Phóng viên (PV): Xin chào Tổng biên tập, đến giờ không phải ai cũng biết trong hơn 800 cơ quan báo chí có tờ Tạp chí Thang máy, ấn phẩm báo giấy khá đẹp và tạp chí điện tử https://tapchithangmay.vn/ cũng được đánh giá ấn tượng?
TBT Phạm Xuân Khánh: Trước hết, khi Bộ Nội vụ có quyết định thành lập Hiệp hội Thang máy Việt Nam vào tháng 8/2020 thì theo Luật Báo chí, Hiệp hội có quyền thành lập tạp chí. Về phần mình, ngay từ ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thang máy Gama, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã xác định để làm tốt chức năng, nhiệm vụ là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thang máy, thang cuốn và lĩnh vực liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật thì cần phải có cơ quan truyền thông. Thực tế, theo thời gian, càng ngày chúng tôi càng khẳng định được đây là một quyết định chính xác.
PV: Đến nay, sau 2 năm hoạt động Tạp chí Thang máy đã có những kết quả ban đầu như thế nào, thưa nhà báo Phạm Xuân Khánh?
TBT Phạm Xuân Khánh: Hiệp hội Thang máy Việt Nam có 3 chức năng chính: Đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực ngành nghề thang máy, thang cuốn; Tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, xếp hạng doanh nghiệp thang máy, thang cuốn; Hỗ trợ, tư vấn, đánh giá trung gian các dịch vụ thang máy, thang cuốn.
Tạp chí của chúng tôi đã có mặt trong cả 3 mảng hoạt động chính này theo đúng tinh thần khẩu hiệu: tiên phong, kết nối, thống nhất, phát triển.
PV: Tạp chí Thang máy xuất bản số đầu tiên vào cuối năm 2021, đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 phát triển, “trong cái khó, ló cái khôn”, nó đã thành sợi dây đoàn kết các thành viên Hiệp hội, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
TBT Phạm Xuân Khánh: Theo thống kê đến thời điểm này thì Việt Nam có khoảng 350 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.700 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy với khoảng 35.000 chiếc thang máy, thang cuốn được lắp đặt mỗi năm. Trong bối cảnh việc đi lại của người dân bị hạn chế khi dịch bệnh COVID-19 thì đúng là Tạp chí đã là cầu nối giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển hội viên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp.
PV: Với tư cách là người đứng đầu Tạp chí, ông đánh giá như thế nào về hành trình phát triển của ấn phẩm này?
TBT Phạm Xuân Khánh: Trước hết, phải tự hào với việc chưa đầy 2 năm nhưng chúng tôi đã hoàn thành chặng đường “kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, dù vất vả nhưng các mục tiêu đề ra đều được đảm bảo. Chất lượng các bài viết ngày một nâng cao, nhiều bài viết có độ hàn lâm cao và đến giờ, không có bất cứ sự cố nghề nghiệp nào đáng kể. Nhưng với tư cách Tổng biên tập, tôi cho rằng, chúng tôi phải sớm có kế hoạch tiếp tục đổi mới theo hướng báo chí công nghệ để đáp ứng với yêu cầu phát triển chung của xã hội nói chung và báo chí nói riêng.
Không chỉ đóng vai trò “chủ báo” mà Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức còn tham gia viết bài, dù ông từng chia sẻ bản thân chưa từng viết lách, chưa từng làm báo chí, nay gánh trọng trách càng phải chú ý đến từng lời nói, từng câu chữ vì nghề này “sai một ly, đi một dặm”. Nhưng chỉ 27 ngày chuẩn bị, đua với thời gian, Tạp chí Thang máy vẫn ra đời đúng tiến độ.
PV: Tôi khá tâm đắc với bài viết “Lối đi cho Tạp chí Thang máy” của ông trên tạp chí, nó không đơn thuần chỉ là bài viết mà là những nỗi niềm, băn khoăn, trăn trở và cả triết lý sống, chiến lược kinh doanh của ông?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Chính xác. Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã ra đời với mong muốn quy tụ, bắt đầu bằng việc đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm tiền đề cho phát triển ngành. Mọi thứ gần như từ số không, vất vả mọi bề, trong đó có việc thành lập Tạp chí.
Đã nhiều đêm vắt tay lên trán, tôi tự hỏi, làm cách nào để phát huy vai trò của Hiệp hội, để các thành viên cùng thấu hiểu sứ mệnh của mình, cộng đồng chung sức chung lòng? Không còn cách nào khác, chúng ta phải có một kênh truyền thông chính thống, là cơ quan truyền thông của Hiệp hội, khó cũng phải làm. “Tạp chí Thang máy” đã ra đời như thế, sau những ngày lọ mọ hoàn thiện đơn từ, hồ sơ gửi các cơ quan thẩm quyền xem xét và chấp thuận.
PV: Điều gì khiến ông tự hào nhất về đội ngũ phóng viên, biên tập viên của tờ tạp chí trong 2 năm qua?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Tài sản lớn nhất của Tạp chí chính là con người, phần lớn anh chị em chưa nhiều kinh nghiệm báo chí nhưng họ có nhiệt huyết, đam mê và những ánh mắt đầy khát vọng, sai thì sửa, đoàn kết cùng tiến lên, người biết nhiều bày cho người biết ít.
Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội, tôi đã cùng anh em lụi hụi ngồi phân tích SWOT (phương pháp phân tích điểm mạnh – điểm yếu – cơ hội – thách thức), lập chiến lược, định hướng, động viên anh em bám sát tiêu chí và tôn chỉ mục đích mà Tạp chí xác định ngay từ ban đầu để kiên định mục tiêu.
PV: Dường như “sinh sau, đẻ muộn” trong làng báo nên ông đã quyết định cùng các cộng sự xây dựng cho Tạp chí một lối đi riêng?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Đúng như vậy. Là một tờ tạp chí chuyên ngành, nói thẳng là một ngành hẹp, Tạp chí Thang máy không thể có nguồn lực mạnh và khả năng thu hút độc giả rộng như các kênh báo chí khác, nhưng dựa trên những phân tích về SWOT thì tôi vẫn có niềm tin lớn vào Tạp chí Thang máy: những thông tin chuyên ngành từ các chuyên gia kỹ thuật thang máy, những kiến thức thường thức hữu ích và tin cậy với thị trường, những bài viết hướng đến chính xác “nỗi đau” – các vấn đề cấp thiết của ngành một cách chi tiết và phương hướng xây dựng cụ thể từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm,…
PV: Dường như ông và các phóng viên, biên tập viên Tạp chí vẫn còn đau đáu một nỗi niềm, ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: (im lặng hồi lâu) Hiện nay, nhu cầu lắp đặt thang máy trong dân sinh, công nghiệp ngày càng lớn, không chỉ ở các tòa nhà chung cư, văn phòng mà cả trong nhà dân cư 3 – 5 tầng người dân cũng đã lắp thang máy. Ước tính mỗi năm ở nước ta nhu cầu lắp đặt thang máy mới là khoảng hơn 35.000 thang. Đồng thời, mỗi năm có khoảng 6.000 thang máy nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị an toàn thang máy, phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Cả nước có khoảng trên 400 công ty sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh thang máy nhưng những doanh nghiệp có uy tín chưa nhiều, thị phần vẫn nằm trong các công ty nước ngoài. Trớ trêu thay, thang máy chưa được công nhận như một ngành nghề lao động chính thức.
PV: Trong khi đó nhu cầu về nguồn nhân lực lắp đặt, vận hành, bảo trì, kiểm định là có thực, thưa ông?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Chính xác, hoàn toàn chính xác. Đến nay, các cơ sở giáo dục Việt Nam vẫn chưa có chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu cho đối tượng kỹ sư, công nhân trong lĩnh vực thang máy. Các doanh nghiệp thang máy vẫn phải sử dụng công nhân, kỹ sư từ các ngành cơ khí, động lực hoặc tự động chuyển sang.
Do vậy, trình độ, chất lượng của lao động trong sản xuất, thiết kế, chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng thang máy, thang cuốn chưa đồng đều. Nhiều lao động, công nhân kỹ thuật không đảm bảo về năng lực và trình độ để thực hiện công việc.
PV: Chúng tôi hy vọng những bất cập này sẽ sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết để thang máy Việt Nam có điều kiện phát triển. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.