TCTM – Từ vấn đề được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo, nhìn lại ngành thang máy, không ít trường hợp tư vấn thiết kế lựa chọn cửa tầng thang máy chống cháy có tiêu chuẩn EI vượt yêu cầu của công trình, gây lãng phí nguồn lực.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Theo đó, qua công tác nắm bắt thực tiễn, đối thoại với hàng nghìn cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm việc với Bộ Công an và ý kiến của các địa phương, Bộ Xây dựng đã tổng hợp một số khó khǎn, vướng mắc chủ yếu về PCCC thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các công trình xây mới hoặc cải tạo sửa chữa mới lại gặp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC.
Cụ thể, qua các phương tiện truyền thông, các văn bản của các địa phương, một số công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ về Quy chuẩn 06, có thể tổng hợp một số vấn đề chủ yếu sau: Sơn chống cháy; Giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái; Vật liệu hoàn thiện; Cải tạo sửa chữa; Yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quá cao.
Đáng chú ý, riêng đối với vấn đề yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quá cao, Bộ Xây dựng cho biết trên thực tế nhiều đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC đã lựa chọn các giải pháp không phù hợp, cao hơn quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn để thẩm duyệt thuận lợi hơn, sau đó vướng mắc trong thi công và nghiệm thu PCCC và đổ lỗi cho quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc cơ quan cảnh sát PCCC.
Phân tích các khó khăn, vướng mắc nêu trên cho thấy, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về PCCC chưa có nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC nói chung và QCVN 06:2022/BXD nói riêng. Tồn tại nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai.
Bộ Xây dựng cũng cho biết có những nội dung dù đã được quy định từ lâu, nhưng không được quan tâm, đến nay khi tăng cường quản lý về PCCC mới nhận thức được, cho thấy còn hạn chế nhất định về sự nắm bắt và tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Không ít trường hợp tư vấn thiết kế lựa chọn cửa tầng thang máy chống cháy có tiêu chuẩn EI vượt yêu cầu của công trình, gây lãng phí nguồn lực (Ảnh: Behind the Badge)
Từ vấn đề được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo, nhìn lại ngành thang máy, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về yêu cầu tiêu chuẩn EI của cửa tầng thang máy chống cháy cho từng loại công trình.
Điều này cũng dẫn đến các trường hợp hồ sơ kiểm định vượt mức yêu cầu của công trình. Các trường hợp này không chỉ gây phát sinh chi phí, độn phí cho nhà đầu tư mà còn gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Cụ thể, trong quá trình lựa chọn cửa tầng thang máy chống cháy, nếu bên tư vấn thiết kế có năng lực và kinh nghiệm thì sẽ nghiên cứu thật kỹ công trình, vị trí nào cần EI 30, EI 60 hay EI 120.
Tuy nhiên, trong trường hợp các đơn vị, cá nhân muốn chắc chắn được phê duyệt các điều kiện PCCC sẽ yêu cầu thang máy đạt chuẩn cao hơn yêu cầu thực tế, dẫn đến tốn kém.
Chẳng hạn như, trong gói thầu số 9 cung cấp và lắp đặt thang máy (loại thang tải khách) thuộc dự án Trụ sở văn phòng Petrolimex Hải Dương được phát hành ngày 10/5/2023 yêu cầu thiết kế của tầng thang máy có khả năng chống cháy tối thiểu là E30.
Trong khi đó, cũng là gói thầu cung cấp và lắp đặt thang máy (loại thang tải khách) thuộc dự án Xây dựng trụ sở làm việc của Cảng vụ hàng không miền Bắc tại Cảng Hàng không quốc tế được phát hành ngày 28/9/2018 lại yêu cầu thiết kế cửa tầng thang máy có khả năng chống cháy trong vòng 60 phút.
Hay thậm chí, tại gói thầu MSHH 01: Cung cấp và lắp đặt 2 thang máy 1000kg, 9 điểm dừng tại dự án Cải tạo mở rộng Cơ sở làm việc Công an tỉnh Đồng Tháp được phát hành ngày 8/5/2023 yêu cầu thiết kế cửa tầng thang máy có khả năng chống cháy là E120.
Yêu cầu về cửa tầng thang máy có khả năng chống cháy E120 cũng được đề cập tại gói thầu Cung cấp lắp đặt thiết bị công trình tại dự án Xây dựng nhà ở học viên (Ký túc xá) – Học việc Chính trị khu vực I.
Trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và của (Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị)
Ngoài ra, cũng trong báo cáo của Bộ Xây dựng, các công trình xây mới hoặc cải tạo sửa chữa mới lại gặp khó khăn trong vấn đề chuyển tiếp đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế, góp ý hoặc thẩm duyệt về PCCC, nghiệm thu về PCCC.
Mặc dù Nghị định 136/2020/NÐ-CP và các quy chuẩn có quy định về các điều khoản chuyển tiếp và thời hạn có hiệu lực rất rõ ràng, trên nguyên tắc công trình đã được góp ý hoặc thẩm duyệt theo quy định tại thời điểm nào thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm đó, nhưng thực tế vẫn có những trường hợp sử dụng quy chuẩn mới cho các công trình đã được thiết kế và góp ý hoặc thẩm duyệt truớc đó.
Theo Luật PCCC 2021, sửa đổi 2013, các Tiêu chuẩn PCCC là bắt buộc áp dụng. Như vậy, về bản chất các tiêu chuẩn PCCC này cũng có hiệu lực tương đương như quy định
Ðối với các tiêu chuẩn về PCCC (bắt buộc áp dụng) thì không có điều khoản chuyển tiếp và có hiệu lực ngay khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/QH11/2006 và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan).
Quy định này cũng tạo ra những vướng mắc, khó khǎn nhất định trong việc chuyến tiếp của các công trình, dự án.
Đối với những vấn đề liên quan tới các công trình hiện hữu, Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số vấn đề vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, các công trình hiện hữu có vi phạm về PCCC được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau (trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực), mà không được xử lý kịp thời hoặc thông báo cụ thể với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý.
Mặc dù vậy, theo các công văn của một số địa phương, thì vẫn có việc áp dụng các quy định mới cho các công trình hiện hữu.
Theo Bộ Xây dựng, đây là cách hiểu không chính xác với nguyên tắc chuyển tiếp của quy chuẩn và nguyên tắc không hồi tố của vǎn bản pháp luật, dẫn đến một bộ phận người dân và Chủ đầu tư công trình hiểu sai rằng quy chuẩn mới gây khó khăn, bắt buộc phải cải tạo sửa chữa theo quy chuẩn mới, trong khi công trình đang vi phạm chính các quy định PCCC tại thời điểm được thẩm duyệt hoặc xem xét nghiệm thu.
Vụ cháy quán karaoke An Phú làm hơn 30 người chết ở Bình Dương (Ảnh: Thanh niên)
Thứ hai, số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về PCCC chiếm tỷ trọng lớn nhất (66,2%). Thông thường, khi công trình không phải thẩm duyệt về PCCC thì các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cũng ít được quan tâm.
Thứ ba, các vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản (thoát nạn cho người, ngǎn chặn cháy lan) chiếm tỷ trọng lớn nhất (63,1%).
Mặt khác, theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, kể từ 2001 đến nay thống kê rà soát được 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu.
Điều này cho thấy, ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn còn hạn chế.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật