lòng mà sửa.
Có thể ít ai ngờ rằng, cái hộp đi lên đi xuống ấy là nơi tổng hòa của đủ loại người, phản chiếu đủ kiểu tính cách khác nhau. Chẳng hạn như sự kiên nhẫn chờ đợi, xếp hàng thể hiện việc bạn là người có biết nhường nhịn hay luôn kèn cựa, cạnh tranh. Việc giữ yên lặng, trò chuyện nhẹ hàng hay “ăn to nói lớn” trong thang máy cũng phần nào thể hiện bạn là người sống khép mình hay luôn thích bon chen, nổi bật giữa đám đông.
Hay thậm chí, thang máy cũng là nơi bộc lộ khả năng làm quen với người lạ, kỹ năng giới thiệu bản thân trong vài giây ngắn ngủi mà người ta thường gọi là một phần của Elevator Pitch,…
Nhìn chung, để hiểu rõ về tính cách của ai đó thì cần phải tiếp xúc và tương tác nhiều hơn trong các tình huống khác nhau. Sự đánh giá tính cách qua việc đi thang máy là chủ quan và có thể không chính xác, nhưng có lẽ ai cũng từng nghĩ mình là một người đi thang máy bình thường cho tới khi đọc câu chuyện của tôi và soi thấy mình trong đó.
Với tôi, tính xấu trong thang máy có thể lây lan. Lúc mới đi làm ở đây, tôi cũng biết ý là phải xếp hàng, giữ yên lặng khi đi thang máy,… nhưng sau một vài lần thì tôi đã biết cách chen vào thang máy giờ cao điểm khi thấy người xung quanh cũng vậy, hay đi với lũ bạn đang nói chuyện rôm rả thì tôi cũng phải “bon mồm” nói theo.
Sự văn minh trong thang máy cũng có thể lan tỏa theo cách như thế, nhưng có vẻ sẽ khó và lâu thẩm thấu hơn. Bạn không thể lựa chọn thang máy để đi, nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn cách ứng xử trong thang máy. Bạn có thể từng bước thực hiện những quy định bất thành văn như trong bài viết “Văn hóa đi thang máy tại nơi công cộng” thay vì trở thành một người thiếu văn hóa di chuyển trong một phương tiện công cộng hiện đại.
Bài viết này không đơn thuần là câu chuyện tự sự của riêng tôi. Nó là dành cho bạn, để tự soi mình, ngẫm nghĩ và thay đổi.
Phương Linh
Thông tin mới cập nhật