TCTM – Ngoài quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của thang máy, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới trình độ, chất lượng của kỹ thuật viên thực hiện trực tiếp các công việc lắp đặt, sửa chữa và bảo trì thang máy.
Với xu hướng phát triển của xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, việc lắp đặt thang máy tại các tòa nhà gia đình ngày càng phổ biến và thông dụng. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường cung cấp đa dạng các dòng thang máy gia đình thuộc các phân khúc khác nhau.
Người tiêu dùng có thể tìm mua thang máy dựa trên việc so sánh các yếu tố chất lượng, giá thành và mẫu mã sản phẩm để lựa chọn công ty lắp đặt cho gia đình mình. Tuy nhiên, hầu hết, các gia đình khi chọn mua thang máy hoặc thuê đơn vị sửa chữa, bảo trì đều tập trung vào chi phí, chất lượng và bỏ qua yếu tố con người.
Có lẽ, việc đặt ra câu hỏi trên đã khiến không ít gia chủ phải “giật mình” bởi đây là vấn đề mà hầu hết người tiêu dùng chưa bao giờ nghĩ tới. Và kết quả là, có rất nhiều sự vụ rắc rối liên quan tới chiếc thang máy mà không ít khách hàng gặp phải trong quá trình lắp đặt, sửa chữa và sử dụng.
Tại các gói đấu thầu công, gần như tất cả các hồ sơ mời thầu đều được xây dựng một cách bài bản từ quy định kỹ thuật tới những yêu cầu về con người. Có những gói thầu, nhân viên lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thang máy cần phải tốt nghiệp trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan như điện/cơ-điện/ tự động hóa,…
Hay thậm chí, nhiều bên còn đưa ra những yêu cầu liên quan tới Chứng chỉ đào tạo về thang máy do hãng thang máy cung cấp, Chứng chỉ về an toàn lao động,… và cả số năm kinh nghiệm, số năm hợp đồng lao động.
Song, đấy là những bộ hồ sơ mời thầu được xây dựng một cách bài bản, còn đối với việc lắp đặt, sửa chữa hay bảo trì thang máy tại các hộ gia đình thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hầu hết, người tiêu dùng đều chỉ tập trung vào yếu tố chất lượng thang máy mà quên đi chất lượng con người.
Hậu quả là hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên quan tới thang máy đã xảy ra. Điển hình như vào tháng 4/2023, một nhân viên lắp đặt thang máy cho một công trình tại tỉnh Vĩnh Phúc bị ngã từ tầng 5 xuống đất dẫn đến đa chấn thương (chấn thương sọ não, gãy xương sườn,…).
Hay vào tháng 5/2022, vụ rơi cabin thang máy từ tầng 7 ở một căn nhà trong ngõ 523 Kim Mã, Hà Nội trong quá trình sửa chữa đã cướp đi sinh mạng của hai người thợ, và còn rất nhiều vụ tai nạn lao động khác.
Bên cạnh những vụ tai nạn lao động, cũng không ít trường hợp nhân viên kỹ thuật có trình độ yếu kém, không đủ năng lực khiến cho qua trình lắp đặt thang máy kéo dài, thang máy khi hoạt động gặp phải nhiều vấn đề sự cố, gây nguy hại cho người tiêu dùng.
Hay thậm chí có những công ty thang máy thuê nhân viên kỹ thuật bên ngoài để làm khoán, làm theo công trình để lắp đặt thang máy cho khách hàng. Với hình thức này, không ai đảm bảo cho vấn đề nhân viên đó có đủ trình độ hay không, có trách nhiệm nghiêm túc với công việc được thuê, khoán hay không?
Tại mục 3.5.2 thuộc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy (ký hiệu: QCVN 02:2019/BLĐTBXH) có đưa ra những quy định liên quan tới trách nhiệm của các đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy.
Trong đó, liên quan tới yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề, QCVN 02:2019 đưa ra quy định: “Phải bố trí người am hiểu về nguyên lý cấu tạo của thang máy, được huấn luyện về an toàn lao động và nắm bắt được các kỹ năng để thực hiện các công việc liên quan đến việc lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy”.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể liên quan tới rà soát năng lực, kiểm tra, đánh giá năng lực và đào tạo bổ sung cho nhân lực trong ngành thang máy. Việc đào tạo kỹ năng trong lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy chưa thực sự được quan tâm, chưa được chuẩn hóa về chất lượng tay nghề của lao động.
Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có cơ sở đào tạo nào được cấp phép đào tạo ngành thang máy một cách chính quy, bài bản. Trong khi chưa có chương trình đào tạo, trường đào tạo chuyên ngành kỹ thuật thang máy, các doanh nghiệp thường phải tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành như điện, điện tử, điều khiển tự động,… ở các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật sau đó tự mở các khóa đào tạo nhân lực.
Bên cạnh những lợi ích, việc tự đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp thường đi theo “mạnh ai nấy làm”, không theo một khung năng lực đào tạo, đánh giá, sát hạch. Và không có một cơ quan nào đảm bảo rằng những khóa đào tạo nội bộ này đã có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Có 3 lĩnh vực cần được tiêu chuẩn hoá để hướng đến sự phát triển toàn diện của ngành thang máy: sản phẩm, nhân lực và giám định.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, Hiệp đội đã tiên phong trong việc tiến hành hợp tác với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cấp chứng chỉ nhằm mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy.
Điển hình như Hiệp hội Thang máy Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thành lập Trung tâm đào tạo nghề Kỹ thuật Thang máy. Thông qua khóa học, các học viên được đào tạo theo một chương trình khung bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu về nguyên lý thang máy, lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa thang máy…
Các học viên còn được trang bị các kiến thức tổng hợp về an toàn thang máy, cứu hộ, xử lý tai nạn thang máy… Đạo đức nghề nghiệp cũng là một phần quan trọng để giúp học viên nâng cao trách nhiệm đối với bản thân, khách hàng và cộng đồng.
Học viên được đào tạo theo phương pháp Learning by doing (Học qua thực hành)
Các học viên được đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội
Một buổi đào tạo kỹ thuật thang máy tại Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy
Một đơn vị trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam ngoài chức năng nghiên cứu ứng dụng thang máy cũng có các kế hoạch đào tạo lâu dài. Đó là Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy, tuy mới được thành lập nhưng đã có những kế hoạch dài hơi. Một trong những kế hoạch đó là tổ chức đào tạo về kỹ thuật thang máy.
Bên cạnh đào tạo lý thuyết, học viên sẽ được tiếp cận phương pháp đào tạo Learning by doing (Học qua thực hành), tức là thực hành với các sản phẩm thang máy thực tế với các công nghệ truyền động khác nhau như thang cáp kéo, thang thủy lực cùng với một số mô hình cửa thang liên động.
Viện còn liên kết với một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội để học viên có dịp chứng kiến, học tập, tích lũy kinh nghiệm tại hiện trường một số công trình có lắp đặt thang máy dưới hình thức Training on job (Đào tạo trong công việc thực tế)”.
Ngoài Hiệp hội Thang máy Việt Nam, một số doanh nghiệp trong ngành cũng thực hiện liên kết đào tạo với các trường dạy nghề như Kone hợp tác với Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM và Đại học Xây dựng Hà Nội; Schindler liên kết với Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng,…
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc đào tạo nhân lực cho ngành thang máy lại được chú trọng nhiều hơn. Chẳng hạn như tại Mỹ, các kỹ thuật viên được đào tạo trong chương trình học nghề kéo dài 4 năm.
Trong quá trình học, học viên được làm việc với các chuyên gia thang máy kinh nghiệm. Sau khi hoàn thành chương trình học nghề, học viên được cấp bằng tốt nghiệp và giá trị bằng cấp được công nhận trên toàn quốc.
Các tổ chức như Hiệp hội các nhà thầu thang máy quốc gia (NAEC), Hiệp hội Công nghiệp Thang máy Quốc gia (NEII), Hiệp hội Cơ quan An toàn Thang máy Quóc tế (NAESA) cũng cung cấp các khóa học đào tạo thực hành về chuyên ngành thang máy.
NAEC cung cấp hai loại chứng nhận tự nguyện gồm: Chứng nhận kỹ thuật viên thang máy (CET) và Chứng nhận kỹ thuật viên thang máy tư nhân và khả năng tiếp cận (CAT).
Quá trình cấp chứng chỉ bao gồm chương trình học kéo dài 2 năm, sau đó là kỳ thi lấy chứng chỉ. Các bài tập của các môn học là sự kết hợp giữa bài tập trong sách giáo khoa, bài tập trên Internet và quy trình xác minh kỹ năng thực tế.
Hình ảnh giấy Chứng nhận kỹ thuật viên thang máy (CET) do NAEC cấp
Trong khi đó, NEII hợp tác với Hiệp hội Nhà thầu Thang máy Quốc tế (IUEC) tổ chức các khóa đào tạo nằm trong Chương trình giáo dục công nghiệp thang máy quốc gia (NEIPE). Còn NAESA cung cấp chứng nhận Thanh tra thang máy đủ điều kiện (QEI).
Mặc dù những chứng nhận này là hoàn toàn tự nguyện, song hầu hết các tiểu bang tại Mỹ đều yêu cầu giấy phép, bằng cấp cho kỹ thuật viên thang máy và chứng nhận như trên. Một số doanh nghiệp lớn cũng ưu tiên
Ngoài ra, một số nhà tuyển dụng lớn nhất thích thuê các kỹ thuật viên thang máy được chứng nhận. Giấy chứng nhận phải được gia hạn hàng năm.
Hay tại Hàn Quốc, để đào tạo ra nhân lực riêng cho ngành thang máy, quốc gia này đã thành lập riêng một trường đại học tư thục mang tên Cao đẳng Thang máy Hàn Quốc (Korea Lift College).
Mỗi năm, đơn vị này đào tạo khoảng hơn 600 kỹ sư thang máy với các khoa thang máy công nghiệp hướng tới doanh nghiệp sản xuất và các khoa thang máy ứng dụng để phục vụ cho việc quản lý thang máy, lắp đặt thang máy,…
Ngoài đơn vị này, tại Hàn Quốc cũng có nhiều cơ sở đào tạo ngành kỹ thuật thang máy như: Cao đẳng Kunjang, Cao đẳng Gumi, Cao đẳng Dongwon, Cao đẳng Kimpo,…
Có thể thấy, việc tiêu chuẩn hóa ngành thang máy từ khâu sản xuất, thiết kế đến chuẩn hóa con người là điều vô cùng quan trọng, được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng.
Tại Việt Nam, cũng đã có một số đơn vị cấp Chứng chỉ đào tạo chuyên ngành thang máy tự nguyên để nâng cao kiến thức, tay nghề. Thông qua đó, người lao động được đào tạo bài bản, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để quá trình làm việc đảm bảo an toàn, chính xác.
Về phía người tiêu dùng, bên cạnh việc xem xét yếu tố chất lượng thang máy, giá thành sản phẩm. Tạp chí Thang máy hi vọng, thông qua những thông tin được đề cập bên trên, người tiêu dùng sẽ chú trọng hơn trong việc tìm ra đáp án cho câu hỏi: “Ai đang lắp đặt, sửa chữa và bảo trì thang máy cho gia đình bạn?”
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật