TCTM – Quy định này cần được cơ quan quản lý thực hiện bắt buộc thông qua Luật Xây dựng hoặc quy định về thang máy tương tự như các quy định yêu cầu về số lượng thang máy theo lượng cư dân hay sự cần thiết của thang máy phòng cháy chữa cháy.
Gần đây, tôi đã tiến hành kiểm tra độ an toàn của thang máy trong một khu chung cư 33 tầng. Tôi ngạc nhiên là không có thang máy tải cáng trong bất kỳ tòa nhà nào. Nhưng chúng tôi không thể lên tiếng yêu cầu vì không có quy định hiện hành nào bắt buộc phải có thang máy tải cáng tại các tòa nhà cao tầng.
Không có quy tắc thang máy, quy tắc phòng cháy chữa cháy hoặc tiêu chuẩn thành phố nào về việc có thang máy tải cáng cho các tòa nhà cao tầng, ngoại trừ Luật NBC 2016 (National Building Code of India – Luật Xây dựng Quốc gia của Ấn Độ), chỉ khuyến nghị cần có một thang máy kích thước lớn hơn để chứa cáng.
Điều này buộc tôi phải kêu gọi sự chú ý của các kiến trúc sư, nhà xây dựng, cơ quan chính phủ phê duyệt tòa nhà, cơ quan kiểm tra thang máy và người sử dụng về nhu cầu của thang máy tải cáng và tầm quan trọng của nó.
Chúng ta có thể tưởng tượng các tình huống như một bệnh nhân đang truyền glucose/máu/oxy hoặc cơ thể của một người đã tử vong cần được chuyển từ tầng trệt lên tầng trên hoặc ngược lại.
Việc không có thang máy tải cáng có đang khiến tình huống di chuyển một bệnh nhân trở nên khó khăn? Và nó có thể là vô nhân đạo và thiếu tôn trọng đến mức nào khi di chuyển thi thể của một người đã khuất?
Trong nền văn hóa của chúng ta, cơ thể của người quá cố luôn được tôn trọng. Nhưng hãy nghĩ đến tình huống do thiếu không gian, bằng cách nào đó, nó được thực hiện trong không gian hạn chế có sẵn của cabin thang máy.
Thông thường trong các tòa nhà cao tầng, người xây dựng hoặc người sử dụng chỉ định một thang máy là thang máy tải hàng hoặc tải khách (thang máy dịch vụ). Nhưng kích thước bên trong của thang máy tải khách được lựa chọn không phải lúc nào cũng đủ để chứa cáng.
Kích thước của cabin thang máy tải cáng tiêu chuẩn là rộng 1000mm x sâu 2400mm và kích thước ống thang máy cần thiết để chứa thang máy cáng tối thiểu rộng 1800mm x sâu 3000mm.
Nếu chúng ta so sánh không gian tòa nhà cần thiết cho thang máy tải cáng và thang máy tải 13 hành khách tiêu chuẩn, thì khoảng 0,64m2, không là gì so với diện tích xây dựng tổng thể của bất kỳ tòa nhà cao tầng nào.
Diện tích thang máy tải 13 hành khách yêu cầu là 2,5m x 1,9m, trong khi yêu cầu thang máy cáng là 1,8m x 3,0m. Sự khác biệt chỉ là 0,64m2.
Chi phí chênh lệch giữa thang máy tải khách tiêu chuẩn 13 người và thang máy tải cáng cũng không nhiều. Diện tích giếng thang máy không được xem xét theo FSI (Floor Space Index – Chỉ số diện tích sàn) của tòa nhà và do đó, diện tích sử dụng cho thang máy không phải là vấn đề đối với nhà xây dựng ngoại trừ một sự khác biệt nhỏ về chi phí.
Tuy nhiên, chúng tôi thỏa hiệp với các vấn đề thực tế và gây bất tiện lớn cho người dùng. Có nơi quy định kích thước cabin thang máy theo yêu cầu tải cáng nhưng khả năng chịu tải của thang chỉ là 8 người. Điều này phục vụ mục đích của yêu cầu thang máy tải cáng đồng thời giúp tiết kiệm một số tiền do giảm công suất/tải trọng.
Lối tắt hoặc cách tiếp cận thông minh này tiềm ẩn vấn đề và đôi khi dẫn đến tai nạn. Bởi lẽ với không gian rộng lớn, hành khách sẽ cố gắng vào thang máy nhiều nhất có thể. Nhưng máy móc và các thiết bị khác được thiết kế cho tải chỉ bằng cáng, bệnh nhân và người phục vụ nên nó không thể chịu mức tải thực tế. Việc này dẫn đến tình trạng thang máy dừng đột ngột hoặc tai nạn nghiêm trọng.
