Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “3M và Hành trình sản xuất thang máy bền vững”. Hội thảo do Tập đoàn 3M tổ chức với sự đồng hành của Hiệp hội thang máy Việt Nam (VNEA) và bảo trợ truyền thông của Tạp chí Thang máy. Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam, thành viên Nhóm tư vấn DAG Việt Nam là diễn giả chính của hội thảo.
Hơn 60 doanh nghiệp dự hội thảo đã dành sự quan tâm đối với các giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp thang máy.
Trên thực tế, thị trường thang máy Việt Nam rất tiềm năng khi đang có khoảng 250.000 thang máy đang hoạt động với hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong tương lai gần, từ nay đến năm 2025, thị trường thanh máy được dự báo sẽ tăng trưởng trên 13% mỗi năm, là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy.
Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch VNEA là diễn giả chính tại hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA), thành viên Nhóm tư vấn DAG Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng hiện nay gồm 3 yếu tố.
Thứ nhất, niềm tin là thứ lôi cuốn, giữ chân khách hàng và cũng là thước đo giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh thực trạng hiện nay của ngành thang máy: sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhân công không đủ năng lực, quy chuẩn và giám sát thực hiện (thiết kế, sản xuất, lắp đặt, bảo trì, nâng cấp,…) hạn chế – niềm tin của khách hàng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến mất thị trường ngay trên sân nhà.
Thứ hai, đó là vấn đề an toàn. Khi doanh nghiệp cạnh tranh về giá liệu khách hàng có hưởng lợi? Đó là suy nghĩ thông thường, nhưng việc cạnh tranh mù quáng về giá đẩy các doanh nghiệp thang máy đối mặt với nhiều hệ lụy xấu. Đó là tình trạng không có chi phí để đào tạo, nuôi dưỡng nhân lực có trách nhiệm, có đúng năng lực kỹ thuật và phát triển dài hạn bền vững, phục vụ bảo trì, bảo dưỡng… Mỗi doanh nghiệp sẽ có những chiến lược khác nhau để tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh. Đó là động lực cho sự phát triển.
Thứ ba, sự bền vững. Đây là một khái niệm không quá quen thuộc đối với các doanh nghiệp thang máy Việt Nam nhưng lại là mục tiêu quan trọng của xu hướng toàn cầu hoá. Bền vững không chỉ là tuổi đời của doanh nghiệp mà đó còn là sự đóng góp các giá trị cộng đồng – xã hội. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có một tầm nhìn, giá trị cốt lõi, tiêu chuẩn sản phẩm của họ trở thành các tiêu chuẩn, “hàng rào” thương mại của nhiều khu vực trên thế giới…
Đại diện của 3M giới thiệu các giải pháp kết nối vật liệu
Trong hội thảo lần này, 3M Việt Nam cũng đã giới thiệu và mang tới những giải pháp hội tụ các yếu tố: Niềm tin, An toàn và Bền vững.
Một ví dụ, các chuyên gia phân tích giải pháp sử dụng các sản phẩm dành cho lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thang máy và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là các loại thiết bị bảo hộ lao động, các linh kiện phụ kiện cho các loại thiết bị mài cắt chuyên dụng, các loại băng keo có thể sử dụng trong sản xuất, lắp đặt thang máy…
Theo đó, các loại băng keo cường lực, với các tính năng chịu lực, chịu nhiệt, chịu nước và các điều kiện khắc nghiệt khác sẽ được sử dụng thay thế các loại đinh vít, ốc tán hoặc hàn phổ thông. Khi sử dụng băng keo, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, băng keo 3M còn nâng cao tính thẩm mỹ, tăng độ bền, giảm đáng kể thời gian thi công, chi phí… Trong đó, các loại băng keo chủ yếu sử dụng trong thi công giếng kính, bảng điều khiển, các hạng mục thuộc cabin thang máy…
Các sản phẩm của 3M đang phân phối ở thị trường Việt Nam
Các giải pháp và sản phẩm của 3M hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp và ngành công nghiệp thang máy phát triển bền vững. Đó là tối ưu hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của nhân viên kỹ thuật và người dùng thang máy…
Với cách tiếp cận hướng tới lợi ích cộng đồng lâu dài như vậy, các giải pháp phát triển bền vững của VNEA và 3M là rất tương đồng. Đại diện của 3M bày tỏ mong muốn được đồng hành với ngành thang máy Việt Nam, mang tới các giải pháp thiết thực, bền vững, thúc đẩy cùng nhau phát triển lâu dài.
3M là công ty đa quốc gia có trụ sở tại Minnesota, Mỹ được thành lập từ năm 1902. Đến nay, 3M duy trì hoạt động của 10 ngành hàng khác nhau với hàng nghìn sản phẩm. Quy mô của 3M đã mở rộng tới 70 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 91 nghìn nhân viên, đạt mức doanh thu gần 32 tỉ đô la. Từ năm 1994, 3M gia nhập thị trường Việt Nam./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật