Ông Lê Ngọc T ở khu Biệt thự X, KĐT Vinhomes Imperia, quận Hồng Bàng, Hải Phòng cho biết, sáng 14/12 trong lúc nhà ông đang mở cửa thì có một người lạ đi thẳng vào trong nhà, đứng cạnh thang máy nghiêng ngó.
Ông T hỏi thì người khách không mời tự xưng là nhân viên bảo trì tới kiểm tra thang máy. Người này đeo khẩu trang, không mặc đồng phục của đơn vị bảo trì, cũng không điện thoại báo trước cho gia đình mà tự ý xông vào nhà. Nhận thấy người này không phải người thợ bảo trì quen mặt, ông T đã mời người này ra khỏi nhà mình và ngay sau đó đã gọi điện báo cho đơn vị hiện đang có hợp đồng bảo trì thang máy nhà ông. Ông cho biết, hiện thang máy gia đình ông hoạt động bình thường, và gia đình cũng chưa bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên gia đình hơi bị sốc khi có người lạ tự tiện vào nhà.
Ray thang mất ốc nhưng không được bổ sung do sự tắc trách của nhân viên bảo trì (ảnh minh họa)
Trao đổi với PV Tạp chí Thang máy, ông T cho biết, năm 2018 gia đình ông mua một chiếc thang máy phân khúc cao cấp của một công ty cung cấp thang máy uy tín tại Hà Nội. Ngay sau khi lắp đặt, ông đã ký hợp đồng bảo trì với chính công ty cung cấp thang máy cho tới nay. Hơn 2 năm qua, nhân viên bảo trì của công ty này thường xuyên bảo trì định kỳ thang máy nhà ông 2 tháng 1 lần và cho tới nay thang vẫn đang hoạt động rất tốt. Sau khi sự việc xảy ra, ông T đề xuất với đơn vị bảo trì là thời gian tới chỉ cho nhân viên kỹ thuật mà ông đã quen mặt tên Khâm đến bảo trì thang máy nhà ông (Ông cho biết kỹ thuật viên làm việc rất tốt từ hơn 2 năm nay và gia đình ông đã quen mặt người này từ khi ông dùng thang máy đến nay). Ông cũng khẳng định không mời bất cứ đơn vị bảo trì nào khác và cả gia đình ông không quen biết người tự xưng là nhân viên bảo trì thang máy xông vào nhà ông hôm 14/12.
Tại buổi làm việc giữa PV Tạp chí Thang máy và đơn vị bảo trì, đại diện đơn vị cho biết công ty đã có bộ quy chuẩn thống nhất cho công việc bảo trì đối với đội ngũ nhân viên kỹ thuật bảo trì. Bộ quy chuẩn này rất chặt chẽ, cụ thể và chi tiết, đồng nhất, trong đó định hướng cho nhân viên kỹ thuật các chuẩn mực trong giải quyết công việc với khách hàng. Một trong những quy định là sau khi đã lập kế hoạch chi tiết thực hiện công việc, nhân viên kỹ thuật liên hệ qua điện thoại với khách hàng trước ít nhất 1 ngày trước khi dự kiến thực hiện công việc và thống nhất lịch hẹn với khách hàng, sau đó nhân viên kỹ thuật mới đến bảo trì.
Đặc biệt đối với trường hợp thay đổi nhân sự (do đổi nhóm thực hiện công việc hoặc có nhân sự kết thúc hợp đồng lao động), đơn vị bảo trì sẽ có công văn gửi tới khách hàng thông báo rõ lý do, nhân sự thay thế và cam kết nguyên tắc quản trị “Thay đổi để tốt hơn”, không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của thang máy.
Đại diện của đơn vị bảo trì cũng chia sẻ, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, công ty đã liên hệ và gửi thông báo đến từng khách hàng về nguyên tắc khi nhân viên của Công ty tới bảo trì thang máy. Theo đó, khi nhân viên đến làm việc phải xuất trình được thẻ nhân viên còn hạn và có QR code để đối chiếu thông tin cùng căn cước công dân hoặc chứng minh thư, đồng phục chuẩn của đơn vị thì mới cho vào, (kể cả những kỹ thuật viên đã quen thuộc khi làm việc tại nhà khách).
Trong mục 4.3.1 của Thông tư số 15/2018/TTBLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy gia đình ký hiệu QCVN 32:2018/BLĐTBXH được ban hành ngày 12/10/2018, có yêu cầu nghiêm ngặt đối với đơn vị lắp đặt, hiệu chỉnh, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy. Theo đó các đơn vị này phải có tư cách pháp nhân, được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật. Cán bộ kỹ thuật, công nhân thực hiện việc lắp đặt, hiệu chỉnh, bảo dưỡng và sửa chữa phải được đào tạo về chuyên môn phù hợp với quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp và được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động và văn bản hướng dẫn.
Nhân viên kỹ thuật bảo trì phải đeo thẻ nhân viên còn hạn và có QR code, mặc đồng phục chuẩn của đơn vị bảo trì cùng các thiết bị bảo hộ chuyên dụng
Thực tế, nhân viên bảo trì làm việc trong một không gian kín, khách hàng không ám hiểu về kĩ thuật dẫn đến rất khó giám sát công việc của họ cũng như tình trạng của thang máy trước và sau khi bảo trì. Bởi thế, không loại trừ khả năng có những nhân viên kỹ thuật xấu lợi dụng công việc để tráo đổi linh kiện, khai khống các hạng mục linh kiện phải thay thế, sửa chữa… Hậu quả là khách hàng chịu thiệt thòi nhất nếu có sự cố xảy ra, trong nhiều trường hợp thiệt hại không thể tính bằng tiền. Và như thế, việc chọn một đơn vị bảo trì có uy tín, có bề dày hoạt động, có địa chỉ, thông tin minh bạch, rõ ràng sẽ là lựa chọn đúng đắn, an toàn nhất cho khách hàng.
Trong trường hợp cụ thể người lạ xông vào nhà ông T đề nghị bảo trì thang máy như sáng14/12, sơ bộ có thể nhận định đó là nhân viên kỹ thuật của một đơn vị nào đó cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực bảo trì hoặc cũng rất có thể đó là đối tượng lừa đảo, mượn cớ xông vào nhà dân với ý đồ xấu. Trong tình hình đó, khách hàng nên bình tĩnh liên lạc với đơn vị bảo trì hoặc công an nơi gần nhất để làm rõ sự việc. Đối với đơn vị bảo trì, khách hàng cần yêu cầu nhân viên kỹ thuật có kế hoạch trước, nhân viên kỹ thuật có nhân thân rõ ràng, mặc đồng phục của đơn vị bảo trì bao gồm cả thẻ nhân viên cùng các thiết bị bảo hộ lao động đồng bộ, chuyên dụng.
Đọc bài tiếp theo tại: Bài 2: Cần giám sát chặt chẽ công tác bảo trì
Võ Thúy
Thông tin mới cập nhật