Thang máy là một sản phẩm liên quan đến an toàn nên cần được kiểm tra và bảo trì định kỳ. Các chuyên gia của Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy đã gợi ý một số việc cần làm để gia chủ tự giám sát công việc của kỹ thuật viên (KTV) bảo trì nhằm bảo vệ gia đình.
Việc một người lạ vào nhà và chạy lên chạy xuống trong không gian riêng tư giữa các tầng là điều hết sức tế nhị và phức tạp cho gia chủ. Họ có thể ra ở bất cứ tầng nào họ muốn nên cần đặt ra yêu cầu đảm bảo an toàn cho người nhà, đảm bảo không bị mất cắp nếu nhân thân hay đạo đức của kỹ thuật viên không đảm bảo. Do vậy, việc tối thiểu gia chủ cần làm là:
– Thuê dịch vụ thang máy của công ty có năng lực, uy tín.
– Trước khi bảo trì phải có lịch hẹn, KTV phải trình thẻ có dấu, có mã QR còn hiệu lực và không mờ nhòe, tẩy xóa,… kèm phiếu giao việc có dấu của công ty cung cấp dịch vụ, trang phục bảo hộ lao động đầy đủ. Nếu thấy nghi ngờ, gia chủ phải báo cho công ty cung cấp dịch vụ để xác nhận hoặc yêu cầu xuất trình căn cước xem có phù hợp với các giấy tờ khác không.
Trong thời gian tới, khi Nhà nước yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ hành nghề (đối với nghề liên quan đến an toàn, sức khỏe,…), yêu cầu nhân viên kỹ thuật xuất trình chứng chỉ hoặc có thể quét mã QR để kiểm tra, đối chiếu về nhân thân, về công việc bảo trì, sửa chữa trên hệ thống quản lý dữ liệu.
Chức năng cứu hộ tự động (ARD – Automatic Rescue Device) là một chức năng an toàn bắt buộc phải có, đề phòng trường hợp đột ngột mất điện thang máy đưa cabin về tầng gần nhất để người dùng thoát ra ngoài. Nhưng trên thực tế thì thiết bị này có thể bị hỏng, ắc quy hết điện… nhưng gia chủ không biết. Muốn kiểm tra chức nănng này có hoạt động bình thường hay không, khi nghiệm thu bảo trì phải yêu cầu KTV cắt điện đột ngột thực hiện trường hợp giả định, xem cabin có được đưa về tầng gần nhất hay không.
KTV đang bảo trì thang máy
Những thang máy tối tân, hiện đại còn tích hợp hệ thống SRS (Self Rescue System- Hệ thống tự cứu hộ) phòng khi mất điện, bộ cứu hộ ARD hỏng thì người đi thang có thể ấn nút SRS để tự giải thoát mà không cần trợ giúp. Để kiểm tra hệ thống này, bạn giả định mất điện đồng thời yêu cầu ngắt điện của bộ cứu hộ tự động (ARD) để nhất nút SRS trong cabin xem cabin có tự về tầng gần nhất bình thường không.
Thang máy tiêu chuẩn có hệ thống liên lạc nội bộ (Intercom) nhằm đảm bảo liên lạc 3 điểm: Người trong cabin, người ở ngoài phòng trực và tủ điện phòng máy. Hệ thống này chỉ hữu hiệu với thang máy công cộng luôn có người qua lại hay có bảo vệ thường trực. Nhưng đối với thang máy gia đình thì hệ thống này ít hiệu quả khi người ở nhà một mình sử dụng thang bị nhốt thì có gọi cũng không có ai nghe.
Nút bấm Emcall trong cabin thang máy
Để khắc phục tình trạng này, gần đây một số hãng thang máy đã cung cấp hệ thống gọi khẩn cấp Emcall (Emergency Call) Hệ thống này có thể thực hiện chức năng:
– Tự động gửi lỗi về trung tâm dịch vụ bằng tin nhắn.
– Khi người đi thang bị nhốt một mình thì chỉ cần ấn vào nút Emcall trong cabin thì cuộc gọi được tự động chuyển đến 5 số điện thoại do bạn tùy ý lựa chọn để cài đặt (ví dụ: 3 số người nhà, 2 số tổng đài của bên cung cấp dịch vụ, hay cứu hộ 114). Ngay khi bạn nhấn nút, hệ thống Emcall sẽ tự động quay số thứ nhất, nếu không có người bắt máy sau 10s (hoặc theo thời gian cài đặt) sẽ tự động chuyển sang số thứ 2 và lặp lại cho đến khi có người nhấc máy và đến cứu hộ.
Khi mất điện bắt buộc quạt thông gió và đèn chiếu sáng khẩn cấp trong cabin phải hoạt động tối thiểu 30’ để đảm bảo ánh sáng và lưu thông không khí. Do vậy, bạn yêu cầu KTV sau khi bảo trì xong phải cho bạn kiểm tra chức năng này bằng cách đứng trong cabin và cắt điện tổng để xem tình trạng của hệ thống.
Sau khi kết thúc buổi bảo trì, bạn yêu cầu KTV trình lại biên bản để kiểm tra, nếu bạn hài lòng với tất cả các hạng mục công việc mới tiến hành ký xác nhận. Bạn hoàn toàn có quyền chất vấn về những nội dung công việc và tình trạng trong biên bản. Nếu có nghi ngờ hoặc chưa rõ về bất cứ hạng mục công việc nào trong công tác lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy, bạn có thể đề nghị trợ giúp từ Trung tâm hỗ trợ và tư vấn dịch vụ của Hiệp hội Thang máy Việt Nam (Số điện thoại: 02473099868) hoặc Đường dây nóng của Tạp chí Thang máy (0989761499) để phản ánh. Đồng thời, bạn đừng quên kiểm định thang máy định kỳ theo quy định nhé.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật