Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xác định có vai trò cốt lõi của phát triển công nghiệp bền vững. Thế nhưng, hiện nay doanh nghiệp CNHT Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp sản xuất linh kiện thang máy có số lượng khiêm tốn, lại chủ yếu sản xuất những chi tiết đơn giản, có hàm lượng và giá trị gia tăng thấp, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh đó rất cần một hành lang pháp lý tổng thể, bao quát để CNHT phát triển, xứng tầm trong chuỗi cung ứng linh, phụ kiện của một nền công nghiệp đang phát triển.
Đó là đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến của Việt Nam. Theo đó, những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất – kinh doanh của nền kinh tế, tuy nhiên chỉ chiếm gần 16,5% tỉ trọng trong GDP, thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đi tìm nguyên nhân, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các yếu tố được coi là thế mạnh đầu vào của một ngành sản xuất công nghiệp là nhân lực, nguyên liệu, bán thành phẩm, công nghệ,… Yếu tố đầu vào được đánh giá là lợi thế khi có giá rẻ hay hợp lý sẽ hấp dẫn được nhà đầu tư, sản phẩm đầu ra sẽ có sức cạnh tranh cao và nền kinh tế tích lũy được giá trị gia tăng. Tuy nhiên, những thế mạnh về nguyên liệu, nhân lực tại chỗ của ta nhiều khi lại không phát huy tác dụng khi chúng ta nhập bán thành phẩm vì công nghệ chế biến kém, cùng với nhân lực không có trình độ cao, sử dụng công nghệ lạc hậu,… Đó cũng là những điểm yếu khiến CNHT không thể phát triển được. Các yếu tố đó khiến sản phẩm sản xuất trong nước có giá cao nhưng giá trị gia tăng thấp và sức cạnh tranh kém.
80% trong tổng số gần 30.000 linh kiện của một chiếc ô tô sản xuất lắp ráp trong nước là nhập khẩu
Trao đổi với PV Tạp chí Thang máy, ông Dương Danh Tại, Chánh văn phòng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trong hơn 150 hội viên của Hiệp hội là các doanh nghiệp CNHT, không có bất cứ doanh nghiệp nào chuyên sản xuất linh kiện, phụ kiện thang máy. Chỉ có một doanh nghiệp sản xuất “thêm” một chi tiết của thang máy là vỏ tủ điện. Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, đến thời điểm này cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Những năm gần đây, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng, trong đó khoảng 5.000 sản phẩm nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam. Với quy mô thị trường, tiềm năng phát triển lớn như thế của ngành thang máy mà cả Hiệp hội CNHT không có một doanh nghiệp nào sản xuất linh kiện, phụ kiện thang máy thì đúng là khó chấp nhận được.
Còn theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), có đến 80% trong tổng số gần 30.000 linh kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu. Cụ thể, theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì sau gần 30 năm phát triển, CNHT ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, 14 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô tải. Trong danh sách này không có những chi tiết quan trọng như động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn hay các hệ thống điện tử trên xe.
Qua tìm hiểu các trang web cung cấp linh kiện, phụ kiện thang máy tại Việt Nam cho thấy, khách hàng có thể dễ dàng mua được rất nhiều linh kiện, phụ kiện của một chiếc thang máy, trong đó có nhiều chi tiết quan trọng như động cơ, biến tần, bo mạch vi xử lý, biến tần tích hợp vi xử lý, tủ điều khiển, cáp tải chuyên dụng, thiết bị chống vượt tốc,… Tìm hiểu kỹ, hầu như tất cả các linh kiện, phụ kiện đó đều được nhập khẩu vào Việt Nam.
Sản xuất linh kiện thang máy tại Công ty TNHH Thang máy – Cơ khí Tân Lập – một trong số ít doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện thang máy
Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc CNHT ngành sản xuất thang máy của Việt Nam đã số lượng ít lại chỉ sản xuất những chi tiết đơn giản, cồng kềnh, có hàm lượng và giá trị gia tăng thấp như vách và cửa tầng, bộ phận khung cơ khí, bộ phận đối trọng của thang máy cáp, một số loại cáp điện và một số chi tiết khác như vỏ tủ điện của hệ thống tủ điện thang máy, hệ thống bóng đèn chiếu sáng cho thang máy, sàn cabin, trần giả bên trong cabin, bộ phận tay vịn,… Hầu hết các chi tiết này chỉ được sử dụng trong các thang máy phân khúc thấp. Do linh kiện, phụ kiện thang máy được sản xuất trong nước có hàm lượng công nghệ, độ quan trọng thấp nên có giá trị gia tăng thấp, không có độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư sản xuất trong nước. Một yếu tố khác khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà đầu tư sản xuất linh kiện, phụ kiện thang máy mà quy mô thị trường chưa đủ lớn, nhu cầu về sản phẩm thấp nên lợi nhuận không cao.
Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp CNHT của nước ngoài do tối ưu sản xuất, có nguồn cung cấp nguyên liệu tại chỗ ổn định, thường xuyên cập nhật công nghệ mới nên sản phẩm cùng phân khúc có giá thành rất cạnh tranh, khiến các doanh nghiệp CNHT của ta bị mất khách hàng ngay trên sân nhà. Hệ quả là hệ thống CNHT cho sản xuất thang máy èo uột, không phát triển được, đó là một trong những nguyên nhân lãng phí nhân lực, tài nguyên, chảy máu ngoại tệ,…
Đối với ngành thang máy, có một nghịch lý là sự chênh lệch giá rất lớn ngay cả các loại thang máy được cho là sản xuất trong nước. Theo đó, một số loại thang máy được quảng cáo là “liên doanh” được lắp ráp trong nước có giá rất rẻ so với ngay cả những thang máy được sản xuất tại Trung Quốc. Một chuyên gia về thang máy đã thốt lên, với giá rẻ một cách bất hợp lý như vậy, ngay cả người sành sỏi nhất cũng không biết được họ sản xuất linh kiện ở đâu, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào để lắp ráp những chiếc thang giá rẻ như thế! Bởi thế, nhiều doanh nghiệp cũng muốn đầu tư, chuyển giao công nghệ các thương hiệu thang máy lớn để sản xuất trong nước nhưng lại e ngại tình trạng hỗn loạn của thị trường thang máy, sự cạnh tranh không lành mạnh hiện nay.
Xưởng sản xuất linh kiện thang máy
Trong tình hình đó, theo Ban chỉ đạo 35 của Bộ Công thương, để phát triển CNHT, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng, trước hết cần rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển, xây dựng các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp CNHT cũng kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách thích hợp, cụ thể để kiểm soát chất lượng, minh bạch nguồn gốc nguồn linh kiện phụ kiện, sản phẩm nhập ngoại, có các chính sách hỗ trợ CNHT phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thực chất bằng các quy định cụ thể, hiệu quả…
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật