TCTM – Hiện đại hóa không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các cấp độ hiện đại hóa thang máy và tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
Theo số liệu được đăng tải trên Propmodo, hiện nay hơn 7 triệu trong số 21 triệu thang máy trên thế giới đã có tuổi đời hơn 20 năm – độ tuổi mà các nhà quản lý tòa nhà bắt đầu phải cân nhắc tới vấn đề hiện đại hóa. Con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 15 triệu thang máy trong thập kỷ tới.
Hiệp hội Thang máy Châu Âu cũng đã công bố hoạt động hiện đại hóa các thang máy tại khu vực này đã tạo ra doanh thu hơn 1,6 tỷ Euro (khoảng 1,8 tỷ USD) chỉ riêng trong năm 2018. Trên quy mô toàn cầu, theo phân tích thị trường của IMARC, quy mô thị trường hiện đại hóa thang máy toàn cầu đạt 9 tỷ USD vào năm 2023.
Có thể thấy, việc duy trì hoạt động đảm bảo an toàn của các thang máy hiện có đã trở thành công việc chính của các công ty thang máy tại nhiều nơi trên thế giới. Để định hướng tốt hơn trong thị trường quan trọng này, bài viết này sẽ phân loại các hoạt động hiện đại hóa thang máy chính thành 5 cấp độ, đáp ứng các yêu cầu khác nhau.
Mục tiêu chính của cấp độ hiện đại hóa đầu tiên chính là duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống thang máy. Công việc này với yêu cầu chính là thay thế một loạt các thiết bị đã bị hao mòn, được nhóm thành các gói cụ thể dựa trên loại thành phần thiết bị.
Hoạt động này có nhiều điểm tương đồng với các hoạt động bảo trì thông thường trên các thang máy hiện có với việc thay thế một số thiết bị bị mòn hoặc trục trặc. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, hoạt động hiện đại hóa cấp độ 1 được thực hiện theo kế hoạch và cần phải thay thế một loạt các thiết bị cùng một lúc theo chỉ định của nhà sản xuất. Hoạt động này không chỉ giúp duy trì hiệu suất của thang máy mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho cả công ty thang máy và người sử dụng:
– Lập kế hoạch can thiệp: Các biện pháp can thiệp có thể được lên kế hoạch trước, thực hiện vào các thời điểm thang máy có ít người sử dụng nhất, hạn chế tối đâ việc gây bất tiện cho người dùng.
– Tránh gia tăng các chi phí: Việc thay thế các bộ phận thang máy theo lịch định sẵn giúp các công ty thang máy có thể lên kế hoạch phân bổ nhân lực và chuẩn bị vật tư hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp tránh tình trạng thang máy bị hỏng đột ngột, dẫn đến chi phí sửa chữa khẩn cấp.
– Tối ưu hóa hiệu suất hoạt động: Việc thay thế hoàn toàn các bộ phận thiết bị bị hao mòn giúp khôi phục lại hiệu suất ban đầu của thang máy một cách chính xác nhất. Đồng thời, tránh việc phải can thiệp liên tục vào các thiết bị chưa được thay thế và sớm bị hao mòn gây gián đoạn hoạt động.
Cấp độ hiện đại hóa thứ hai tập trung vào việc thay thế một thiết bị cụ thể của thang máy. Thông thường, hoạt động này tập trung vào các bộ phận làm gia tăng giá trị cho thang máy, nâng cao chất lượng và hiệu suất thang. Cụ thể, các bộ phận chính là bộ truyền động cửa cabin, máy kéo không hộp giảm tốc hoặc máy kéo có hộp giảm tốc, các bộ phận bên trong cabin và các bộ phận mang tính thẩm mỹ khác (bảng gọi tầng, gương, trần và đèn bên trong cabin).
Việc nâng cấp thang máy ở cấp độ này thường liên quan đến nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như thiết bị bị lỗi, cập nhật các tính năng mới vào hệ thống hiện có, cải thiện khả năng tiếp cận thang máy (ví dụ, một số thay đổi thường gặp là thay thể cửa mở tay bằng cửa tự động, hoặc thay thế cửa cabin mở thủ công bằng cửa cabin tự động). Ngoài ra, việc thay thế một bộ phận cụ thể của thang máy (thường liên quan tới vật liệu, màu sắc,…) còn nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người dùng.
Thang máy trước và sau khi được hiện đại hóa
Để đơn giản hóa quá trình nâng cấp thang máy, các nhà sản xuất linh kiện đã phát triển các sản phẩm chuyên dụng phục vụ cho hoạt động này:
– Được thiết kế với kích thước nhỏ gọn để dễ dàng lắp đặt vào thang máy đã được lắp đặt và có diện tích hạn chế;
– Được thiết kế để dễ dàng tương thích với các bộ phận hiện có của thang máy (chẳng hạn, liên kết cửa cabin tự động hiện đại với cửa tầng truyền thống hiện có);
– Có sẵn các giải pháp được thiết kế đặc biệt để thay thế một thiết bị gốc cụ thể, đảm bảo yếu tố tương thích, giải pháp lắp đặt tùy chỉnh và hướng dẫn phương pháp lắp đặt hoàn chỉnh. Điều này giúp đơn giản hóa quá trình thay thế thiết bị và giảm thiểu thời gian lắp đặt.
Dù vậy, việc hiện đại hóa thang máy bằng cách chỉ thay thế một bộ phận nhất định chưa chắc đã mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Chẳng hạn như, việc hiện đại hóa thang máy bằng cách thay thế bộ truyền động cabin hiện đại chắc chắn mang lại những lợi ích rõ ràng. Song, các yếu tố khác như cửa tầng thủ công, bảng hiển thị cũ kỹ khó đọc hay diện mạo lỗi thời của cabin thang cũng ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dùng. Để người dùng cảm thấy hài lòng, cần phải có một quá trình nâng cấp toàn diện hơn.
Vì lý do trên, phần lớn các công việc hiện đại hóa thang máy ở khu vực châu Âu đều chuyển sang cấp độ hiện đại hóa thứ 3 với việc áp dụng các bộ sản phẩm hiện đại hóa đa thành phần, tức thay thế theo một hệ thống dựa trên yêu cầu của khách hàng. Mặc dù yêu cầu nhiều thời gian hơn để nâng cấp, song các bộ kit này lại giúp tăng đáng kể hiệu suất hoạt động của thang máy, mức độ an toàn cũng như tuân thủ các quy định mới có hiệu lực, đem lại hiệu quả năng lượng, nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng.
Các bộ phận cần hiện đại hóa dựa trên yêu cầu của khách hàng
Ở cấp độ nâng cấp này, chúng ta có thể thực hiện nhiều thay đổi để cải thiện hiệu năng và độ an toàn cũng như tính thẩm mỹ. Ví dụ, việc thay thế bo mạch điều khiển và tất cả các bảng hiển thị, nút bẩm có thể giúp cho việc sử dụng thang máy trở nên tiện lợi hơn. Hay việc thay thế máy kéo có hộp số giảm tốc bằng máy kéo không hộp số giảm tốc được chạy bằng biến tần giúp giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng của hệ thống thang.
Bên cạnh việc nâng cấp các bộ phận bên trong, ngoại hình của thang máy cũng có thể được cải thiện bằng cách thay thế, ốp lại vách cabin hoặc cải tạo cửa tầng.
Thang máy sau khi được thay thế hệ thống kiếm cửa cabin
Quan trọng hơn, các quy định về an toàn thang máy ngày càng được siết chặt. Vì vậy, để đáp ứng các quy định mới về an toàn, trong quá trình hiện đại hóa thang máy, người ta thường lắp thêm thiết bị UCM (Uncontrolled Car Movement) để ngăn ngừa tình huống cabin thang máy di chuyển bất thường.
Đây là một yếu tố quan trọng để tăng cường thêm độ an toàn của thang máy và hiện đã được đưa vào quy định tại nhiều nơi, đặc biệt là các quốc gia châu Âu. Quy định này không chỉ áp dụng với các thang máy lắp mới mà còn được quy định với cả các thang máy cũ cần được nâng cấp.
Cuối cùng, trong các trường hợp đặc biệt hoặc với các thang máy có thời gian hoạt động đáng kể, việc hiện đại hóa yêu cầu phải tiến hành đến toàn bộ hệ thống, chỉ giữ lại các ray dẫn hướng và một thang máy hoàn toàn mới sẽ được lắp đặt trong giếng thang hiện có.
Các can thiệp này hoàn toàn phù hợp với các dự án cải tạo tổng thể công trình di sản, đặc biệt khi có sự thay đổi về chức năng sử dụng. Nhờ thiết kế nhỏ gọn, chiều cao OH và hố pit thấp, các loại thang máy hiện nay có thể dễ dàng lắp đặt vào những giếng thang có diện tích hạn chế. Kết hợp với các linh kiện siêu nhỏ gọn, chúng ta có thể sở hữu hệ thống thang máy hiện đại với hiệu suất cao, đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật, ngay cả trong điều kiện lắp đặt không lý tưởng.
Bảng khuyến cáo tuổi thọ các thiết bị chính của thang máy trong Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2023/VNEA nhằm mục đích làm căn cứ xây dựng kế hoạch đại tu, hiện đại hóa thang máy
Để khai thác tối đa và đạt được hiệu quả tối ưu của các cấp độ hiện đại hóa thang máy, điều quan trọng nhất đến từ việc đối tác cung cấp dịch vụ cần có sự hỗ trợ phù hợp trong suốt quá trình hiện đại hóa.
Đây cũng chính là lý do tại sao cần có thêm cấp độ thứ 5. Để đảm bảo thành công của quá trình hiện đại hóa, các nhà sản xuất tốt nhất không chỉ cung cấp các sản phẩm cần thiết mà còn cung cấp các dịch vụ đi kèm để hỗ trợ khách hàng trong quá trình nâng cấp thang máy, gồm:
– Kiểm tra, đo đạc: Trước khi tiến hành hiện đại hóa, cần thực hiện kiểm tra tại chỗ để đánh giá tình trạng hiện tại của thang máy và xác định các vấn đề cụ thể cần được giải quyết.
– Tư vấn kỹ thuật: Tìm ra giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất cho từng thang máy cần được hiện đại hóa, đưa ra giải pháp hoàn chỉnh với tất cả các phụ tùng và điều chỉnh cần thiết.
– Dịch vụ hậu cần: Đảm bảo việc cung cấp các thiết bị cần thiết diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện nâng cấp.
– Dịch vụ đào tạo: Giúp nâng cao năng lực nhân viên kỹ thuật của công ty thang máy và đảm bảo rằng các phương thức hiện đại hóa tốt nhất được áp dụng.
– Dịch vụ hậu mãi: Giúp đảm bảo rằng khách hàng được hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả sau khi nâng cấp thang máy.
Các dịch vụ hỗ trợ trên đây đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của quá trình hiện đại hóa thang máy. Các dịch vụ này giúp đảm bảo công việc được thực hiện đúng thời gian và chi phí dự kiến, đồng thời mang lại sự hài lòng cho người sử dụng thang máy.
Quý độc giả tham khảo chi tiết các Tiêu chuẩn được nhắc tới trong bài như sau:
– Tiêu chuẩn EN 81-58 tương đương với TCVN 6396-58:2010
– Tiêu chuẩn EN 81-77 tương đương với TCVN 6396-77:2015
– Tiêu chuẩn EN 81-82 tương đương với TCVN 6396-82:2015
Carlo Ferrari
Giám đốc Truyền thông Tiếp thị Doanh nghiệp, Tập đoàn Wittur
Thành lập tại Đức vào năm 1968, Tập đoàn Wittur là một trong những nhà sản xuất linh kiện thang máy độc lập hàng đầu thế giới với mạng lưới bán hàng và cơ sở sản xuất toàn cầu rộng lớn cùng nhiều loại sản phẩm.
Với hơn 600 bằng sáng chế toàn cầu, trong đó có 26 sáng chế đột phá, Tập đoàn Wittur cung cấp nhiều loại linh kiện dành cho sản xuất và cung ứng thang máy mới, phụ tùng thay thế cũng như hiện đại hóa và nâng cấp thang máy như: các thành phần cơ điện tử phức tạp cho cabin thang máy và cửa ra vào, máy kéo không hộp số, cáp kéo, các thiết bị an toàn, cabin,… Trong đó, các sản phẩm liên quan tới truyền động cửa cabin của Wittur đã có thương hiệu trên toàn cầu.
Tính đến năm 2023, Tập đoàn Wittur đã đạt được những thành tựu đáng kể, sở hữu hệ thống 13 nhà máy sản xuất hiện đại và 7 trung tâm công nghệ trên toàn cầu. Với mạng lưới rộng khắp tại hơn 50 quốc gia và đội ngũ hơn 4.700 nhân viên, Wittur đã khẳng định vị thế của mình trong ngành vận tải thẳng đứng, đạt doanh thu ấn tượng 865 triệu Euro (khoảng hơn 950 triệu USD).
Thông tin mới cập nhật