TCTM – Việc tiêu chuẩn hóa ngành thang máy, tập trung đào tạo nhân lực trong ngành sẽ tạo nên uy tín và nền tảng phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp thang máy Việt Nam ngay tại thị trường nội địa.
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp hạt nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thang máy và thiết bị thang máy trong nước do Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tổ chức diễn ra sáng ngày 16/5/2023, ông Bùi Mạnh Cường – Giám đốc khu vực Miền Bắc Công ty TNHH Thang máy Kỹ Thuật điện Hisa, kiêm Phó Giám đốc Công ty TNHH Thang máy – Cơ khí Tân Lập bày tỏ lo ngại về thực trạng trong ngành thang máy Việt hiện nay.
Ông Bùi Mạnh Cường – Giám đốc khu vực Miền Bắc Công ty TNHH Thang máy Kỹ Thuật điện HISA
“Hiện tại thang máy các doanh nghiệp Việt chủ yếu dựa vào thương hiệu cá nhân nhiều hơn là thương hiệu sản phẩm, thị trường. Ai tư vấn hay, tư vấn tốt thì sẽ được khách hàng lựa chọn.
Còn về phần thị hiếu, khách hàng chủ yếu vẫn hướng tới thang ngoại, nhưng do vấn đề chi phí đắt đỏ nên lựa chọn thang nội địa. Bài toán lớn nhất của thị trường thang máy Việt đó là đang dần mất vào tay doanh nghiệp thang máy ngoại”, ông Bùi Mạnh Cường bày tỏ nỗi trăn trở.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Kim Sao Mai – Giám đốc Công ty TNHH Thang máy D&D Sài Gòn cũng cho biết ở Hàn Quốc, các quy chuẩn tiêu chuẩn hoặc các quy định về một đơn vị thang máy được hoạt động cần phải đảm bảo các yếu tố về con người, được đào tạo chuyên môn.
Thông qua việc đào tạo, lao động trong ngành thang máy được cấp phép chứng chỉ và việc đào tạo, cấp chứng chỉ đó không chỉ là một lần trọn đời mà là 2-3 năm lặp lại việc đào tạo đó, cập nhật những quy định mới, kiến thức mới về ngành thang máy.
“Chính vì những quy chuẩn đào tạo bên Hàn Quốc rất tốt nên đã vô hình bảo vệ được các doanh nghiệp nội địa. Nó tạo nên vòng vây bảo vệ cho các doanh nghiệp nội địa khỏi sự thâm nhập của các doanh nghiệp ngoại kém chất lượng”, bà Kim Sao Mai cho hay.
Bà Kim Sao Mai – Giám đốc Công ty TNHH Thang máy D&D Sài Gòn
Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy D&D Sài Gòn cho biết thêm dù cho các doanh nghiệp thang máy Hàn Quốc đặt các sản phẩm OEM (Original Equipment Manufacturer – Nhà sản xuất thiết bị gốc) ở các nước khác thì sản phẩm đó cũng phải theo quy chuẩn của họ chứ không phải hôm nay bạn tới chào bán, bạn có một sản phẩm giá rẻ hơn là sẽ bán được hàng.
“Ngành thang máy Việt cần phải chú trọng hơn tới các công tác đào tạo, tiêu chuẩn hóa nhân lực trong ngành cũng như đặt ra những yêu cầu cao hơn về quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành. Và cũng từ đó, chính chúng ta cũng có thể tự tạo ra một vòng vây để bảo vệ các doanh nghiệp thang máy nội địa”, bà Kim Sao Mai cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch Công ty CP Công nghiệp VP Tech cũng nêu vấn đề, hiện tại ngành thang máy Việt của chúng ta mới chỉ sản xuất được một phần, chưa sản xuất được tất cả. Song, chúng ta cần phải từng bước, xây dựng lộ trình nội địa hóa, có như vậy thang máy Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Cũng nói về vấn đề này, bà Kim Sao Mai chia sẻ một nhà máy tại Hàn Quốc sẽ không sản xuất tất cả các linh phụ kiện của thang máy, thay vào đó các doanh nghiệp sẽ chuyên môn hóa vào một dòng sản phẩm thế mạnh, điều này giúp chi phí đầu tư ban đầu không dàn trải. Doanh nghiệp tập trung vào sản xuất một sản phẩm trong chuỗi cung ứng thang máy nên hiệu quả tối ưu hơn rất nhiều.
Theo bà Kim Sao Mai, đây là những vấn đề cần giải quyết từ nguồn gốc ban đầu và khi Hiệp hội cần định hướng các doanh nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, bớt dàn trải thì như vậy chi phí đầu tư ban đầu của chúng ta sẽ giảm đi và hiệu quả sản xuất sẽ tăng lên.
Ông Phùng Đức Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thang máy Giang Anh
Chung quan điểm, ông Phùng Đức Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thang máy Giang Anh đề xuất các doanh nghiệp có thể cùng nhau tạo ra một sản phẩm chung của ngành thang máy Việt, tập trung vào chất lượng.
Bên cạnh các sản phẩm riêng của từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp thang máy nội địa có thể tập trung vào việc phát triển tốt từng bộ phận của thang máy, từ đó tạo ra một hệ sinh thái của ngành thang máy Việt thay vì bắt chước để cạnh tranh với nhau như hiện nay. Tức là, thay vì phát triển phần ngọn như hiện nay, doanh nghiệp thang máy Việt cần chú trọng vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nêu ý kiến tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch VNEA cũng cho biết, từ các cuộc hội thảo quốc gia trước đây, Hiệp hội cũng đã đề xuất ngành thang máy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kỹ thuật viên cần có chứng chỉ năng lực. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải có trình tự để các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
“Tiêu chuẩn hóa, đưa ngành thang máy là ngành nghề có điều kiện chính là “lưới lọc” của cả doanh nghiệp nội và ngoại. Điều này giúp tránh việc thị trường thang máy là thị trường liên quan đến an toàn mà ai muốn vào cũng được, muốn ra cũng được”, Chủ tịch VNEA nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hải Đức cũng cho hay, các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản,… đều đưa ra quy định có điều kiện đối với ngành thang máy cũng như đào tạo nhân lực có chứng chỉ, tiêu chuẩn khi có nhiều vụ việc mất an toàn đã xảy ra trước đây.
Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Chủ tịch VNEA cũng nhấn mạnh, kỹ thuật viên có chứng chỉ năng lực là căn cứ đánh giá công bằng cho người lao động và quản lý hiệu quả nguồn lao động thang máy. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần cùng nhau cam kết sử dụng nguồn lao động được cấp chứng chỉ năng lực và có chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Từ việc nâng cao tiêu chuẩn hóa ngành thang máy giúp tạo ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng cho những doanh nghiệp có năng lực thực sự, đối với cả doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế khi tham gia vào thị trường thang máy Việt.
Chủ tịch VNEA nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt cần phải thực sự nghiêm túc trong việc xây dựng thương hiệu, cùng nhau làm trong sạch thị trường thang máy từ đó người tiêu dùng cũng sẽ tin tưởng vào chất lượng của các thương hiệu thang máy Việt và cộng đồng sẽ ủng hộ cho sự phát triển của chúng ta.
Bà Đoàn Thị Nhài – Giám đốc Công ty TNHH Thang máy Phúc Thành
Đồng thuận với ý kiến trên, bà Đoàn Thị Nhài – Giám đốc Công ty TNHH Thang máy Phúc Thành cũng mong muốn sẽ tạo ra được tiêu chuẩn, quy chuẩn một cách dễ hiểu, cụ thể cho ngành thang máy Việt để các doanh nghiệp có thể tuân thủ, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho ngành cũng như gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Hoàng Thế Duy – Chủ tịch Công ty CP Liên doanh ALPEC
Ông Hoàng Thế Duy – Chủ tịch Công ty CP Liên doanh ALPEC cũng bày tỏ mong muốn Hiệp hội có thể tham gia tư vấn, cố vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho ngành, đưa ngành thang máy Việt trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ông Phạm Khắc Thành – Chủ tịch Công ty TNHH Thang máy Thành Phát
Trong khi đó, ông Phạm Khắc Thành – Chủ tịch Công ty TNHH Thang máy Thành Phát cũng nhấn mạnh Hiệp hội cần xây dựng quyền lực mạnh mẽ hơn với sự góp mặt của các công ty thang máy lớn để tăng tính cộng đồng, tạo ra sân chơi cộng đồng lành mạnh cho ngành.
Kết thúc buổi làm việc, các doanh nghiệp đều đồng thuận và mong muốn đưa ngành thang máy trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tiêu chuẩn hóa ngành thang máy từ linh, phụ kiện, thiết bị tới nhân lực làm việc trong ngành. Điều này không chỉ giúp loại bỏ vấn nạn hàng giả, hàng nhái mà còn gây dựng niềm tin trong người tiêu dùng cũng như là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành di chuyển đứng của Việt Nam.
Đọc thêm:
Các doanh nghiệp hạt nhân trong nước bàn về định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam
Hồng Nhung
Thông tin mới cập nhật
Anonymous
Các ông nói thật có dám làm thật không ?
QC02
Các ông nói thì hay, nhưng làm thì ăn xổi. Xong các ông hô hào cả ngành tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa. Thực sự công tâm thì sản phẩm các ông làm ra đã đáp ứng được bao nhiêu % yêu cẩu của QC 02? Làm màu quá đấy các ông tổ nghề dán nhãn 🙂