TCTM – Liên quan tới những quy định phòng cháy chữa cháy cho nhà ở và công trình, cửa tầng thang máy chống cháy là một phần quan trọng trong hệ thống chống cháy của công trình.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, sản phẩm cửa tầng thang máy khi thử nghiệm khả năng chống cháy cần được áp dụng theo phương pháp thử nghiệm được quy định tại văn bản Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6396-58.
Quy định về cửa tầng thang máy theo QCVN 03:2021/BCA.
Theo đó, về kết cấu mẫu thử, mẫu thử phải đại diện đầy đủ cho bộ cửa đối với các thông tin được yêu cầu. Tức, quá trình thử nghiệm buộc phải thử nghiệm trên một hệ thống hoàn chỉnh gồm phụ kiện đi kèm.
Tại mục 3.5 định nghĩa về bộ cửa có nêu rõ, cụm chi tiết đầy đủ bao gồm khung cửa hoặc bộ phận dẫn hướng, tấm hoặc các tấm lát cửa được trang bị để phục vụ cho đi vào và đi ra nơi ca bin đỗ. Bộ cửa bao gồm tất cả các cánh cửa, khuôn cửa, vật liệu bít kín và các bộ phận vận hành.
Về kích thước mẫu thử, mẫu thử phải có kích thước thực hoặc kích thước lớn nhất để có thể thích ứng với lò nung.
Cụ thể, kích thước điển hình của cửa trước cửa lò là 3 m x 3 m. Để phơi ra được thì kết cấu đỡ cần có chiều rộng tối thiểu là 200 mm đối với lò điển hình 3 m x 3 m, lỗ trong kết cấu đỡ được hạn chế đến 2,6 m x 2,8 m (chiều rộng x chiều cao).
Thử nghiệm chịu lửa cửa tầng thang máy chống cháy. (Ảnh: ISF Elevators).
Đáng chú ý, về số lượng mẫu thử, khi cửa chỉ bị phơi ra trước sự đốt nóng từ phía đi vào thang máy thì chỉ cần thử với một mẫu thử. Có thể cần đến một mẫu thử thứ hai theo để kiểm tra xác nhận kết cấu của cửa.
Cụ thể, theo TCVN 6396-58, trường hợp cần tới mẫu thử thứ hai là khi phương pháp cấu trúc ngăn cản việc xem xét tỉ mỉ mẫu thử để đảm bảo không có hư hỏng vĩnh viễn hoặc không thể đánh giá được các chi tiết của kết cấu sau khi kiểm tra phép thử thì phòng thử nghiệm phải sử dụng một trong hai lựa chọn.
Trong đó, lựa chọn thứ hai là người yêu cầu thử phải cung cấp một bộ cửa hoặc một phần của bộ cửa bổ sung (ví dụ như tấm lát cửa) vào số lượng yêu cầu cho thử. Sau đó phòng thử nghiệm sẽ tự do lựa chọn mẫu thử nào trong các mẫu thử này phải được đưa vào thử và mẫu thử nào phải được sử dụng cho kiểm tra kết cấu.
Theo quy định tại QCVN 03:2021/BCA, sau khi thực hiện kiểm định, đơn vị trực tiếp kiểm định có trách nhiệm lưu một mẫu có cấu tạo tương tự mẫu đã thử nghiệm, thời gian lưu là 18 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu.
Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận kiểm định có giá trị đối với mẫu kết cấu, cấu kiện đã được lấy mẫu thử nghiệm của đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định. Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đơn vị sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm tương ứng với mẫu đã được kiểm định khi đưa ra lưu thông trên thị trường và quy định của pháp luật có liên quan về sản phẩm chất lượng hàng hóa.
Như vậy, quy chuẩn này không yêu cầu việc cấp Giấy chứng nhận kiểm định về PCCC cho từng dự án, công trình cụ thể.
Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy của cửa tầng thang máy mẫu mới nhất năm 2023. (Nguồn: Thang máy ALPEC).
Về thời hạn, quy chuẩn ghi rõ, Giấy chứng nhận kiểm định có giá trị đối với mẫu kết cấu, cấu kiện đã được lấy mẫu thử nghiệm của đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Tuy nhiên, điều khiến một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thang máy tại Việt Nam băn khoăn là Giấy chứng nhận lại không ghi thời hạn có hiệu lực của việc thử nghiệm mẫu, liệu mẫu thử nghiệm sau khi đạt yêu cầu thì có cần đánh giá lại hay không và bao lâu cần phải đánh giá lại?
Theo quy chuẩn QCVN 03:2021/BCA, đối với các phương tiện phòng cháy và chữa cháy mà Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quy định hoặc không quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật này thì Cục Cảnh sát PCCC&CNCH căn cứ điều kiện thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 xem xét sử dụng kết quả kiểm định của cơ quan tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp Giấy chứng nhận kiểm định.
Theo đó, tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 là yêu cầu chung đối với năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn.
Liên quan đến vấn đề cửa chống cháy thang máy, hiện đang có sự khác biệt giữa hai quy chuẩn do Bộ Xây dựng và Bộ Công an ban hành.
Cụ thể, theo QCVN 06:2022/BXD do Bộ Xây dựng ban hành, cửa giếng thang máy được định nghĩa là cửa ra vào được thiết kế để lắp đặt trong giếng thang tại nơi đỗ để cho phép đi vào và ra khỏi cabin thang máy.
Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu cửa giếng thang máy chống cháy không nhỏ hơn E 30.
Quy định về cửa giếng thang máy theo QCVN 06:2022/BXD.
Trong khi đó, theo quy chuẩn QCVN 03:2021/BCA do Bộ Công an ban hành lại yêu cầu cửa chống cháy thang máy đáp ứng tính toàn vẹn và tính cách nhiệt (EI).
Về định nghĩa cửa tầng thang máy, TCVN 6396-58 nêu rõ đây là cửa ra vào được thiết kế để lắp đặt trong giếng thang tại nơi đỗ để cho phép đi vào và ra khỏi cabin.
Quy định về cửa tầng thang máy theo QCVN 03:2021/BCA.
Trên thực tế, Bộ Xây dựng phụ trách phê duyệt cấp phép còn Bộ Công an phụ trách về khâu nghiệm thu PCCC nên các Chủ đầu tư các công trình sẽ đáp ứng theo quy chuẩn cao hơn là QCVN 03:2021/BCA để công trình được nghiệm thu.
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về yêu cầu tiêu chuẩn EI của cửa tầng thang máy chống cháy cho từng loại công trình. Điều này cũng dẫn đến các trường hợp hồ sơ kiểm định vượt mức yêu cầu của công trình. Các trường hợp này không chỉ gây phát sinh chi phí, độn phí cho nhà đầu tư mà còn gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Trong quá trình lựa chọn cửa tầng thang máy chống cháy, nếu bên tư vấn thiết kế có năng lực và kinh nghiệm thì sẽ nghiên cứu thật kỹ công trình, vị trí nào cần EI 30, EI 60 hay EI 120. Tuy nhiên, trong trường hợp các đơn vị, cá nhân muốn chắc chắn được phê duyệt các điều kiện PCCC sẽ yêu cầu thang máy đạt chuẩn cao hơn yêu cầu thực tế, dẫn đến tốn kém.
Để thuận lợi trong tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu chất, vật liệu chống cháy, hiện đã có 4 đơn vị thử nghiệm, trong đó một số đơn vị có nhiều cơ sở khác nhau rải rác tại các địa phương, được Bộ Xây dựng cấp phép thực hiện các thử nghiệm chịu lửa tính tới thời điểm tháng 4/2023.
Quý độc giả tham khảo: Danh sách các đơn vị thử nghiệm, kiểm định kết cấu chịu lửa của vật liệu chống cháy
Ngoài ra, còn nhiều đơn vị thử nghiệm khác đang trong quá trình triển khai và xin cấp phép tại Bộ Xây dựng.
Bên cạnh các quy định về cửa tầng thang máy chống cháy, quý độc giả có thể tham khảo thêm: Quy định về phòng cháy chữa cháy liên quan đến thang máy.
Tiêu chuẩn EI trong chống cháy là bộ tiêu chuẩn quy định về giới hạn chịu lửa của các vật liệu chống cháy. Giới hạn này được xác định bằng khoảng thời gian tính từ khi bắt đầu thí nghiệm chịu lửa theo chế độ gia nhiệt tiêu chuẩn, cho đến khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của các giới hạn trạng thái được quy định. Cụ thể:
E (Integrity) là giới hạn về độ toàn vẹn của vật liệu. Theo TCVN 6396-58, đối với các cửa tầng thang máy, tiêu chuẩn về tính toàn vẹn được thỏa mãn với điều kiện là tốc độ rò rỉ trên một mét chiều rộng của ô cửa không vượt quá 3 m3/(min.m), không tính đến 14 min thử đầu tiên. Tính toàn vẹn không được coi là đạt yêu cầu khi xuất hiện ngọn lửa được duy trì. Sự tạo ra ngọn lửa được duy trì là sự tạo ra ngọn lửa trong thời gian lớn hơn 10 s.
I (Insulation) là giới hạn về khả năng cách nhiệt, mà tại giới hạn đó, vật liệu vẫn giữ được khả năng cách nhiệt ổn định kết, cấu chính của vật liệu không bị ảnh hưởng bởi tác dụng nhiệt.
Theo TCVN 6396-58, nếu áp dụng các yêu cầu về cách nhiệt thì tiêu chuẩn cách nhiệt l được coi là không đạt yêu cầu khi độ tăng nhiệt độ trung bình vượt quá 140 oC.
Độ tăng nhiệt độ lớn nhất trên tấm lát cửa, tấm phía trên và tấm bên cạnh có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 300 mm không được vượt quá 180 oC. Khi các bộ phận thẳng đứng và/hoặc các tấm phía trên có chiều rộng (đối với bộ phận thẳng đứng) hoặc chiều cao (đối với các tấm phía trên) từ 100 mm đến 300 mm thì độ tăng nhiệt độ lớn nhất của các bộ phận này không được vượt quá 360 oC.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật