TCTM – Liệu bạn có từng đặt ra câu hỏi rằng tại sao bỗng nhiên thế giới lại có thang máy và hàng loạt những tòa nhà chọc trời gần nghìn mét mọc lên?
Chắc hẳn bạn đã từng xem bộ phim nào đó có cốt truyện một người xuyên không từ không-thời gian này sang không-thời gian khác. Nếu ít cỡ vài chục năm, chúng ta sẽ thấy nhân vật vật lộn với những sự khác biệt về công cụ, sự tiện nghi, nhưng nếu vài trăm năm thì nhân vật ấy thành người của “thế giới khác”.
Một người của thập niên 80 thế kỷ XX chỉ biết đến những chiếc bốt điện thoại hiếm hoi trong thành phố nay bỗng thấy con người thế kỷ XXI cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh bao gồm tất – tần – tật chức năng từ nghe gọi, phát nhạc, chụp ảnh, và thậm chí họ còn không hiểu mạng Internet đã trở nên phổ biến và hữu dụng đến như thế nào trong cuộc sống hiện đại.
Tại Việt Nam, loại hình dịch vụ điện thoại công cộng đã bị khai tử từ năm 2012
Nhưng tại Anh, những chiếc bốt điện thoại dường như đã trở thành “di sản” với vẻ đẹp nghệ thuật và thậm chí là tái hiện qua những hình thức mới mẻ hơn như thư viện sách công cộng, tiệm cà phê, hiệu sửa điện thoại,…
Nếu bạn đang băn khoăn chỉ vài chục năm mà sao đã khác biệt lớn như vậy thì đừng lo lắng, cũng từng có giai đoạn mà dù bạn có “xuyên không” vài trăm năm cũng không có quá nhiều khác biệt. Trong cuốn sách Sapiens: Lược sử về loài người, tác giả Yuval Noah Harari có đề cập đến tình huống như thế này:
Giả sử một người nông dân tại châu Âu chìm vào giấc ngủ dài vào năm 1000, và 500 năm sau đó choàng dậy bởi tiếng huyên náo từ đám thủy thủ của ngài Columbus đang leo lên các con tàu Nina, Pinta và Santa Maria, thì thế giới đối với anh ta có vẻ vẫn quen thuộc như ngày nào. Dẫu có nhiều thay đổi về kỹ thuật, cách cư xử, và những ranh giới chính trị, nhưng anh nông dân ngủ quên thời trung cổ vẫn cảm thấy như ở nhà.
Câu chuyện có lẽ chỉ khác biệt trong khoảng 500 năm gần đây.
Nếu một thủy thủ của Columbus rơi vào giấc ngủ tương tự và thức dậy với tiếng nhạc chuông iPhone thế kỷ 21, anh ta có thể thấy mình đang ở trong một thế giới kỳ lạ không thể hiểu nổi. “Phải thiên đường đây không?” Anh ta chắc hẳn sẽ tự hỏi mình. “Hay lẽ nào là địa ngục?”
500 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một sự tăng trưởng phi thường và chưa từng có tiền lệ trong sức mạnh con người. Năm 1500 có khoảng 500 triệu con người trên toàn thế giới. Ngày nay, con số này là hơn 8 tỷ. Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi loài người trong năm 1500 ước tính vào khoảng 250 tỉ đô la tính theo tỉ giá hiện tại. Ngày nay, giá trị một năm sản xuất của con người là gần 60 nghìn tỉ đô la cho một ngày. Dân số đã tăng gấp 14 lần, sản xuất gấp 240 lần, và tiêu thụ năng lượng gấp 150 lần.
Chỉ cần năm con tàu chuyên chở hiện đại là có thể chở được hết số hàng hóa của toàn bộ đội tàu buôn của thế giới đó. Một máy vi tính hiện đại có thể dễ dàng lưu trữ từng chữ, từng số trong tất cả sách và kinh chép tay của mỗi thư viện thời trung cổ mà vẫn dư dung lượng. Bất kỳ một ngân hàng lớn nào ngày nay cũng giữ nhiều tiền hơn so với số tiền của mọi vương quốc tiền hiện đại trên thế giới cộng lại.
Năm 1500, rất ít thành phố có hơn 100.000 dân. Hầu hết các tòa nhà được xây bằng bùn, gỗ và rơm; một tòa nhà ba tầng đã được coi là một tòa nhà chọc trời. Phố xá là những con đường mòn bẩn thỉu, bụi bặm vào mùa hè và lầy lội vào mùa đông, ngược xuôi dòng người đi bộ, ngựa, dê, gà và một vài chiếc xe kéo. Âm thanh đô thị quen thuộc nhất là tiếng người và động vật, cùng tiếng búa và tiếng cưa. Khi mặt trời lặn, cả thành phố chìm trong bóng tối, thi thoảng vài ánh nến hoặc ánh đuốc lập lòe trong bóng đêm.
Nếu một cư dân thành phố ấy được thấy Tokyo, New York hay Mumbai ngày nay, anh ta sẽ nghĩ gì?
Đến đây thì bạn đã biết lý do thang máy phải ra đời chưa?
Tốc độ chạy tối đa của ngựa là 88 km/h khi phi nước đại, nhưng dòng xe độ dùng động cơ phản lực có công suất lên tới 9.500 mã lực có thể tăng tốc từ 0 lên 160 km/h trong chỉ 0,8 giây.
Thứ tốc độ khủng khiếp này có lẽ chưa từng tồn tại trong tưởng tượng của con người thế kỷ XVI – Ảnh: Rimac
Năm 1800, chỉ 3% dân số thế giới là dân thành thị. Tới cuối thế kỷ 20, con số đã nhảy vọt lên 47%. Thành phố Mumbai – nơi được mệnh danh là xứ xở của những tòa tháp chọc trời có mật độ dân số lên đến hơn hai mươi nghìn người trên một ki-lô-mét vuông. Nếu đứng trên cùng một mặt phẳng, mỗi người tại Mumbai có diện tích đất là 50 mét vuông cho mọi nhu cầu sinh hoạt – một diện tích chỉ như một căn hộ chung cư nhưng phải bao gồm cả những diện tích công cộng như đường xá, trường học, trung tâm mua sắm, công sở,…
Nếu chỉ trải dàn trên mặt đất, chúng ta sẽ chỉ dừng ở những thành thị chứ không thể có hàng chục siêu đô thị như hiện nay. Đó là khi con người thay đổi tập quán sống, không tản mát khai hoang mở rộng đất đai và phụ thuộc vào tài nguyên tự nhiên mà xếp chồng kiến trúc để xây dựng nên một xã hội quần cư tập trung. Khi chưa có thang máy, những tòa nhà 3 tầng, 5 tầng đã có thể coi là “nhà chọc trời”, và thang máy ra đời để chúng ta có những tòa nhà chọc trời chạm đến những tầng mây.
Có giấc mơ nào xa rời hiện thực đến thế này của con người vài trăm năm trước về khái niệm “nhà chọc trời”?
Vấn đề của cuộc tiến hóa trong đời sống công nghiệp đã không dừng lại ở việc cạnh tranh giữa cùng một loại sản phẩm, không phải con ngựa khỏe và con ngựa yếu, mà là sự thay thế hoàn toàn. Là câu chuyện của sự khởi đầu – phát triển của một thứ có thể xóa sổ sự tồn tại của thứ khác. Nhưng nếu khéo léo thì cũng có thể biến thứ “lỗi thời” ấy thành một thức di sản văn hóa của xã hội, như cách mà nước Anh làm với những chiếc bốt điện thoại.
Thang máy giúp con người vươn lên cao, nhưng cũng rất có thể một ngày nào đó con người sẽ không còn lựa chọn đời sống quần cư đông đúc nữa, chúng ta trở về sống trên mặt đất và hài hòa với thiên nhiên. Và khi đó, mong rằng những chiếc thang máy cũng sẽ trở thành một di sản, một biểu tượng cho thời đại đô thị hóa đang tiếp diễn từng ngày hiện nay.
Hiên Huyền
Thông tin mới cập nhật