Nhiều tai nạn, sự cố thang máy đã xảy ra, trong đó có những sự cố nghiêm trọng gây chết người. Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, ở nhiều trường hợp nghiêm trọng, mặc dù công việc bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định thang máy được tiến hành thường xuyên, định kỳ nhưng vẫn có những sự cố, thậm chí sự cố nghiêm trọng xảy ra. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó được xác định đến từ những bất cập của công tác bảo trì, bảo dưỡng thang máy.
Khoảng 23h ngày 19/10/2021, chị N.H.A. (SN 2000, trú tại phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) cùng chị N.Q.N (SN 1998, ở phường Kim Mã) đi từ tầng 8 thang máy để xuống tầng 1 của một tòa nhà cao tầng trên phố Kim Mã, quận Ba Đình. Trong lúc thang máy di chuyển tới tầng 7 thì xảy ra sự cố, hai người bị mắc kẹt bên trong. Hai cô gái được bảo vệ tòa nhà hỗ trợ mở cửa thang máy. Khi chị N.H.A. trèo từ tầng 7 ra sảnh thì bất ngờ bị rơi theo hầm thang máy xuống tầng 1 đã tử vong.
Cáp bù bị rách do cọ sát nhưng không được phát hiện sớm
Tối 22/10 tại một đơn nguyên chung cư lớn thuộc khu Linh Đàm, chiếc thang máy bị kẹt ở tầng 5, 5 người trong thang phải chờ rất lâu mới có cứu hộ. Trước đó cũng tại khu vực các tòa nhà HH Linh Đàm, một sự cố thang máy bị kẹt khiến 8 cư dân của toà nhà mắc kẹt trong thang máy. Ngoài các vụ kể trên, nếu thống kê đầy đủ, có khá nhiều các sự cố khác đến từ thang máy từ hư hỏng nhẹ tới các sự cố gây hậu quả nặng nề khác. Thang máy được xếp vào loại phương tiện có độ an toàn rất cao, thế nhưng thực tế vẫn có nhiều sự cố xảy ra. Nguyên nhân sự cố thì có nhiều nhưng tập trung vào 2 nhóm yếu tố quan trọng đến từ thiết bị và con người, trong đó một trong những nguyên nhân quan trọng là bảo trì ẩu hoặc trình độ kỹ thuật viên kém không phát hiện được lỗi của thiết bị.
Đầu ray rất bẩn và đủ thứ rác nhưng không được vệ sinh, không được tra dầu- tiểm ẩn sự cố nguy hiểm
Mục 21 Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH Ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu rất nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, trong danh mục đó có thang máy. Do liên quan trực tiếp tới sự an toàn, sức khỏe, tính mạng con người nên việc sử dụng, bảo trì, kiểm định thang máy phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật và thang máy, mặc dù các văn bản pháp luật có quy định chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực thang máy nhưng những quy định này chưa cụ thể, rõ ràng và việc tuân thủ còn chưa nghiêm túc nên dẫn đến nhiều hậu quả không đáng có.
Thông tư số 15/2018/TTBLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy gia đình ký hiệu QCVN 32:2018/BLĐTBXH được ban hành ngày 12/10/2018 có các quy định yêu cầu nghiêm ngặt đối với đơn vị lắp đặt, hiệu chỉnh, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy. Tuy nhiên thực tế không phải đơn vị nào cũng nghiêm túc tuân thủ. Một số nhân viên kỹ thuật bảo trì có kinh nghiệm nhận xét, một số hạng mục bảo trì như chế độ thay dầu hộp số, thay mỡ trục động cơ, vệ sinh thang máy nhiều khi không được tiến hành. Hệ quả là bụi bẩn, dị vật và rác rơi vào đường cáp, lâu ngày sẽ làm mòn hoặc biến dạng cáp, khiến thang vận hành không ổn định, dễ bị rung lắc. Để lâu có thể khiến thang bị tuột cáp, dẫn đến rơi tự do gây hậu quả nghiêm trọng.
Tủ điện không có nắp và rất bẩn nhưng được cho qua!
Thông tư 15 cũng quy định, trong quá trình sử dụng, thang máy phải được theo dõi, quản lý, kiểm tra bởi người đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động về sử dụng thang máy trong đó có nội dung về công tác cứu hộ. Trường hợp không bố trí được người theo dõi, quản lý thang máy thì phải thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc theo dõi, quản lý này.
Nhưng thực tế, không bảo trì định kỳ đã đành, khi bảo trì duy tu, nhiều ban quản lý lại thuê các đơn vị bảo trì không đủ năng lực chuyên môn, uy tín. Không hiếm tình trạng nhân viên bảo trì sử dụng các bo mạch, thiết bị, linh kiện kém chất lượng hoặc hàng nhái giá rẻ thay vì sử dụng phụ tùng chính hãng, đủ tiêu chuẩn. Tệ hơn là có trường hợp đấu tắt mạch an toàn khiến thang máy trở “cái bẫy” nguy hiểm cho người sử dụng. Ngoài ra, nhiều nhân viên kỹ thuật bảo trì thang máy đã không làm hết trách nhiệm của mình, không phát hiện hoặc bỏ qua nhiều lỗi của thiết bị như cáp khô dầu, hố thang bẩn không được vệ sinh, cáp bù bị rách do cọ sát, tủ điện trên nóc cabin không được lắp đặt cẩn thận, bulong của giảm chấn cabin bị mất nhưng không thay thế, ray mất ốc nhưng không được bổ sung,… Theo chuyên gia thang máy, qua thời gian vận hành những lỗi này hoàn toàn có thể gây sự cố nguy hiểm. Nguyên nhân không phát hiện hoặc bỏ qua những lỗi này là do trình độ của nhân viên kỹ thuật thấp, nhân viên làm ẩu, bỏ qua công đoạn bảo trì và nhiều khi có tình trạng rất nguy hiểm là đơn vị bảo trì tổ chức bảo trì qua loa đại khái cho xong…
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy với khoảng 5.000 chiếc thang máy, thang cuốn được lắp đặt mỗi năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu lắp đặt thang máy là nhiều bất cập như một số đơn vị sản xuất, nhập khẩu thang máy không đảm bảo chất lượng, chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn; tổ chức, cá nhân sở hữu vận hành thang máy chưa thực hiện đầy đủ công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng thang máy; người lao động lắp đặt bảo trì, phụ trách vận hành thang máy chưa được đào tạo về an toàn trong quá trình làm việc, gây sự cố tai nạn nghiêm trọng… Với hàng triệu thang máy đang hoạt động, vấn đề quản lý hệ thống này đang được đặt ra vô cùng cấp thiết.
Nhiều thang máy ở khu tái định cư Đền Lừ – Hoàng Mai được kí hợp đồng bảo trì định kỳ nhưng không đủ điều kiện vận hành do không đạt kiểm định
Ở một góc độ khác, việc bảo trì đúng quy trình, phát hiện sớm lỗi thiết bị không chỉ giảm thiểu sự cố mà còn tăng đáng kể tuổi thọ của thang máy. Theo một chuyên gia thang máy, đơn vị ông có cung cấp cho 2 đơn vị 2 chiếc thang máy cùng loại. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, một chiếc đã bị hư hỏng hoàn toàn trong khi chiếc kia đang hoạt động rất tốt. Hỏi ra mới biết chủ chiếc thang hoạt động tốt đã chọn một đơn vị bảo trì có uy tín, giàu kinh nghiệm và nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản, có chứng chỉ, bằng cấp minh bạch, làm việc trách nhiệm cao,… Còn chủ chiếc thang bị hỏng đã chọn một đơn vị bảo trì thiếu trách nhiệm, tư vấn thay thiết bị sai, linh kiện không đồng bộ dẫn đến tình trạng thang xuống cấp nhanh, cuối cùng bị hư hỏng hoàn toàn. Nếu tính chi tiết thì tiền sửa chữa thang lớn gấp nhiều lần tiền tiết kiệm được do chọn giá bảo trì thấp…
Nhân viên kỹ thuật bảo trì được đào tạo chính quy, có đồng phục, thiết bị bảo hộ đầy đủ, có thẻ nhân viên khi tới làm việc tại nhà khách hàng
Sự ra đời của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, tiếp đó là các đơn vị trực thuộc gồm Tạp chí Thang máy, Viện Kỹ thuật ứng dụng Thang máy được kỳ vọng sẽ trở thành cánh tay nối dài, giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy chuẩn các sản phẩm đến chuyển giao công nghệ tiên tiến, chuẩn hóa quy trình đào tạo nghề thang máy từ lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định,… mà mục tiêu cuối cùng hướng tới là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đưa ngành thang máy hội nhập quốc tế, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
Đọc thêm: Bài 1: Xông vào nhà đòi bảo trì thang máy
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật