TCTM – Cứu hộ thang máy không thể là những hành động bản năng mang tính tình thế mà cần có quy trình cứu hộ theo đặc tính của thiết bị như công nghệ truyền động, hệ thống thiết bị cứu hộ,…
Sau những hiểu lầm nghiêm trọng về công tác cứu hộ thang máy đã được đề cập trong bài Phần 1: Cứu hộ thang máy – Những hiểu lầm nghiêm trọng, cùng tìm hiểu về các quy định liên quan đến cứu hộ thang máy.
Trong Thông tư 42/2019/TT-BLDTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động có yêu cầu thiết kế của thang máy bắt buộc phải có một trong hai phương thức cứu hộ tự động hoặc cứu hộ bằng tay, đồng thời, nhà sản xuất phải đưa ra quy trình cứu hộ thích hợp trong trường hợp xảy ra sự cố.
Cụ thể, quy định về công tác cứu hộ yêu cầu phải trang bị cho thang máy hệ thống cứu hộ bằng điện hoặc cứu hộ bằng tay để có thể dễ dàng thao tác trong quá trình cứu hộ thang máy khi gặp sự cố:
Cứu hộ bằng tay:
– Phải trang bị phương tiện cứu hộ bằng tay cho thang máy (thanh tác động, cần kéo, móc kéo,…) để dịch chuyển cabin đến tầng dừng gần nhất.
– Nếu không tiếp cận được máy dẫn động khi cứu hộ bằng tay phải có cơ cấu mở phanh máy dẫn động đặt bên ngoài giếng thang máy tại vị trí thuận tiện cho người thực hiện thao tác cứu hộ.
– Tại vị trí mở phanh phải có các biện pháp để dễ dàng trong việc nhận biết được vị trí cabin (Có thể dùng cách đánh dấu lên cáp hoặc bằng cách quan sát hệ thống hiển thị của bộ điều khiển thang máy…).
– Phải có cơ cấu nhả bộ khống chế vượt tốc đặt bên ngoài giếng thang tại vị trí thuận tiện cho người thực hiện thao tác cứu hộ.
Cứu hộ bằng điện: Phải trang bị phương tiện cứu hộ bằng điện cho thang máy và đảm bảo các yêu cầu sau:
– Cho phép điều khiển chuyển động của cabin từ tủ điều khiển (tủ điều khiển phải được đặt ở bên ngoài giếng thang máy tại vị trí thuận tiện cho người thực hiện thao tác cứu hộ) bằng cách ấn nút liên tục. Chiều chuyển động phải được chỉ rõ.
– Nếu tủ điều khiển lắp trong giếng thang mà không tiếp cận được thì phải có thiết bị điều khiển khác thay thế.
Nhà sản xuất phải đưa ra quy trình ứng cứu/xử lý sự cố khẩn cấp, khuyến cáo kỹ thuật trong quá trình sử dụng đối với thang máy. Ngoài ra, việc kích hoạt bằng cáp đối với bộ hãm an toàn, kích hoạt bằng tay đòn đối với bộ hãm an toàn,… phải được tiến hành để hoạt động cứu hộ có thể diễn ra trong mọi tình huống.
Hướng dẫn sử dụng bao gồm hướng dẫn cứu hộ thang máy theo từng công nghệ truyền động cũng những lưu ý kỹ thuật đặc thù cần được nhà sản xuất đưa ra phục vụ cho công tác cứu hộ thực tế
Yêu cầu đối với cửa sập thoát hiểm và cửa thoát hiểm:
– Nếu cửa sập thoát hiểm được lắp trên nóc cabin thì cửa sập phải có kích thước tối thiểu 0,40m x 0,50m.
– Cửa thoát hiểm có thể được sử dụng trong trường hợp các cabin kế nhau, tuy nhiên phải đảm bảo khoảng cách giữa các cabin không lớn hơn 1m.
Trong trường hợp này, mỗi cabin phải được trang bị một phương tiện xác định vị trí của cabin kế cận dùng cho cứu hộ để đưa cabin này về tầng nơi hoạt động cứu hộ sẽ diễn ra.
Quy định đối với buồng máy và buồng Puli:
– Các không gian và khu vực làm việc gắn liền với công việc bảo trì, kiểm tra và các hoạt động cứu hộ phải được bảo vệ một cách phù hợp khỏi những ảnh hưởng của môi trường.
– Phải trang bị các bảng thông báo để dễ dàng nhận biết các công tắc nguồn và công tắc đèn.
– Nếu sau khi ngắt công tắc nguồn, mà vẫn còn một số bộ phận mang điện (do kết nối liên thông giữa các thang máy, đèn,…) thì phải có các bảng thông báo chỉ rõ điều này.
– Trong buồng máy, tủ máy hay ở các bảng điều khiển dành cho hoạt động khẩn cấp và thử nghiệm, phải có các hướng dẫn chi tiết để thực hiện theo trong trường hợp thang máy bị hỏng, đặc biệt là các hướng dẫn liên quan đến việc sử dụng thiết bị cho hoạt động cứu hộ và chìa khóa mở cửa tầng.
Ngoài ra, thang máy phải trang bị hệ thống liên lạc khẩn cấp để người bên trong cabin liên lạc với người bên ngoài thang máy hoặc bộ phận cứu hộ trong trường hợp thang máy bị sự cố. Hệ thống liên lạc phải đảm bảo những yêu cầu sau:
– Các nút ấn hoặc thiết bị của thiết bị liên lạc phải được đặt bên trong cabin, ở các vị trí dễ nhìn, dẽ tiếp cận, dễ sử dụng và được kích hoạt trong trường hợp thang máy bị lỗi hoặc có sự cố xảy ra.
– Hệ thống liên lạc khẩn cấp phải hoạt động dựa trên giao tiếp bằng giọng nói 2 chiều, không bị gián đoạn trong suốt quá trình cứu hộ
– Hệ thống liên lạc khẩn cấp phải có bộ phận lưu trữ năng lượng riêng (pin, ắc quy hoặc các bộ phận tương tự) giúp duy trì thời gian hoạt động tối thiểu 1 giờ ngay cả trong trường hợp nguồn điện dự phòng cho quạt hoặc hệ thống chiếu sáng bị ngắt.
– Thang máy được lắp đặt tại căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga,…) thì hệ thống liên lạc bắt buộc phải được kết nối với bộ phận bảo vệ hoặc an ninh của tòa nhà và phải gắn số điện thoại liên lạc với bộ phận an ninh cứu hộ/người chịu trách nhiệm về an toàn của tòa nhà/công trình trong trường hợp cần thiết trong cabin thang máy tại vị trí dễ quan sát.
– Hệ thống liên lạc phải được kiểm tra thường xuyên trong quá trình thực hiện việc bảo trì, kiểm định thang máy.
– Thang máy phải được trang bị hệ thống báo động để thông báo trạng thái hoạt động của thang máy. Thiết bị báo động phải đảm bảo rằng toàn bộ thông tin báo động được phát ra cho đến khi được xác nhận, ngay cả khi đang thực hiện bảo trì.
Nhiều quốc gia trên thế giới đều có chương trình đào tạo cứu hộ thang máy cho những đối tượng đặc thù: lực lượng PCCC&CNCH, đội ngũ kỹ thuật tòa nhà,…
Như tại Thổ Nhĩ Kỳ, chương trình Huấn luyện Kỹ thuật Cứu hộ Thang máy được tổ chức cho các huấn luyện viên của Đơn vị Huấn luyện Đội Cứu hỏa, khóa đào tạo bao gồm các thông tin lý thuyết về hệ thống thang máy, hệ thống an toàn thang máy, nguyên lý hoạt động, chính sách khẩn cấp và các vấn đề liên quan khác. Các học viên cũng được thực hành cách xử lý trong trường hợp bị mắc kẹt trong các loại thang máy khác nhau. Ngoài ra, các hoạt động đào tạo và nâng cao nhận thức cho khu vực công, tư nhân và cả người dân cũng được thực hiện rộng rãi.
Các chương trình đào tạo năng lực chuyên môn về cứu hộ liên quan đến các lĩnh vực đặc thù như cứu hộ thang máy được tổ chức phổ biến trên thế giới
Chương trình đào tạo này cho thấy sự cần thiết của huấn luyện kỹ thuật cứu hộ thang máy và các vấn đề liên quan đến vận hành thang máy cho các đối tượng quản lý vận hành, cứu hộ.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có những chương trình đào tạo chuyên ngành tương tự dù an toàn thang máy đang trở thành vấn đề cấp thiết cần được quan tâm, nhất là trong thời gian qua khi số lượng sự cố liên quan đến thang máy đang ngày càng gia tăng. Do đó, việc đào tạo để lực lượng cứu nạn cứu hộ, đội ngũ kỹ thuật tòa nhà, kỹ thuật thang máy,… có kỹ năng và quy trình cứu hộ thang máy đúng, đảm bảo cả an toàn sức khỏe và tính mạng con người cũng như hạn chế làm hư hỏng thiết bị thang máy là nhu cầu thiết yếu và cấp bách.
Trong thời gian qua, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã thiết kế và tổ chức các chương trình đạo tạo về cứu hộ thang máy, đồng thời hướng đến thành lập Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp hỗ trợ công tác cứu hộ thang máy trên toàn quốc trong thời gian tới.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật
Trần Vĩnh Phước
Theo TCVN 6396-20:2017 điều 5.10.7.1 – Hệ thống chiếu sáng và các ổ cắm thì Các nguồn cung cấp điện chiếu sáng cho cabin, cho giếng thang, buồng máy và puli, và các bảng điều khiển cho hoạt động khẩn cấp và thử nghiệm phải độc lập với nguồn cấp cho máy, hoặc thông qua một mạch điện khác, hoặc được nối vào mạch cấp nguồn cho máy nhưng phải nằm về phía nguồn của công tác chính hoặc các công tác chính trình bày ở 5.10.5.
Đây cũng là 1 thiết kế dựa theo tiêu chuẩn rất cần tham khảo và lưu ý.
Thanh Quy
Có thể chia sẽ chi tiết hơn tại sao cần tham khảo và lưu ý? Copy – paste nguyên văn nhưng không đề cặp công năng.