TCTM – Dù là ngành nghề có tuổi đời non trẻ, không ít doanh nghiệp đã thành công đưa sản phẩm thang máy Việt có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận, phần lớn các doanh nghiệp thang máy nội địa đang chạy đua theo việc bắt chước, mua thiết bị, linh kiện về lắp ghép với gia trị gia tăng rất nhỏ.
Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh chóng, tiềm năng phát triển của ngành thang máy tại thị trường Việt Nam là vô cùng lớn, có giá trị nhiều tỷ đô trong tương lai. Theo báo cáo của Research and Markets, thị trường thang máy Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 8,28% trong giai đoạn 2017 – 2027.
Lĩnh vực thang máy đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng hai thập kỷ và đến tháng 11/2014 thì thang máy chính thức đưa vào danh mục Các mặt hàng đã sản xuất được trong nước. Bởi vậy, có thể nói đây là lĩnh vực còn khá non trẻ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trên thực tế, ngành công nghiệp thang máy đã có mặt ở Việt Nam từ trước năm 1975, dẫn đầu bởi ông Phạm Vinh – một người có thâm niên trong ngành cơ khí đóng tàu. Tuy nhiên, sau khi doanh nhân này ra nước ngoài sinh sống, ngành thang máy Việt rơi vào trầm lắng cho đến những năm 1990.
Sau thời điểm năm 1990, nhận thấy được tiềm năng và dư địa phát triển rộng mở của ngành thang máy tại thị trường nước nhà, số lượng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh, sản xuất thang máy ngày càng tăng.
Để nói về doanh nghiệp sản xuất thang máy Việt, cần phải nhắc tới những cái tên như Thiên Nam, Tự Động, Thái Bình… Đây cũng chính là những doanh nghiệp tạo tiền đề, nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất thang máy nước nhà.
Nhà máy sản xuất thang máy của Thiên Nam
Thời kỳ đầu phát triển, hầu hết các doanh nghiệp nội đều chỉ tập trung vào hoạt động thương mại, phân phối cho các nhà sản xuất nước ngoài. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm quản trị và tiếp xúc dần với công nghệ sản xuất thang máy quốc tế.
Cơ hội đến với ngành sản xuất thang máy Việt Nam vào những năm 2000, khi thị trường xây dựng Trung Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ, nhu cầu quá cao. Trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc bắt đầu bước sang sản xuất hàng loạt phụ tùng cho thang máy.
Ý thức được lợi thế về sự đa dạng của nguồn phụ tùng, linh kiện, giá thang máy nội và chi phí bảo trì từ đó có giá thành rẻ hơn so với thang máy nhập ngoại cùng một thị trường nội địa cấp thấp đầy tiềm năng, các doanh nghiệp hoạt động thương mại thời kỳ trước cũng bắt đầu chuyển đổi chiến lược, dấn thân vào lắp ráp thang máy.
Nhiều doanh nghiệp nội cũng thực hiện liên kết, liên doanh sản xuất với các doanh nghiệp nước ngoài để gia nhập vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực thang máy. Sản phẩm thang máy nội địa cũng có tỷ lệ nội địa hóa ngày một tăng lên.
Tiếp nối đà phát triển của ngành thang máy Việt, nhiều doanh nghiệp như Hisa, Fujialpha, VP Tech, Hải Phú Minh,… cũng bước chân vào ngành sản xuất thang máy, góp phần tạo nên những dấu ấn cho lịch sử phát triển ngành thang máy nội địa.
Nhìn chung, dù tuổi đời còn trẻ, nhưng ngành sản xuất thang máy Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến ấn tượng về cả năng lực sản xuất và cung cấp dịch vụ. Thang máy nội địa đã phần nào chiếm lĩnh được các phân khúc riêng trên thị trường và nhận được sự tin dùng của người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đã thành công đưa sản phẩm thang máy Việt có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhà máy sản xuất của Alpec
Phân khúc chính của hầu hết các doanh nghiệp là dòng thang máy gia đình, giá trị thấp, tức là thang máy thấp tầng, tốc độ thấp, sử dụng trong các nhà ở tư nhân. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phân phối các loại thang máy tải hàng, tải thực phẩm.