Cách đây một thời gian, có một vụ tai nạn được báo cáo ở Mumbai (Ấn Độ) khi một chiếc thang máy quá tải bị rơi xuống. Điều này xảy ra là do thang máy có kích thước lớn hơn để chứa cáng nhưng công suất của nó rất nhỏ so với khả năng chịu tải cần thiết cho thang máy tải cáng. Cách tốt nhất và dễ dàng nhất để khắc phục vấn đề trên là bắt buộc cung cấp thang máy tải cáng thông qua các quy định về thang máy của cơ quan quản lý.
Lời tòa soạn: Vấn đề được tác giả Rajnikant Lad đề cập đến trong bài viết trên cũng là một thực tiễn bất cập chưa thể giải quyết tại Việt Nam. Ước tính tại Việt Nam có hơn 3000 tòa nhà chung cư, quy tụ số lượng dân cư đông đảo. Rõ ràng các tình huống có người đột quỵ, bị thương nặng, cần truyền máu/oxy,… hay trong các tình huống hỏa hoạn, thiên tại khiến người bị thương cần đưa người đi cấp cứu thì việc không có thang máy tải cáng (còn gọi là thang máy bệnh viện hay thang máy vận chuyển băng ca cấp cứu) gây khó khăn không ít.
Theo quy định tại Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BXD quy định việc lắp đặt thang máy trong tòa nhà chung cư yêu cầu:
Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp từ 5 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, từ 10 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
CHÚ THÍCH: Trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có thang máy, tối thiểu phải có 1 thang máy chuyên dụng có kích thước thông thủy của cabin đảm bảo vận chuyển băng ca cấp cứu.
Còn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7628-1:2007 về Lắp đặt thang máy – Phần 1: Thang máy loại I, II, III và VI có nêu về kích thước thang máy bệnh viện (thuộc thang máy loại III – Thang máy được thiết kế cho mục đích chăm sóc sức khoẻ, bao gồm: thang máy bệnh viện và thang máy trong khu điều dưỡng) có nêu:
– Cabin cho thang máy có tải định mức 2500kg đặc biệt phù hợp cho thang máy bệnh viện có kích thước 1000mm x 2300mm, cho người phục vụ và thiết bị y tế đi kèm.
– Cabin cho thang máy có tải định mức 2000kg dành cho thang bệnh viện có kích thước 1000mm x 2300mm (người phục vụ) nhưng không có thiết bị y tế đi kèm.
– Cabin cho thang máy có tải định mức 1600kg phù hợp với thang máy vận chuyển giường bệnh có kích thước: 900mm x 2000mm;
– Cabin cho thang máy có tải định mức 1275kg phù hợp với thang máy vận chuyển giường bệnh có kích thước 900mm x 2000mm dùng trong các khu điều dưỡng.
Trong thực tế, nhiều tòa nhà chung cư cao tầng dù có hệ thống thang máy đồ sộ nhưng không có thang máy tải cáng. Như tòa chung cư 39 tầng ngay tại Hà Nội, mỗi tầng 12 căn hộ và có đến 7 thang máy bao gồm 5 thang tải người và 2 thang tải hàng nhưng không có thang nào được thiết kế theo thông số kỹ thuật của thang máy tải cáng. Có chăng, kích thước cabin của thang máy tải hàng có thể vừa băng ca cấp cứu nhưng không thể kèm thêm người, và những loại thang tải hàng này cũng chưa chắc đáp ứng được yêu cầu an toàn để tải người.
Nhu cầu sử dụng thang máy cáng trong di chuyển bệnh nhân cấp cứu tại các tòa nhà này là vô cùng cấp thiết, dù đã được nếu trong trong quy định nhưng thực tế lại chưa thực hiện đúng.
Tác giả Rajnikant Lad là một nhà tư vấn thang máy có trụ sở tại Thane. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Jabalpur Madhya Pradesh năm 1982 và đã thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tai nạn thang máy ở Ấn Độ trong 35 năm qua. Ông là thành viên của cuộc nghiên cứu về xu hướng bảo trì thang máy trên thị trường thang máy Ấn Độ với sự hợp tác của ValueNote Database, Ltd. Ông là thành viên tích cực của Hội đồng An toàn Quốc gia (The National Safety Council) và Hiệp hội Tín nhiệm và An toàn (Society for Reliability and Safety). Ông đã gắn bó với ngành công nghiệp thang máy hơn 4 thập kỷ.
Thông tin mới cập nhật