TCTM – Ngay sau đợt thanh tra với kết luận phải nộp truy thu thuế nhập khẩu tổng lên đến hơn 1,2 tỷ đồng, ngày 28/7/2023, ông Trần Thọ Huy – Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam đã có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan và Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam.
Sở dĩ có việc Công ty CP Thang máy Thiên Nam bị Đoàn Thanh tra của Tổng cục Hải quan truy thu hơn 1,2 tỷ đồng bắt đầu từ việc hải quan cho rằng đơn vị đã áp sai mã HS, dẫn đến việc áp thuế chưa đúng.
Đọc chi tiết tại: Tại sao thang máy Thiên Nam bị truy thu thuế nhập khẩu hơn 1,2 tỷ đồng?
Công văn kiến nghị của Thiên Nam nhấn mạnh “Đoàn kiểm tra có thể không sai nhưng chúng tôi cho là không phù hợp cần có quyết định lại”.
Theo đó, HS là viết tắt của Harmonized Commodity Description and Coding System, có nghĩa là “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” là hệ thống phân loại hàng hóa được buôn bán, xuất nhập khẩu trên thế giới. Hệ thống này được đưa vào sử dụng từ năm 1988 và do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) quản lý, cập nhật. Các quốc gia khi tham gia ký Công ước HS (1983) đều sử dụng hệ thống này để xây dựng hệ thống phân loại hàng hóa của mình.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Thiên Nam hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần xác định đúng mã số HS của mặt hàng để xác định đúng về chính sách, thuế, thủ tục nhập khẩu,… Việc xác định chi tiết mã HS của một mặt hàng phải căn cứ vào tính chất, thành phần cấu tạo,… của hàng hóa thực tế nhập khẩu. Theo quy định hiện hành, căn cứ để áp mã HS vào hàng hóa thực tế nhập khẩu tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và kết quả giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan được xác định là cơ sở pháp lý để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo ông Trần Thọ Huy, cáp điện thang máy mà Thiên Nam nhập về có điện áp 300V7/500V, có vỏ bọc cách điện là PVC (nhựa cách điện), là sản phẩm chuyên dùng cho thang máy không phải loại dây tín hiệu thông thường, chính vì thế Công ty Thang máy Thiên Nam khai báo mã số với HS code 8544.49.49 (dây tín hiệu loại khác) và gửi kèm catalogues từ nhà sản xuất.
Hình ảnh loại cáp điện và các thông số kỹ thuật mà Thiên Nam nhập khẩu trên website catalogues của nhà sản xuất mà Thiên Nam gửi kèm theo trong công văn
Trong đơn kiến nghị, vị Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam còn nêu: “Chúng tôi được biết tất cả các công ty hoặc sản xuất, hoặc nhập thương mại về bán cho các công ty sản xuất, bảo trì thang máy cũng khai báo mã số nêu trên (8544.49.49 – PV) cũng với thời gian nhiều năm nay và vẫn được chấp nhận.”
Trong khi đó, Đoàn Thanh tra Tổng cục Hải quan lại cho rằng dù là cáp điện chuyên dùng cho thang máy (traverling cable) nhưng có cấp điện áp 80-1000V, có bọc vỏ cách điện PVC nên phải áp mã HS: 8544.49.41, mã HS này thuộc mặt hàng nhập từ Trung Quốc (C/O form E) có thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 10% (các năm 2018, 2019) và 5% (từ năm 2020 đến nay).
Bàn về 4 kiến nghị của Thiên Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thang máy khi trao đổi với Tạp chí Thang máy đều đồng tình cao. Ai cũng thấy sự bất hợp lý khi thuế suất nhập khẩu thang máy nguyên chiếc hiện nay đang là 0% với một số quốc gia có ưu đãi đặc biệt, nhưng thuế suất nhập cáp điện thang máy lại ở mức 5% nếu áp theo mã như kết luận thanh tra.
Bảng đối chiếu mức thuế suất các mã HS đối với thang máy chở người nhập khẩu nguyên chiếc và 2 mã HS trong sự việc của Thang máy Thiên Nam
Mức thuế suất như kể trên có thể khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc thang máy từ nước ngoài thay vì tìm cách tăng tỷ lệ sản xuất, chế tạo trong nước để tạo giá trị gia tăng, số lượng việc làm cũng như thương hiệu Việt, không tạo điều kiện cho ngành sản xuất thang máy nói riêng và các ngành kinh tế nói chung cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, đi ngược lại chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Đảng phát động.
Chưa kể, không chỉ Thiên Nam mà sẽ có nhiều công ty thang máy khác đã nhập cáp điện cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự khi hải quan kiểm tra và được yêu cầu áp mã HS 8544.49.41. Sản phẩm đã được bán ra với các tính toán về giá liên quan đến chi phí sản xuất đầu vào bao gồm cả thuế phí, giờ hậu kiểm truy thu thuế nhập khẩu thì có thể có những công ty đang lãi chuyển thành lỗ, đẩy họ đến bờ vực phá sản. Đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, khi ngành thang máy Việt Nam còn non trẻ đang phải gượng dậy sau đại dịch COVID-19 và những đứt gãy của thị trưởng bất động sản, xây dựng.
Trước những bất cập này, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã và đang tiến hành tập hợp các vấn đề một cách có hệ thống để chính thức kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài việc đề nghị phân loại cáp điện chuyên dụng này vào nhóm “Loại khác” thì Công ty Thiên Nam cũng đề xuất Bộ Công Thương có thể phân loại cáp chuyên dụng cho thang máy này vào nhóm Phụ tùng thang máy mã HS 8431.31.20 có mức thuế suất 0% với hơn 100 loại linh kiện, thiết bị liên quan sử dụng cho ngành sản xuất thang máy. Diễn biến thuế suất của mã HS này trong 5 năm qua tại hầu hết các quốc gia có ưu đãi đặc biệt đều không thay đổi nhờ các hiệp ước kinh tế giữa các quốc gia này với Việt Nam hoặc Đông Nam Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Úc – New Zealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu và các nước thành viên,…)
Diễn biến thuế suất tra cứu trong 5 năm qua với mã HS 8431.31.20 đều ở mức 0% với hơn 100 loại linh kiện, thiết bị liên quan sử dụng cho ngành sản xuất thang máy
Ông Trần Thọ Huy – Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam – hơn 40 năm trăn trở với ngành thang máy Việt
Như vậy, một chính sách có thể khiến một ngành công nghiệp hóa rồng, nhưng cũng có thể “bẻ lái” tạo ra toàn những “con buôn”.
“Trong hoàn cảnh kinh tế đang có giai đoạn khó khăn, ngành xây dựng cả nước đang sụt giảm, ngành thang máy của công ty chúng tôi không thể có lợi nhuận – năm 2021 còn có khoản lỗ đáng kể do sau dịch Covid và sự sụt giảm thị trường khiến công ty chúng tôi luôn ở vào tình thế có thể có nợ xấu với ngân hàng, sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi sản xuất khi thị trường phát triển trở lại. Một doanh nghiệp có thương hiệu được xây dựng trong 30 năm qua có thể bị “cú sốc” bất ngờ quật ngã: báo cáo lỗ, nợ khiến ngân hàng khó vay.” – Nội dung công văn ông Trần Thọ Huy nêu.
Tác giả: An Thanh
An Thanh
Thông tin mới cập nhật