Thang máy được cấu thành từ nhiều thiết bị như máy kéo, biến tần, bo mạch điều khiển, tủ điều khiển, cáp tải chuyên dụng, thiết bị chống vượt tốc,… và đây đều là những bộ phận quan trọng nhất của thang máy.
Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp nội địa mới chỉ sản xuất được các bộ phận như khung thang, vách cửa tầng, đối trọng, vỏ tủ điện, sàn cabin, tay vịn,…
Chia sẻ trong buổi tọa đàm mới đây do Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Tạp chí Thang máy tổ chức, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất, lắp ráp thang máy cho biết, giả sử giá thành sản xuất một chiếc thang máy khoảng 285 triệu thì người Việt hiện mới chỉ làm được 60 triệu và đây là hiện trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp trong nước.
Không thể phủ nhận những thành công, song nhìn vào thực tế về những trăn trở, ngành sản xuất thang máy trong nước chủ yếu vẫn tập trung gia công phần cơ khí và nhập khẩu gần như 100% các thiết bị, linh kiện điện – điện tử, chỉ rất ít doanh nghiệp sản xuất được các bộ phận này. Tỷ lệ nội địa hóa thang máy thấp, ước khoảng 20-25%.
Số lượng các công ty thang máy nội địa không phải là ít, nhưng đa phần đều là các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Họ thường làm gia công, thuê lắp đặt và cho vận hành một cách đơn giản, bỏ qua các khâu kiểm soát từ thiết kế đến thử nghiệm.
Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế
Việc lắp ráp, sản xuất thang máy tại nhiều doanh nghiệp còn mang tính chất số học, mà chưa có được một thiết kế kỹ thuật tổng thể và bài bản, thiếu đi tính đồng bộ. Phần lớn các doanh nghiệp đặt nhiều linh kiện từ các đơn vị gia công khác nhau về lắp ráp, cắt gọt để tạo ra sản phẩm.
Rất ít các doanh nghiệp trong ngành có sự đầu tư bài bản vào nghiên cứu, tính toán các yếu tố vật lý, hóa học,… một cách tổng thể để ghép các chi tiết, linh kiện chặt chẽ hữu cơ với nhau để thang máy hoạt động an toàn, bền bỉ.
Hay nói cách khác, phần lớn doanh nghiệp đang chạy theo bằng việc bắt chước, mua thiết bị, linh kiện về lắp ghép với gia trị gia tăng rất nhỏ. Sản phẩm thang máy Việt được làm ra vẫn còn ít mang dáng dấp, hồn cốt của trí tuệ Việt.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận khách hàng Việt còn e ngại khi quyết định mua thang máy nội địa dù Nhà nước đã những chính sách khuyến khích, thông qua các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thang máy sản xuất trong nước vẫn chưa có cơ hội để tham gia vào các dự án công cộng cao tầng, đặc biệt là các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. Đối với các dòng thang máy tốc độ cao, lắp đặt tại những tòa nhà cao tầng (trên 30 tầng) đang là phân khúc thuộc về các tập đoàn thang máy đa quốc gia.
Bản thân doanh nghiệp Việt đang thiếu vắng sự đầu tư bài bản vào nghiên cứu, phát triển công nghệ thang máy
Nguyên nhân một phần đến từ nền công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành thang máy khiến cho giá trị gia tăng của ngành công nghiệp nói chung không cao.
Công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm…
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân thực tế hơn mà các doanh nghiệp trong ngành có thể đã nhận ra từ lâu chính là chúng ta đang thiếu đi những nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao khoa học – kỹ thuật. Và chỉ khi làm chủ được công nghệ thì thang máy trong nước mới có thể khởi sắc và tạo ra giá trị cao hơn.
Bài toán đặt ra chính là, sẽ ra sao nếu doanh nghiệp nào cũng làm thương mại, lựa chọn nhập khẩu thiết bị về lắp ráp thay vì nghiên cứu, phát triển sản phẩm và tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ như chế tạo linh kiện, thiết bị?
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật