Kiến trúc – vẻ đẹp của văn hóa và nghệ thuật. Không có một đại diện nào thể hiện chính xác vẻ đẹp văn hóa bản địa hơn những công trình kiến trúc. Trong xu hướng đô thị hóa toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới biết đến với những công trình kiến trúc tiêu biểu nào?
1. Nhà 5 khối phủ cây cảnh ở Sài Gòn: Giải nhất hạng mục Nhà ở tại Festival kiến trúc thế giới năm 2014
Ngày 1/10, công trình mang tên “House for trees” (Ngôi nhà dành cho cây xanh) của nhóm KTS Võ Trọng Nghĩa, Masaaki Iwamoto và Kosuke Nishijima được vinh danh tại Festival Kiến trúc Thế giới – một trong những giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực kiến trúc.
Ngôi nhà đặc biệt này được hoàn thành đầu năm 2014, ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, là công trình đầu tiên của Việt Nam được xây dựng bằng bê tông cốp pha tre. Dựa trên ý tưởng về những chậu cây, toàn bộ phần mái nhà được phủ bằng cây xanh và cách bố trí các khối lăng trụ, đem lại bầu không khí trong lành, thoải mái, là nơi nghỉ ngơi lí tưởng trong thành phố, nơi có mật độ dân cư đông đúc với nhiều ngôi nhà nhỏ chen chúc nhau như Sài Gòn.
Khu nhà làm trên diện tích 350m2 chia thành 5 lăng trụ có thể trồng cây xanh trên mái
2. Tòa nhà Bitexco (Sài Gòn)
Tọa lạc tại phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, tòa nhà Bitexco Financial còn được gọi với tên khác là Tháp Tài chính Bitexco. Công trình này được xây dựng vào tháng 5/2004, do kiến trúc sư người Mỹ Carlos Zapata thiết kế và khánh thành ngày 31/10/2010. Ý tưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ hình ảnh búp sen – biểu tượng của người Việt Nam, thể hiện cho khát vọng vươn lên của dân tộc, đại diện cho một Việt Nam đầy năng động nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Bitexco thu hút khách du lịch bởi lối kiến trúc vô cùng độc đáo, tòa tháp được xây dựng trên diện tích rộng 6.100m2, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh là 269m với 3 tầng hầm và 68 tầng lầu. Xung quanh tòa nhà bao bọc 6.000 tấm kính cường lực loại dày 28mm với 2 lớp kính dày 8mm mỗi bên và lớp khí cách âm, cách nhiệt dày 12mm ở giữa, đảm bảo hiệu quả cao về công năng sử dụng theo tiêu chí “thiết kế thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng”. Bitexco còn được trang bị hệ thống 12 thang máy đôi bên trong tòa nhà, di chuyển với tốc độ 7m/giây, ước tính du khách chỉ mất 45 giây để di chuyển đến bất cứ nơi nào trong tòa nhà.
Với thiết kế độc đáo kết hợp với hình khối của tòa tháp, sân đỗ trực thăng ở tầng 52 được ví như hình ảnh búp sen đang hé nở
3. Tổ hợp nhà tre ở Đại Lải (Vĩnh Phúc): Huy chương Vàng Kiến trúc châu Á
Bamboo Dailai Complex là tổ hợp gồm 2 công trình “Bamboo Wing” và “Nhà hội nghị Đại Lải” của Công ty Võ Trọng Nghĩa Architects nằm trong khu nghỉ mát tại Đại Lải, Vĩnh Phúc. Mỗi kiến trúc sử dụng những loại tre khác nhau: tre và luồng, phương pháp lắp ráp cũng khác biệt. Cả 2 được thiết kế theo kiểu đối lập: không gian mở – không gian đóng, cấu trúc tre cong – cấu trúc tre thẳng, cấu trúc cân bằng – cấu trúc nhịp dài,… Đây là nơi phục vụ ăn uống cho du khách và tổ chức sự kiện. Có thể nói đây là những kiến trúc tre hoành tráng nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Nhà hàng được bao quảnh bởi hồ cảnh, hình dáng mái nhà giúp dẫn gió mát từ mặt nước vào công trình tạo nên môi trường mát mẻ và không cần sử dụng máy điều hòa
4. Ngôi nhà Điên ở Đà Lạt
Biệt thự Hằng Nga hay còn gọi là Crazy House (Ngôi nhà Điên) là một công trình kiến trúc đặc biệt tại thành phố Đà Lạt. Công trình này do kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế và được bình chọn là một trong mười ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới. Đây là một trong những quần thể kiến trúc đặc biệt và lạ mắt, được xây dựng từ năm 1990 trên khuôn viên rộng gần 1.900m². Ngôi nhà không có góc vuông mà thay vào đó là mô phỏng các dạng sống tự nhiên, như nấm, vỏ sò, các hang động hay mạng nhện.
Tổng thể khu biệt thự “Ngôi nhà Điên”
5. Cầu Rồng (Đà Nẵng)
Cầu Rồng với hình dáng một con rồng là con đường ngắn nhất nối Sân bay Quốc tế Đà Nẵng với những đường trục chính trong thành phố. Không chỉ đóng vai trò là đường giao thông huyết mạch của thành phố, cầu Rồng, với kiến trúc mô phỏng con rồng thời Lý đang vươn mình bay ra biển, là một trong những kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt cứ vào 9 giờ tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, “Rồng” sẽ phun lửa, phun mưa bằng công nghệ hiện đại, khiến cho sông Hàn thêm phần sống động, thu hút. Lửa sẽ được phun trước với 2 lượt, mỗi lượt 9 lần và tiếp theo sau là phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 1 lần. Cầu có chiều dài 666m, rộng 37,5m bắc qua sông Hàn. Với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, cây cầu có sáu làn xe và được thông xe lần đầu vào ngày 29/03/2013 nhân dịp kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Thân cầu được thiết kế theo kiến trúc hình mái vòm đặc biệt và sử dụng tổng hợp 5 ống thép vừa để trang hoàng vảy rồng
Một công trình kiến trúc dù ở thời đại nào cũng sẽ phản ánh sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước. Kiến trúc chính là thước đo cho thấy được sự sáng tạo, tư duy nhạy bén cũng như mắt thẩm mỹ của con người qua từng thời đại khác nhau. Nhân Ngày Kiến trúc Việt Nam, hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm càng nhiều công trình thể hiện tầm vóc và vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam.
Đỗ Hương Giang
Thông tin mới cập nhật